Ho ra máu cần đến ngay cơ sở y tế

09:04, 01/04/2022

Tôi bị ho vài ngày, khi khạc ra thấy đờm có lẫn máu. Xin bác sĩ cho biết, tôi bị vậy có nguy hiểm không? Những bệnh nào liên quan đến ho ra máu và cách xử lý?

Tôi bị ho vài ngày, khi khạc ra thấy đờm có lẫn máu. Xin bác sĩ cho biết, tôi bị vậy có nguy hiểm không? Những bệnh nào liên quan đến ho ra máu và cách xử lý?

Nguyễn Văn Năm

(Tân An Thạnh- Bình Tân)

Trả lời:

Ho ra máu có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, khi gặp tình trạng này, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ có phương pháp cầm máu và xử lý kịp thời.

Ho ra máu có 3 cấp độ: Nhẹ nhất là khạc, ho ra đờm lẫn ít máu. Cấp độ trung bình là lượng máu ho, khạc ra dưới 50cc máu, có thể gây tình trạng suy sụp nặng toàn thân và thiếu máu. Cấp độ nặng nhất là ho, khạc ra trên 50cc máu, thường gặp ở người bị lao hoặc giãn phế quản.

Người bị ho ra máu có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm như: phổi bị ứ huyết, dọa phù phổi do ảnh hưởng từ bệnh tim (hẹp van 2 lá, suy tim trái); viêm phổi cấp tính dẫn đến ho ra máu kèm sốt cao, lạnh run, hít vô nghe đau vùng phổi; lao phổi gây ho ra máu kèm sốt nhẹ về chiều, chán ăn, sụt cân, suy kiệt, đổ mồ hôi trộm về đêm; giãn phế quản do bệnh phổi mạn tính khiến tình trạng ho ra máu tái đi, tái lại kèm ho khạc ra đờm mủ; ung thư phổi gây ho ra máu kèm sụt cân, khó thở và có nổi hạch.

Khi gặp các triệu chứng trên, cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp nặng nên sơ cứu bệnh nhân trước khi chuyển tới bệnh viện. Việc đầu tiên cần làm là thông đường thở bằng cách hút sạch máu và đờm nhớt, động viên người bệnh khạc ra hết đờm nhớt, tránh vỗ lưng bệnh nhân vì điều này sẽ làm máu chảy nhiều hơn. Tránh sử dụng thuốc cầm ho, cầm máu vì sẽ làm chậm trễ quá trình đưa bệnh nhân đi cấp cứu và cần giữ nguyên tư thế bệnh nhân trên đường đến trung tâm y tế, bệnh viện.

BS PHAN GIA HOÀNG

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh