Hiện nay, phần lớn người nhiễm SARS-CoV-2 đều tự cách ly, điều trị bệnh tại nhà. Nhiều F0 lo lắng nên tự mình hoặc nhờ người thân đi mua thuốc hỗ trợ điều trị hoặc thuốc đặc trị COVID-19 để tự chữa bệnh. Đây là một thực tế cần quan tâm.
Theo các chuyên gia, việc lạm dụng, dùng thuốc không đúng làm vi rút kéo dài trong người, dù bệnh nhân không có bệnh nền kèm theo (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: HUỆ - Quyên |
Hiện nay, phần lớn người nhiễm SARS-CoV-2 đều tự cách ly, điều trị bệnh tại nhà. Nhiều F0 lo lắng nên tự mình hoặc nhờ người thân đi mua thuốc hỗ trợ điều trị hoặc thuốc đặc trị COVID-19 để tự chữa bệnh. Đây là một thực tế cần quan tâm.
Nguy hiểm từ việc tự dùng đơn thuốc chữa COVID-19
Thời gian gần đây, số ca mắc COVID-19 tăng cao, phần lớn F0 cách ly, điều trị tại nhà. Nhiều người mắc COVID-19 chỉ với triệu chứng nhẹ như ho, sốt, sổ mũi... nhưng lại tự mua và uống kháng sinh, dù đây là thuốc kê toa.
Thực tế, với thói quen uống thuốc theo “kê đơn truyền miệng”, theo bạn bè, người thân chỉ, nhiều F0 thể nhẹ vẫn đang tự ý sử dụng các loại thuốc kháng vi rút, thuốc kháng sinh và thuốc kháng viêm (corticoid + kháng kết tập tiểu cầu...) Nhiều người tin rằng, uống thuốc kháng vi rút sớm sẽ giúp giảm triệu chứng, nhanh “âm tính” hay uống kháng sinh sẽ giúp dứt cơn ho… Không chỉ dùng cho người lớn, phụ huynh cũng tự lên đơn thuốc cho trẻ em theo các phương thức trên.
Đây là việc làm gây nhiều rủi ro, nhất là cho các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà, bởi mỗi toa thuốc được bác sĩ chỉ định đều phải được cân nhắc nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, thể trạng, tiền sử dị ứng thuốc... nên không thể dùng toa của người này cho người khác. Không ít F0, sau khi hết bệnh lai bị tác dụng phụ của thuốc.
Mới đây, chị Phạm Mai Anh (Phường 2- TP Vĩnh Long) trở thành F0. Chị nôn nóng tìm kiếm thông tin về cách điều trị COVID-19 tại nhà từ chia sẻ của bạn bè từng mắc F0. Khi có 3- 4 toa thuốc trong tay, chị thực sự không biết nên sử dụng toa thuốc nào. “Mua đại một toa, nhận được gói thuốc, tôi vô cùng hoang mang. Bởi tôi chỉ bị sốt nhưng bịch thuốc có tới 7 loại, kể cả kháng sinh, kháng viêm, thuốc trị ho… nên tôi không dám uống vì chưa có triệu chứng gì khác. Uống vào sợ kháng thuốc, hại dạ dày, gan thận nên tôi chỉ uống hạ sốt”- chị Mai Anh chia sẻ.
Có mặt tại một số nhà thuốc lớn ở TP Vĩnh Long, chúng tôi ghi nhận khá đông người dân đến hỏi mua các loại thuốc hỗ trợ điều trị và đặc trị COVID-19 cho người thân. Qua trao đổi nhanh, nhiều người cho biết: đa phần, các trường hợp được nhà thuốc tư vấn mua là các thuốc điều trị triệu chứng COVID-19 ở thể nhẹ như: sốt, ho, đau đầu, nhức mỏi và các loại vitamin bổ sung để tăng đề kháng cho bệnh nhân.
Dược sĩ Võ Thế Anh (Nhà thuốc Khải Hoàn- TP Vĩnh Long) cho biết: “Một số trường hợp khách hàng không phải là người già, người lớn tuổi, người không có bệnh nền đã được tiêm vắc xin đầy đủ và có triệu chứng thể nhẹ thì nhà thuốc tư vấn những thuốc uống có thể hỗ trợ điều trị tăng sức đề kháng, theo dõi sức khỏe tại nhà. Khi có triệu chứng đặc biệt thì người dân phải đi đến cơ sở y tế ngay.”
Sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế- Hồ Thị Thu Hằng, khi bệnh nhân F0 theo dõi tại nhà, điều cần làm là theo dõi sát tình trạng bệnh và khai báo với cơ quan y tế hàng ngày. Bệnh nhân có thể tìm kiếm ý kiến tư vấn nhưng chú ý chỉ nên nghe theo những trang chính thống, ví dụ như trang web của Bộ Y tế, trang web của các bệnh viện lớn hoặc của những chuyên gia y tế.
Hiện nay, tất cả các bác sĩ đều đã được cập nhật “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19” của Bộ Y tế nên đều có thể tư vấn cho bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà. “Tình trạng F0 tự ý sử dụng thuốc không đúng với hướng dẫn sử dụng không chỉ làm cho tình trạng giảm triệu chứng mà càng khiến gia tăng các yếu tố nguy cơ”- TS. bác sĩ Thu Hằng khuyến cáo.
Khi muốn mua thuốc điều trị COVID- 19 tại nhà, người dân cần có đơn thuốc từ bác sĩ. Ảnh: THÚY QUYÊN |
Song, thực tế không ít người đến nhà thuốc hỏi mua các loại dược phẩm đặc trị COVID-19 với suy nghĩ uống thuốc đặc trị sẽ nhanh khỏi bệnh hơn thậm chí muốn mua để sẵn trong gia đình. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế, các loại thuốc đặc trị COVID-19 chứa thành phần Molnupiravir đều là thuốc kê đơn, là thuốc cần có chỉ định của bác sĩ, cần mới uống, có chống chỉ định, có thận trọng, vì vậy hãy vì chính bản thân mà chủ động hỏi ý kiến bác sĩ trước
khi dùng.
“Để đảm bảo công tác quản lý, hỗ trợ F0 cách ly, điều trị tại nhà cũng như kiểm soát việc bán thuốc điều trị COVID-19 đúng theo quy định, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo các phòng chuyên môn, các trung tâm y tế tăng cường theo dõi, kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh thuốc và dược phẩm. Khi muốn mua thuốc điều trị COVID-19 tại nhà, người dân cần có đơn thuốc từ bác sĩ và chọn mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, uy tín”- Phó Giám đốc Sở Y tế- Hồ Thị Thu Hằng cho biết.
“Trước hết, việc mua thuốc theo các đơn trên mạng có thể gây lãng phí. Người mắc COVID-19 có thể chưa cần phải dùng đến thuốc kháng sinh, kháng viêm nhưng lại vô tình sử dụng, có thể gây tác dụng phụ. Trường hợp sử dụng quá nhiều loại thuốc cùng lúc cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe”- bác sĩ Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng Khoa Nhiễm– Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Theo bác sĩ Hữu Khanh, đối với F0 điều trị tại nhà cần lắng nghe cơ thể mình, cần phải bình tĩnh, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, vận động điều độ, tinh thần thoải mái. Khi phát hiện có những triệu chứng nào thì chỉ nên dùng thuốc điều trị triệu chứng đó, tránh việc dùng theo các đơn thuốc của người khác chia sẻ lại. Nếu F0 có bệnh nền thì tiếp tục dùng thuốc điều trị bệnh nền, tuyệt đối không ngưng các thuốc đang điều trị bệnh nền. |
SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin