Tuyệt đối không chủ quan với dịch COVID-19

04:03, 15/03/2022

Theo BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, dù tỉnh và 8 huyện, thị xã, thành phố duy trì dịch cấp độ 1, song đã có 26 xã, phường, thị trấn đang ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình). Hiện tỉnh vẫn đang kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhưng số ca nhiễm mới tăng lên.

(VLO) Theo BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, dù tỉnh và 8 huyện, thị xã, thành phố duy trì dịch cấp độ 1, song đã có 26 xã, phường, thị trấn đang ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình). Hiện tỉnh vẫn đang kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhưng số ca nhiễm mới tăng lên.

Dịch vẫn có khả năng diễn biến phức tạp, nếu chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đặc biệt là nguy cơ dịch bùng phát mạnh trở lại trong thời gian tới do biến chủng Omicron đã xâm nhập.

Duy trì các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả hơn tại các cơ sở trường học, đảm bảo 5K và nâng cao ý thức của học sinh trong phòng, chống COVID-19.
Duy trì các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả hơn tại các cơ sở trường học, đảm bảo 5K và nâng cao ý thức của học sinh trong phòng, chống COVID-19.

Số ca mắc tăng nhanh

Kể từ sau dịp Tết Nguyên đán 2022, số ca nhiễm COVID-19 tại tỉnh Vĩnh Long có xu hướng tăng với số ca mắc trung bình 500- 600 ca/ngày.

Đáng lưu ý, số ca mắc trong cộng đồng và qua sàng lọc tại cơ sở y tế chiếm tỷ lệ cao, trên 80% trong tổng số ca mắc tăng cao tại TP Vĩnh Long, các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn. Trong đó, số ca nhiễm ở nhóm đối tượng là học sinh, giáo viên tăng cao trong 7 ngày gần nhất, chiếm khoảng 40% số ca mắc COVID-19.

Theo ngành y tế, nhờ tỉnh đạt độ bao phủ vắc xin cao nên số ca bệnh nặng và tử vong giảm mạnh. Số ca tử vong trung bình 1 ca/ngày và nhóm từ 50 tuổi trở lên vẫn chiếm cao (93,67%).

Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, vấn đề cốt lõi là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi tỉnh triển khai điều trị F0 tại nhà, ngành y tế đã phát hiện một số trường hợp mắc bệnh rồi tự điều trị, không khai báo dẫn đến bệnh chuyển nặng, phải nhập viện ở tầng cao hơn để điều trị.

Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân (BN) COVID-19 Vĩnh Long tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp mắc COVID-19 nguy kịch, trong đó có một số BN chuyển nặng là do không khai báo y tế khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 để được quản lý, theo dõi, điều trị kịp thời.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Văn Hạnh Phúc, Trung tâm Hồi sức tích cực BN COVID-19 Vĩnh Long, cho biết Trung tâm vừa điều trị cho một số BN nặng.

Qua thăm khám mới phát hiện mắc bệnh nhưng không khai báo y tế mà tự mua thuốc về uống. Đến ngày thứ 4, thứ 5 hoặc thứ 7, bệnh đột ngột chuyển nặng, gia đình đưa vào cấp cứu thì bệnh nhân rơi vào nguy kịch, suy hô hấp.

Đối với những trường hợp này thì quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn do BN đến trễ, bệnh diễn tiến nhanh, nguy kịch.

Lo ngại tái nhiễm

Tính từ đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 25.000 người được điều trị khỏi bệnh, 740 trường hợp tử vong.

Do được tiêm vắc xin và hiệu quả của công tác phân tầng điều trị, số ca mắc COVID-19 giảm dần, số người tử vong cũng giảm.

Vấn đề đáng lo ngại là nhiều người sau khi khỏi bệnh thì xuất hiện các triệu chứng hậu COVID-19, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là tình trạng tái nhiễm ở BN mắc COVID-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo những người từng mắc COVID-19 vẫn có thể tái nhiễm với biến chủng Omicron và nguy cơ này đang gia tăng trên toàn cầu và thực tế này, có không ít trường hợp tái nhiễm SARS- CoV-2 sau khi khỏi bệnh một thời gian rất ngắn tại Vĩnh Long.

Hiện nay, các F0 trên địa bàn tỉnh nếu có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng được tự cách ly, điều trị tại nhà. Song, vẫn có nhiều F0 không khai báo y tế, do đó rất khó khăn để thống kê ca nhiễm cụ thể, từng nhiễm hoặc tái nhiễm. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, đã có không ít trường hợp tái nhiễm.

Đáng lo ngại, hiện nay nhiều người nghĩ mình đã tiêm đủ 2 đến 3 mũi vắc xin ngừa COVID-19 hoặc từng mắc COVID-19 thì sẽ không nhiễm nữa hoặc nếu có nhiễm triệu chứng cũng sẽ nhẹ nên có phần lơ là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, sau khi khỏi bệnh, cơ thể BN sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại vi rút SARS-CoV-2. Song, lượng kháng thể trong cơ thể được tạo ra có thể không đủ mạnh hoặc tồn tại không đủ lâu để giúp BN miễn nhiễm hoàn toàn với bệnh trong thời gian dài. Ngoài ra, mức độ sinh kháng thể được sinh ra sau khi nhiễm bệnh không đủ để bảo vệ cơ thể nên vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Phần lớn các ca tái nhiễm nếu được tiêm vắc xin thì thường ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhưng ở một số BN vẫn có thể trở nên trầm trọng hơn nếu các vi rút này xâm nhập vào phổi khi cơ thể không đủ khả năng để chống lại.

Chị L.T.T. (Phường 4-TP Vĩnh Long) vừa khỏi COVID-19 cuối tháng 12/2021. Song, khi con gái chị đi học bị nhiễm bệnh và cũng do chủ quan, chị nghĩ mình đã nhiễm rồi sẽ không bị bệnh lại.

Chị T. cho biết: “Con bệnh bữa trước, bữa sau tôi thấy cơ thể khó chịu, đau rát họng, mũi nhiều dịch. Khi test nhanh thì dương tính khiến tôi vô cùng hoang mang”.

Phó Giám đốc Sở Y tế- Hồ Thị Thu Hằng nhận định, dự báo trong thời gian tới, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng cao, mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin của tỉnh đang ở mức cao nhưng không thể bảo vệ hoàn toàn cho người dân.

Do đó, người dân cần chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân, theo dõi sức khỏe để kịp thời khai báo y tế khi mắc COVID-19, hạn chế lây lan trong cộng đồng.

Khi phát hiện mắc bệnh, người dân cần báo cho cơ sở y tế để có tư vấn và quản lý điều trị tại nhà hợp lý, khi có dấu hiệu chuyển nặng phải gọi ngay cơ sở y tế hoặc đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

“Những người đã nhiễm SARS-CoV-2 vẫn phải tiêm vắc xin đầy đủ, kể cả liều tăng cường để bảo vệ mình và cộng đồng, đồng thời vẫn phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế: đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tụ tập… để ngăn chặn dịch lây lan mạnh trong cộng đồng”.

TS.bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng chia sẻ, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp nhận một số trường hợp khi đến nhập viện đã chuyển khá nặng do tự điều trị và theo dõi sức khỏe không theo hướng dẫn của ngành y tế. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, nhất là những trường hợp có bệnh nền hoặc xuất hiện các trường hợp thiếu oxy thầm lặng. Trên thực tế, nhiều người mắc COVID-19 đang có chỉ số SpO2 ổn định, nhưng bất ngờ bị tình trạng thiếu oxy thầm lặng, người bệnh cảm thấy rất bình thường nhưng thực sự đã có tổn thương đường hô hấp. Vì vậy, thường xuyên đo SpO2 là một trong những yêu cầu cần thiết với người mắc COVID-19.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh