Ngành y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan khi phát hiện mắc COVID-19, vì nhiều trường hợp phát hiện rồi tự điều trị, không khai báo đã dẫn đến bệnh chuyển nặng, nguy cơ đe dọa tính mạng rất cao.
Trung tâm Hồi sức Tích cực bệnh nhân COVID-19 Vĩnh Long tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp mắc COVID-19 nguy kịch. |
Ngành y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan khi phát hiện mắc COVID-19, vì nhiều trường hợp phát hiện rồi tự điều trị, không khai báo đã dẫn đến bệnh chuyển nặng, nguy cơ đe dọa tính mạng rất cao.
Thời gian gần đây, Trung tâm Hồi sức Tích cực bệnh nhân COVID-19 Vĩnh Long tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp mắc COVID-19 nguy kịch, mà nguyên nhân bệnh chuyển tiến nặng là do không khai báo y tế khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 để được quản lý, theo dõi, điều trị kịp thời.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Văn Hạnh Phúc- Trung tâm Hồi sức Tích cực bệnh nhân COVID-19 Vĩnh Long, cho biết: “Có một số bệnh nhân tự test nhanh COVID-19 tại nhà dương tính, rồi không khai báo y tế địa phương tự mua thuốc điều trị tới ngày thứ 4, thứ 5 hoặc thứ 7 bệnh đột ngột chuyển nặng lên, mới vào cấp cứu tại bệnh viện thì rơi vào nguy kịch suy hô hấp. Khi tiếp nhận điều trị gặp nhiều khó khăn, do bệnh nhân đến trễ, bệnh diễn tiến nhanh nặng, nguy kịch. Trong điều trị, chúng tôi cũng nỗ lực cứu sống nhiều ca nhưng cũng có một số ca tử vong do diễn biến của bệnh phức tạp”.
Nhiều người bệnh COVID-19 đang ở mức có chỉ số SpO2 ổn định nhưng bất ngờ bị tình trạng thiếu oxy thầm lặng... Theo các bác sĩ, số lượng người gặp tình huống này đã gia tăng từ khi chủng Delta xuất hiện tại Việt Nam. Vì vậy, thường xuyên đo SpO2 là một trong những yêu cầu cần thiết với người bệnh F0. Đặc biệt, đối với F0 có bệnh nền (tim mạch, gout, tăng huyết áp...), chưa tiêm vắc xin hoặc chưa đủ mũi càng phải chú ý hơn đến tình huống này.
Các bác sĩ khuyến cáo, thường xuyên đo SpO2 là một trong những yêu cầu cần thiết với người F0. |
Ngoài ra, cần chú ý đến thời gian ngày thứ 7-10 kể từ khi phát hiện bệnh, đây cũng là thời điểm tình trạng “thiếu oxy thầm lặng” có thể xuất hiện, một tình huống rất nguy hiểm ở người bệnh COVID-19. Tình trạng này đặc biệt dễ gặp ở người có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin... Nếu SpO2 dưới 95% đã là chỉ dấu nguy hiểm, dưới 90% thì cận kề nguy hiểm. Từ thời điểm này, người bệnh cần được hỗ trợ thở oxy sớm và chuyển nhanh nhất đến cơ sở điều trị.
Hiện nay, tuy số ca mắc COVID- 19 trên địa bàn Vĩnh Long đã giảm, với số ca mắc ghi nhận trong ngày ở mức 2 con số nhưng ngành y tế vẫn chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án để ứng phó khi có tình huống mới xảy ra. Các trạm y tế lưu động vẫn duy trì để tiếp nhận quản lý theo dõi điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Văn Công Minh- Giám đốc Sở Y tế, người mắc COVID-19 cần phải khai báo với y tế địa phương để được ghi nhận, đưa vào danh sách quản lý và được hỗ trợ kịp thời, nhất là đánh giá tình trạng bệnh, phân loại nguy cơ để có hướng theo dõi, không nên tự uống thuốc. Nếu ho, mệt, có sốt thì có thể đã có bội nhiễm phổi cần được khám, tư vấn và kê đơn điều trị phù hợp.
“Khi chúng ta đã làm test nhanh dương tính thì phải báo cho cơ sở y tế để có tư vấn và quản lý điều trị tại nhà cho hợp lý và hướng dẫn khi có dấu hiệu chuyển nặng phải gọi ngay cơ sở y tế hoặc đến ngay cơ sở y tế để điều trị cho phù hợp, tránh trường hợp để nặng quá mới tới cơ sở y tế, vấn đề đó rất khó chữa”- bác sĩ Văn Công Minh nhấn mạnh.
Dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhưng để bảo vệ sức khỏe bản thân gia đình và giữ vững thành quả phòng chống dịch người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, người dân cần báo với cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi sức khỏe, điều trị kịp thời, hạn chế bệnh chuyển nặng và phòng tránh lây lan ra cộng đồng.
Theo “Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà” do Bộ Y tế ban hành, khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải báo cáo ngay với cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu,… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời: 1) Khó thở. 2) Nhịp thở tăng: 3) SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo). 4) Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút. 5) Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg. 6) Đau tức ngực thường xuyên. 7) Thay đổi ý thức. 8) Tím-nhợt môi, đầu móng tay, móng chân, da xanh... 9) Không thể uống, bú, nôn. 10) Đối với trẻ em: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, xuất huyết... 11) Bất kỳ tình trạng nào cảm thấy không ổn, lo lắng. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin