Liên tục những ngày qua, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận số ca mắc Covid-19 vượt mốc 1.000 ca, đứng hàng cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân không chỉ do ý thức của người dân còn lơ là, chủ quan mà còn một vấn đề đang cấp bách hiện nay là nhiều trạm y tế ở tuyến cơ sở không có người chỉ huy là trưởng trạm.
Vĩnh Long cần sớm hoàn thiện lãnh đạo trạm y tế xã. |
Liên tục những ngày qua, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận số ca mắc Covid-19 vượt mốc 1.000 ca, đứng hàng cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân không chỉ do ý thức của người dân còn lơ là, chủ quan mà còn một vấn đề đang cấp bách hiện nay là nhiều trạm y tế ở tuyến cơ sở không có người chỉ huy là trưởng trạm.
Thực hiện F0 điều trị tại nhà là gánh nặng cho trạm y tế cơ sở, tuy nhiên thiếu người chỉ huy ở tuyến cơ sở sẽ là một trong những nguyên nhân khiến cho công tác phòng, chống dịch ở địa phương càng khó khăn hơn.
Vĩnh Long cần khẩn trương hoàn thiện tuyến y tế cơ sở cả về số lượng và chất lượng để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả hơn.
Số ca mắc tăng cao
Liên tiếp những ngày đầu năm 2022, số ca mắc Covid-19 ở Vĩnh Long tăng cao và vượt mốc 1.000 ca/ngày.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, chỉ trong ngày 1/1, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận 1.223 ca mắc mới, đứng thứ hai cả nước, chỉ sau Hà Nội (1.748 ca). Ngày 2/1, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận 1.280 ca, đứng thứ ba cả nước sau Hà Nội và Hải Phòng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 16/12 đến ngày 29/12/2021) có 10.631 trường hợp xác định dương tính với virus SARS-CoV-2, trung bình 760 ca/ngày; trong đó, có 153 trường hợp tử vong, tỷ lệ tử vong/mắc: 1,44%.
Hiện đang điều trị trong các cơ sở y tế là 3.168 ca, trong đó, số trường hợp bệnh nặng: 249 ca (7,86%), số trường hợp rất nặng: 75 ca (2,37%). Số trường hợp tử vong: lũy tích 319 ca, trong đó, trong tỉnh là 300 ca, ngoài tỉnh: 19 ca; tử vong tại cơ sở y tế: 299 ca, tại nhà: 20 ca. Điều trị khỏi cho 18.706 bệnh nhân.
Từ khi điều trị F0 tại nhà, công việc của trạm y tế làm việc vất vả hơn bao giờ hết. |
Toàn tỉnh hiện có 16 cơ sở điều trị F0 với quy mô 4.910 giường bệnh chuyên sơ cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng, trong đó: Tuyến tỉnh: 9 cơ sở điều trị quy mô 3.930 giường bệnh; Tuyến huyện, thị xã, thành phố: 7 cơ sở điều trị quy mô 1.280 giường bệnh. Các bệnh viện còn lại đang tiếp tục rà soát, bố trí sẵn thêm 40% giường bệnh cho Covid-19.
Khẩn trương hoàn thiện lãnh đạo trạm y tế xã
Từ khi thực hiện cho F0 được cách ly và điều trị tại nhà, đến nay, Vĩnh Long có hơn 8.600 trường hợp điều trị F0 tại nhà hoặc nơi cư trú.
Do đó, nhiệm vụ của trạm y tế cơ sở ngày càng nặng nề hơn. Ngoài 107 xã, phường thị trấn có trạm y tế, đến nay Vĩnh Long cũng đã thành lập 95 trạm y tế lưu động với 427 nhân viên để phụ trách quản lý, chăm sóc và điều trị F0, F1 tại nhà lấy mẫu người mắc Covid-19 trên địa bàn phụ trách.
Tuy nhiên, trong thời quan qua, tỉnh Vĩnh Long còn hàng chục trạm y tế xã vẫn chưa hoàn thiện về nhân sự, vấn đề này đã gây áp lực cho nhân viên của trạm và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch ở địa phương.
Cụ thể như, huyện Long Hồ có 15 xã, thị trấn thì có đến 9 đơn vị trạm y tế xã chưa có trưởng trạm. Nhiều trạm t tế xã không có trưởng trạm thời gian khá dài.
Một cán bộ của Trạm Y tế xã Thanh Đức (huyện Long Hồ) cho biết: “Đến nay, toàn xã đã có hơn 240 F0, đa phần là điều trị tại nhà. Hiện chỉ có 6 người phải làm việc liên tục, vừa phải phát thuốc điều trị F0 vừa phải làm công tác cách ly F1 và tất cả các công việc của phòng, chống dịch phải nhờ sự hỗ trợ của ban, ngành, đoàn thể xã. Tuy nhiên, với số ca mắc ngày càng tăng thì áp lực ngày càng nhiều, càng vất vả hơn”.
Bí thư Huyện ủy Long Hồ Hồ Văn Minh cho biết: “Long Hồ điều trị F0 tại nhà hơn 4.100 người, đã khỏi bệnh hơn 2.600 người. Hiện nay đang điều trị hơn 1.300 người.
Huyện đã thành lập 15 tổ y tế lưu động để chăm sóc F0 và quản lý F1 tại nhà. Vấn đề điều trị F0 tại nhà vẫn còn hạn chế. Chế độ chính sách cho cán bộ trạm y tế lưu động đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Trong tình hình này, huyện đã vận động các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm hỗ trợ trang thiết bị y tế cũng như bổ sung nhân lực ngoài ngành để hỗ trợ ngành y tế để quản lý F1 và điều trị F0 tại nhà tốt hơn”.
Lực lượng trạm y tế lưu động đến tận nhà dân hỏi thăm sức khoẻ và chăm sóc. |
“Riêng tình hình nhân lực của ngành y tế của các trạm y tế hiện nay đối với Long Hồ vẫn còn tới 9 đơn vị chưa có trưởng trạm. Nguyên nhân về hưu trong năm 2021 3 người, chuyển công tác 2 người và chưa đủ chuẩn về chuyên môn cũng như chức danh nghề nghiệp là 4 người.
Trung tâm Y tế huyện Long Hồ cũng đã thống nhất với các xã và thị trấn danh sách nhân sự để báo cáo xin ý kiến Sở Y tế. Nếu Sở chấp thuận Long Hồ sẽ bổ nhiệm trong đầu tháng 1/2022 này”, Bí thư Huyện uỷ Long Hồ nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Văn Công Minh nhận định: “Trong tình hình này chúng ta thấy áp lực công việc tăng lên rất nhiều.
Ngành cũng đề xuất đối với Sở Nội vụ cũng có xem xét làm thế nào để tháo gỡ khó khăn này cho ngành y tế về nhân sự…
Riêng đối với bổ nhiệm các trạm y tế bây giờ cũng đã có phân cấp, Thông tư Bộ Nội vụ cũng đã có quy định phân cấp đối với bổ nhiệm chức danh các đơn vị, phòng trực thuộc của tuyến huyện thì do Giám đốc của tuyến huyện sẽ bổ nhiệm. Đối với trạm y tế thì Giám đốc Trung tâm Y tế huyện sẽ bổ nhiệm. Sau khi ra soát hồ sơ và quy trình, Sở Y tế sẽ chuẩn y và sẽ thực hiện.
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã nói Trung tâm Y tế lập danh sách gửi lên, trạm nào bổ nhiệm còn thiếu chứng chỉ nào, thời gian hoàn thành bao lâu để chuẩn y cho phù hợp, vấn để này chúng ta cố gắng làm sớm. Trong điều kiện dịch bệnh chúng ta phải khẩn trương bổ nhiệm, chứ thiếu chỉ huy trạm thì rất là khó”.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết: “Trong tình hình cấp bách, chúng ta cần xem xét 3 trường hợp có thể bổ nhiệm trưởng trạm lúc này là cho thiếu bằng trung cấp chính trị vài tháng nhưng phải đủ về chuyên môn.
Hai là nếu trạm không đủ tiêu chuẩn, tuyến trên sẽ điều động bác sĩ về trạm. Thứ ba là, nếu Phó trạm ở đó đủ điều kiện về chuyên môn nhưng thiếu một, hai tháng nữa nhận bằng hoặc học xong thì tôi cũng đề nghị phân công quyền Trưởng trạm một vài tháng đủ đều kiện bổ nhiệm Trưởng trạm”.
“Không lý do gì chúng ta để thiếu, không có chỉ huy thì phải có lãnh đạo để chỉ huy, không có chỉ huy rồi ai chỉ huy ai. Trong lúc khó khăn này, điều hành rồi trách nhiệm sau này xảy ra sự cố ai là người chịu trách nhiệm.
Chúng ta phải phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm về vấn đề quản lý, điều trị bệnh, điều động lực lượng y tế. Tất cả phải khẩn trương đáp ứng nhu cầu nhân sự cho Trạm Y tế để ứng phó tình hình khẩn cấp như thế này trong tuần đầu tiên của tháng 1/2022”, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh.
Theo BÁ DŨNG/Báo điện tử Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin