Cảnh giác nguy cơ tái nhiễm COVID-19

05:03, 17/03/2022

Nhiều người khỏi COVID-19 nhưng sau đó tái nhiễm. Do đó, nhiều F0 luôn lo lắng về khả năng bệnh sẽ nặng hơn nếu tái nhiễm.

 

Tiêm đủ liều vắc xin, thực hiện 5K, tự ý thức phòng dịch bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Tiêm đủ liều vắc xin, thực hiện 5K, tự ý thức phòng dịch bảo vệ bản thân và cộng đồng.

(VLO) Nhiều người khỏi COVID-19 nhưng sau đó tái nhiễm. Do đó, nhiều F0 luôn lo lắng về khả năng bệnh sẽ nặng hơn nếu tái nhiễm.

Không chủ quan với COVID-19

Tình hình lây nhiễm SARS-CoV-2 đang tiếp tục gia tăng số ca mắc. Các chuyên gia khuyến cáo, ai cũng có khả năng tái nhiễm, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh.

SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh và chủng mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó trong cơ thể người bệnh.

Là nhân viên y tế từng mắc COVID-19 nên chị Nguyễn Thái Kim Bằng (Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Tam Bình) thực hiện rất nghiêm các quy định phòng chống dịch khi làm việc ở môi trường nguy cơ cao. Song, cách đây khoảng 1 tháng chị và cả con đều bị tái nhiễm SARS-CoV-2.

“Làm việc trong môi trường nguy cơ cao tôi cũng thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh. Song, tháng trước tôi và con đều bị tái nhiễm lần 2 triệu chứng cũng giống như lần 1. Lúc đầu tôi cũng nghĩ cảm thông thường, khi test mới biết mình bị nhiễm lại lần 2”.

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đang có xu hướng gia tăng các ca mắc, trong đó, có không ít trường hợp tái nhiễm lần 2 mặc dù đã tiêm đủ liều vắc xin.

Anh Nguyễn Thanh Phong (TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi cứ nghĩ đã tiêm đủ 3 mũi và mắc COVID-19 rồi nên sẽ không bị lại, ai ngờ lại tái nhiễm. Vì vậy, khi người thân trong gia định mắc COVID-19 tôi khá chủ quan, chỉ đeo khẩu trang khi tiếp xúc mà không để ý sát khuẩn hay súc họng như những lần trước.

Sau 3 ngày ở chung, cổ họng hơi ngứa, bị sổ mũi, ớn lạnh, tôi thử test nhanh thì kết quả dương tính với SARS- CoV-2. Nhưng lần này tôi “lướt” qua nhẹ nhàng hơn so với bị đợt lần đầu”.

Theo các bác sĩ, trường hợp tái nhiễm triệu chứng bệnh có thể nhẹ hơn lần 1 nhưng cũng có trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú. Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Bình cho biết: “Trong số các ca mắc COVID-19 đợt này có 1 số trường hợp ghi nhận ca tái nhiễm.

Tuy tỷ lệ không cao nhưng cũng đáng lo ngại mặc dù đã được tiêm ngừa đủ cũng như vừa hết bệnh lại tái nhiễm tiếp. Theo báo cáo có trường hợp ghi nhận sau khi nhiễm 1 tháng có khả năng đã tái nhiễm lại”.

Ai cũng có khả năng tái nhiễm

Mức độ nặng nhẹ và thời gian tái nhiễm tùy vào hệ thống miễn dịch của cơ thể và tùy thuộc vào chủng bị mắc.
Mức độ nặng nhẹ và thời gian tái nhiễm tùy vào hệ thống miễn dịch của cơ thể và tùy thuộc vào chủng bị mắc.

Các chuyên gia y tế cho rằng, SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh và chủng mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó trong cơ thể người bệnh.

Theo Tiến sĩ Bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, ai cũng có khả năng tái nhiễm COVID-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh. “Về mặt nguyên tắc khả năng đề kháng của mỗi người sẽ chống lại vi rút.

Như vậy đối với những người từng mắc COVID-19 cũng có thể cơ thể chưa tạo đủ kháng thể chống lại vi rút và đặc biệt tình hình nhiễm các biến chủng mới, cơ thể chúng ta không nhận ra chúng ta cũng từng nhiễm SARS-CoV-2.

Do đó, vi rút vẫn có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta vẫn có nguy cơ mắc COVID-19 lần 2 nếu không thực hiện tốt khả năng bảo vệ 5K”.

Theo các bác sĩ, dù tỷ lệ tái nhiễm COVID-19 không cao và thường có triệu chứng nhẹ hơn nhưng không được chủ quan, xem thường vì những người bị tái nhiễm là người có cơ địa miễn dịch giảm, tuổi cao, nhiều bệnh nền. Đây là cơ hội để các bệnh này tái phát gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh cũng không được chủ quan, âm tính không có nghĩa là đã tạo được miễn dịch suốt đời.

Sau khi khỏi bệnh, cơ thể vẫn cần hồi phục sau đợt tấn công của vi rút. Do đó, cần tăng cường miễn dịch bằng tập luyện sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, theo dõi và thăm khám sớm khi có triệu chứng hậu COVID và đặc biệt là cần tuân thủ nguyên tắc 5K.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, trong khoảng thời gian ngắn sau khi mắc COVID-19, việc bị tái nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra, bởi người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng khác nhau. Tuy nhiên, nếu chẳng may tái nhiễm thì cũng không nên quá hoang mang. Bởi lẽ, tái nhiễm đa phần sẽ nhẹ hơn so với mắc lần đầu, đặc biệt là người đã tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19.

Bên cạnh đó, nhóm người trên 65 tuổi, người hay sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và người có nhiều bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cũng thuộc nhóm nguy cơ cao tái nhiễm COVID-19.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh