Giảm thiểu tác động của COVID-19, tăng cường phát hiện bệnh lao

01:03, 26/03/2022

Bệnh lao là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là bệnh truyền nhiễm gây tử vong phổ biến nhất với số ca kháng thuốc ngày càng tăng. Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Vì vậy việc phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Việc thăm khám đúng hẹn, uống thuốc đều và đúng theo phác đồ điều trị là hết sức quan trọng với bệnh nhân.
Việc thăm khám đúng hẹn, uống thuốc đều và đúng theo phác đồ điều trị là hết sức quan trọng với bệnh nhân.
Bệnh lao là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là bệnh truyền nhiễm gây tử vong phổ biến nhất với số ca kháng thuốc ngày càng tăng. Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Vì vậy việc phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
 
“Giảm thiểu tác động của COVID-19- Tập trung nguồn lực- Tăng cường phát hiện bệnh lao”
 
Đó là chủ đề ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2022 của Việt Nam. “Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến tiến trình thanh toán bệnh lao vào năm 2030, chủ đề trên nhấn mạnh năm 2022 này sẽ là lúc để chúng ta giảm thiểu những tác động của dịch bệnh, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh mới, đặc biệt là tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao, trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao là một bước đi điển hình, đột phá có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong bối cảnh hiện nay”- PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia khẳng định.
 
Mỗi năm, Việt Nam có 170.000 ca mắc mới (báo cáo WHO 2020), khoảng 11.400 ca tử vong. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình người bệnh phải gánh chi phí lớn dành cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao, vượt quá 20% thu nhập của cả hộ. Đáng chú ý, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, đây là một vấn đề làm ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
 
Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Bệnh lao được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
 
Vĩnh Long tăng cường khống chế bệnh lao
 
Với quyết tâm đạt mục tiêu không còn bệnh lao và tiến đến loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng vào năm 2030, Vĩnh Long đã chủ động tầm soát phát hiện sớm và quản lý điều trị bệnh lao nhằm giảm nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm dịch tễ bệnh lao. Tăng cường tuyên truyền và chủ động sàng lọc tầm soát bệnh lao cho những người có nguy cơ cao. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức về bệnh lao và kịp thời phát hiện quản lý điều trị bệnh nhân lao, giảm nguồn lây lan trong cộng đồng.
 
Công tác quản lý điều trị bệnh nhân lao luôn được quan tâm. Các trường hợp mắc lao được nhân viên y tế thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn sử dụng thuốc và các biện pháp dự phòng lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe cho người thân và cộng đồng. Ông Nguyễn Thanh Phong (xã Phú Đức- Long Hồ) cho biết: “Tui tới trạm lãnh thuốc, nhân viên vui vẻ, nhắc uống thuốc đều đặn không được bỏ liều, có ói, chống mặt thì điện thoại báo kịp thời. Tui ý thức sử dụng chén, ly, đũa riêng, không ngủ chung với vợ con ”.
 
Các kỹ thuật chẩn đoán, phát hiện sớm cũng được các cơ sở y tế triển khai giúp phát hiện sớm bệnh lao và nâng cao chất lượng điều trị. Chỉ trong 2 giờ có thể phát hiện vi khuẩn lao, số lượng và lao kháng thuốc. Anh Trần Quốc Đ. (huyện Trà Ôn) được người thân đưa tới khám tại BV Phổi vì thường xuyên bị ho tức ngực, có đờm, sụt cân không rõ nguyên nhân và tràn dịch màng phổi. Đến khám, anh Đ. mới biết đã bị mắc bệnh lao và được điều trị theo phác đồ kéo dài 6 tháng.
 
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc Bệnh viện Phổi Vĩnh Long cho biết: “Đang chủ động sàng lọc phát hiện lao chủ động cho TP Vĩnh Long, huyện Long Hồ. Trong thời gian tới là huyện Vũng Liêm và Bình Tân, tiến hành sàng lọc chủ động cho trẻ em ở Vĩnh Long”.
 
Lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây tử vong cao trên thế giới. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người mỗi năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao. Vì thế, bên cạnh các biện pháp chủ động phát hiện, quản lý và điều trị bệnh lao của ngành y tế, người dân cần nâng cao thể trạng, khi có biểu hiện ho kéo dài, sụt cân hay sốt về chiều, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bởi cứ một người mắc bệnh lao không được phát hiện thì khả năng sẽ lây 10- 15 người.
Giảm thiểu tác động của COVID-19, tăng cường phát hiện bệnh lao.
“COVID-19 và lao đều là hai căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao”- PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh