Hội Đông y tỉnh Vĩnh Long ghi nhận điểm nổi bật trong những năm qua, là sự hoàn thiện mạng lưới hoạt động y học cổ truyền (YHCT) tuyến cơ sở, thông qua sự đa dạng hóa mô hình hoạt động; đặc biệt là sự kết hợp công- tư.
Lương y Nguyễn Thị Đường Thi bắt mạch cho bệnh nhân. |
(VLO) Hội Đông y tỉnh Vĩnh Long ghi nhận điểm nổi bật trong những năm qua, là sự hoàn thiện mạng lưới hoạt động y học cổ truyền (YHCT) tuyến cơ sở, thông qua sự đa dạng hóa mô hình hoạt động; đặc biệt là sự kết hợp công- tư.
Lương y Nguyễn Phương Trình- Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Vĩnh Long, chia sẻ: “Thật lòng mà nói, nếu không có những cơ sở có sự “dính liền” giữa công và tư thì không thể hoàn thiện được mạng lưới Đông y tuyến cơ sở như nhiệm kỳ qua”.
Nhìn lại 5 năm qua, điểm nổi bật cần được biểu dương và duy trì đối với 161 phòng chẩn trị hoạt động theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh góp phần cùng ngành y tế trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên lĩnh vực Đông y.
Trong đó, 2 mô hình hoạt động hiệu quả, tạo được niềm tin, uy tín với cộng đồng xã hội trong hoạt động khám chữa bệnh, kết hợp công tác từ thiện, là mô hình trụ sở gắn kết tại nhà cán bộ hội và mô hình trụ sở lồng ghép hợp lý tại các cơ sở thờ tự.
Huyện hội Long Hồ có cơ sở khám chữa bệnh miễn phí tại nhà cán bộ hội, đó là Phòng chẩn trị xã Long Phước do Lương y Trần Thị Đường Thi làm chủ nhiệm.
Thời gian qua, được sự tín nhiệm của giới Đông y trong tỉnh, lòng tin cậy của người bệnh tại xã nhà và các địa phương bạn, chẳng những trong tỉnh mà cả một số bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh cũng đến nơi này khám, chữa bệnh bằng thuốc Nam đạt hiệu quả cao.
Phòng chẩn trị YHCT- Thiền viện Ngọc Hạnh, từ lâu đã duy trì Tuệ Tĩnh Đường, chữa bệnh hoàn toàn miễn phí bằng các liệu pháp thuốc Nam và châm cứu, lúc nào cũng có đông đảo bệnh nhân đến trị liệu.
Trong 5 năm qua, đã trở thành nề nếp, cứ sau Tết Nguyên đán, nhà sư trụ trì Thượng tọa Thích Giác Hiển (Lương y Lê Văn Lê) đồng thời là Chủ nhiệm Phòng chẩn trị Hội Đông y xã Trường An, huy động các nhà hảo tâm và Phật tử ủng hộ trên 70 triệu đồng đi sưu tầm, thu hái các loài thảo dược quý hiếm tại vùng rừng núi huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, sau mỗi chuyến đi, mang về trên 60 tấn thuốc toàn những loài thảo dược có giá trị cao, chẳng những sử dụng cho cơ sở mình, còn sẵn sàng chia sẻ cho các đơn vị bạn. Việc này được duy trì rất đáng khâm phục, vì khó có cơ sở nào được Cục Kiểm lâm cho phép vào rừng thu hái thuốc.
Ngoài ra, Thành hội Vĩnh Long còn phối hợp với các tôn giáo như Tịnh độ cư sĩ thực hiện tôn chỉ “Phước huệ song tu” thành lập phòng thuốc Nam từ thiện tại chùa Hưng An tự tọa lạc tại Phường 1, TP Vĩnh Long phục vụ khám điều trị từ thiện cho bệnh nhân trong 5 năm qua, với số tiền an sinh xã hội trên 3,5 tỷ đồng.
Thị hội Bình Minh có chùa Long Môn, do Thượng tọa Thích Thiện Định (Lương y Trương Văn Bé) trụ trì và trực tiếp chẩn mạch, chữa bệnh có uy tín, ông còn có công đóng góp về nguồn tài trợ đối với mô hình 97 tại Trạm Y tế và Ban Thiện nguyện xã hội xã Đông Bình và hỗ trợ tích cực đối với Thị hội Bình Minh; chùa Hưng Bình, Tịnh độ cư sĩ thị xã và Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Thuận An vừa thực hiện Phật sự của đạo vừa phục vụ bệnh nhân đây là việc làm tốt đạo đẹp đời rất được bệnh nhân tín nhiệm.
Phòng thuốc Nam Phước Thiện chùa Hưng Liêm, Huyện hội Vũng Liêm do Lương y Lê Văn Sanh làm Chủ nhiệm đã thực hiện khám, bốc thuốc Nam, châm cứu miễn phí, mỗi ngày có trên 80 lượt người bệnh đến điều trị, được dân tín nhiệm.
Ngoài những công việc hàng ngày, Lương y Lê Văn Sanh còn chăm sóc vườn thuốc trên 4.000m2 trồng nhiều loại thuốc quý hiếm phục vụ cho công tác điều trị và bảo tồn nguồn dược liệu của tỉnh nhà.
Cụ thể, đề tài “Nghiên cứu điều tra bổ sung, xây dựng bản đồ dược liệu, bảo tồn tài nguyên nguồn cây thuốc Nam bản địa tỉnh Vĩnh Long” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long và Viện Lúa ĐBSCL cùng Tỉnh hội Đông y thực hiện, được Hội đồng Khoa học tỉnh Vĩnh Long nghiệm thu vào năm 2015, trong đó vườn thuốc Nam của Lương y Lê Văn Sanh được chọn làm mô hình giới thiệu những cây thuốc Nam bản địa cần được bảo tồn.
Huyện hội Tam Bình có chùa Phước Hưng tọa lạc tại ấp Thạnh Hiệp, xã Hòa Thạnh, do Lương y Kim Sol (tức Thượng tọa Thích Minh Hòa) trụ trì, trực tiếp xem mạch, chữa bệnh bằng thuốc Nam, thuốc núi, châm cứu và vật lý trị liệu được bệnh nhân trong, ngoài xã tín nhiệm, mỗi ngày có trên 100 bệnh nhân đến điều trị.
Lương y Nguyễn Phương Trình đánh giá: “Ngoài những cơ sở nêu trên, còn rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh bằng YHCT điều trị có hiệu quả. Tỉnh hội xin trân trọng những công đức từ thiện góp phần chữa bệnh giúp đỡ nhân dân, có mối quan hệ với Hội Đông y từng địa phương, bằng những loài thảo dược nuôi trồng, khai thác của các nhà chùa hoặc những nơi thờ tự.
Thường trực Tỉnh hội lưu ý các phòng chẩn trị cần hết sức quan tâm khám và chữa bệnh đúng theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và đặc biệt là đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19, vì vậy đối với các phòng chẩn trị tuyệt đối chấp hành chỉ đạo của ngành y tế, UBND cùng cấp”.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin