Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi rất quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của Bộ Y tế, để bảo vệ sức khỏe, giúp trẻ em được đi học, vui chơi, cha mẹ yên tâm làm việc trong điều kiện nước ta mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
(VLO) Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi rất quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của Bộ Y tế, để bảo vệ sức khỏe, giúp trẻ em được đi học, vui chơi, cha mẹ yên tâm làm việc trong điều kiện nước ta mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh như vậy tại hội nghị tập huấn tiêm chủng vắc xin cho trẻ, vào chiều 31/3.
Đối với nhóm trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ, người thân phải túc trực bên cạnh trẻ trong ít nhất 3 ngày sau tiêm vắc xin (ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Không tiêm trộn 2 loại vắc xin
Tại hội nghị tập huấn, PGS.TS. Dương Thị Hồng- Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, từ đầu tháng 4/2022, ngay sau khi vắc xin phòng COVID-19 được cung ứng, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố cả nước sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng đợt này. Trẻ em ở nhóm tuổi lớn, từ 11 tuổi (tức học lớp 6) sẽ tiêm trước, sau đó hạ thấp dần. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vắc xin được cung ứng.
Theo đó, có 2 loại vắc xin phòng COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, gồm vắc xin Pfizer và vắc xin Moderna. Bộ Y tế đề nghị vắc xin Moderna chỉ tiêm cho trẻ từ 6 tuổi trở lên, tuyệt đối không tiêm cho trẻ 5 tuổi. Trẻ sẽ tiêm hai mũi vắc xin cùng loại, không tiêm trộn. Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.
Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng, theo kinh nghiệm học hỏi từ thế giới và các đồng nghiệp, những phản ứng trầm trọng, bất thường sau tiêm ở trẻ 5 - 11 tuổi ít hơn so với trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em sau liệu trình tiêm cơ bản gồm đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, buồn nôn/nôn mửa, sưng/đau ở nách, sốt, ban đỏ tại vị trí tiêm, sưng tại vị trí tiêm, đau khớp. Tỷ lệ gặp phản ứng này là 1/10.
Các triệu chứng như tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm ít gặp hơn, tỷ lệ từ 1/100 đến dưới 1/10. Phản ứng viêm cơ tim, ngoài màng tim rất hiếm gặp, tỷ lệ dưới 1/10.000.
Các phản ứng nặng càng ít gặp hơn, tuy nhiên, các địa phương không được chủ quan. Sau khi tiêm chủng, trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm.
Cha mẹ theo dõi sát 24/24 trong vòng 3 ngày đầu, do trẻ có thể gặp phản ứng bất lợi vào ban đêm. Đồng thời, cũng cần tránh để trẻ vận động mạnh, luôn chuẩn bị sẵn để tránh tai biến nặng có thể xảy ra.
Nhóm nào cần trì hoãn tiêm?
Theo TS. Lê Kiến Ngãi- Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, thông qua việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở các quốc gia đối với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cho thấy các phản ứng xảy ra không có sự khác biệt nhiều so với nhóm trẻ lớn từ 12-17 tuổi và người lớn.
“Mục tiêu quan trọng nhất là làm sao tiêm vắc xin phòng COVID-19 được cho nhiều trẻ đủ điều kiện nhất, nhưng phải đảm bảo tiêm đến đâu an toàn đến đó”- TS. Lê Kiến Ngãi nói, đồng thời đưa ra hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về trường hợp trẻ ở nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi chống chỉ định tiêm chủng, cần trì hoãn, thận trọng khi tiêm.
Số ca mắc COVID-19 trong trường học vẫn tăng, khiến nhiều học sinh phải chuyển sang học trực tuyến. |
Trước tiên là phải khám sàng lọc kỹ các trẻ trước khi tiến hành tiêm cho trẻ. Theo đó, nhóm trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi chống chỉ định tiêm chủng là nhóm có tiền sử phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 hoặc các thành phần của vắc xin, trẻ phải trì hoãn là trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển...
Cụ thể, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang có sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như đang hóa trị ung thư,… thì cần trì hoãn cho đến khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính, mạn tính, hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính.
Liên quan các phản ứng sau tiêm, TS. Đỗ Thiện Hải- Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Điều cần quan tâm với phản ứng sau tiêm ở trẻ em 5- dưới 12 tuổi là các biểu hiện liên quan tim mạch, viêm cơ tim.
Dù tỷ lệ thấp, chúng ta vẫn phải cảnh giác để sớm phát hiện các triệu chứng như mệt mỏi sau tiêm, nhịp tim nhanh, đau thắt ngực của trẻ”. Đồng thời, nhấn mạnh phụ huynh không để trẻ một mình sau
khi tiêm.
“Cha mẹ, người thân phải túc trực bên cạnh trẻ trong ít nhất 3 ngày sau tiêm. Trong thời gian này, chúng ta cần theo sát trẻ để nhận ra các phản ứng, đặc biệt liên quan tim mạch, phản ứng phản vệ hay tình trạng tương tự viêm đa cơ quan như phát ban, tổn thương niêm mạc.
Đây là các dấu hiệu sớm để cảnh giác khi trẻ tổn thương những cơ quan khác”- TS. Đỗ Thiện Hải.
GS. Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Trẻ em mắc COVID-19 nhẹ nên có thể hệ miễn dịch chưa đầy đủ, vì vậy cần thiết tiêm vắc xin để phòng bệnh. Thời điểm tiêm là 3 tháng sau khi mắc bệnh, khi đó cơ thể trẻ đã hồi phục và đảm bảo an toàn tiêm chủng. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin