Không tự ý dùng thuốc chống viêm, chống đông cho trẻ

09:03, 23/03/2022

Theo PGS.TS. Trần Minh Điển- Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, khi phát hiện trẻ nghi hoặc đã mắc COVID-19, cha mẹ cần bình tĩnh xác định mức độ bệnh của con. Nếu ở mức độ nhẹ thì việc điều trị tại nhà là chìa khóa giúp trẻ được chăm sóc tốt từ gia đình, ít ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và hạn chế tình trạng quá tải y tế không cần thiết, nguy cơ lây nhiễm vi rút, bệnh khác từ bệnh viện.

Theo PGS.TS. Trần Minh Điển- Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, khi phát hiện trẻ nghi hoặc đã mắc COVID-19, cha mẹ cần bình tĩnh xác định mức độ bệnh của con. Nếu ở mức độ nhẹ thì việc điều trị tại nhà là chìa khóa giúp trẻ được chăm sóc tốt từ gia đình, ít ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và hạn chế tình trạng quá tải y tế không cần thiết, nguy cơ lây nhiễm vi rút, bệnh khác từ bệnh viện.

Tính từ ngày 7/2- 18/3, Vĩnh Long ghi nhận hơn 8.000 học sinh mắc COVID-19. Phần lớn trẻ không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1- 2 tuần. Song, một số trẻ có bệnh nền như: bệnh về thận, huyết học, cơ địa béo phì… có thể diễn biến nặng hơn, nhưng thường các trường hợp điều trị cũng khỏi nhanh hơn so với người lớn.

Theo TS.bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, đa số các trường hợp trẻ mắc COVID-19 thường có biểu hiện sốt 2- 3 ngày đầu kèm các triệu chứng ho, ngứa họng, sổ mũi… Cha mẹ cần bình tĩnh theo dõi, không nhất thiết phải đưa con đến cơ sở y tế ngay mà cần làm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phụ huynh cho trẻ nghỉ học và báo ngay cho nhà trường và cơ quan y tế để xử trí. Cần trang bị đồ dùng y tế để chăm trẻ như khẩu trang, nước sát khuẩn, cặp nhiệt độ, nước muối sinh lý, thuốc điều trị, máy đo SpO2.

Trong quá trình chăm sóc và điều trị COVID-19 cho trẻ tại nhà, cần chú ý việc sử dụng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ, liều lượng phải theo cân nặng. Không được dùng thuốc người lớn pha cho trẻ uống. Chỉ sử dụng thuốc ho khi cần thiết, đúng chỉ định; uống thêm nước và chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ. Cha mẹ cố gắng duy trì chế độ dinh dưỡng cho con như bình thường. Nếu trẻ không ăn uống được thì có thể chia nhỏ các bữa hoặc thức ăn dễ tiêu như cháo, sữa,...

Không tự ý dùng thuốc chống viêm, chống đông khi không có ý kiến bác sĩ. Molnupiravir không dùng cho trẻ dưới 18 tuổi. Tuyệt đối không nghe thông tin, lời khuyên hay sử dụng đơn thuốc trên mạng để điều trị cho trẻ. Trong quá trình chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà, người nhà nên liên hệ với đường dây y tế cố định để theo ngay từ đầu, tránh lúng túng, hoang mang. Khi trẻ có các dấu hiệu thở nhanh, khó thở dữ dội, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú, tím môi đầu chi, chi lạnh, nổi vân tím... thì nhanh chóng đưa vào bệnh viện.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, hiện nay qua theo dõi với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em đặc biệt chưa tiêm chủng. Vì vậy, việc tiêm chủng cho trẻ có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác.

SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh