Tăng cường phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19

03:12, 01/12/2021

Dịch COVID-19 đang có những ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có công tác phòng, chống HIV/AIDS. Vì vậy, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 được triển khai với chủ đề trên nhằm duy trì các hoạt động và chủ động ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

 

 

Tại Phòng khám Ngoại trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, những người nhiễm HIV đến khám hàng tháng và điều trị bằng thuốc ARV- loại thuốc kháng HIV.
Tại Phòng khám Ngoại trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, những người nhiễm HIV đến khám hàng tháng và điều trị bằng thuốc ARV- loại thuốc kháng HIV.

Dịch COVID-19 đang có những ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có công tác phòng, chống HIV/AIDS. Vì vậy, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 được triển khai với chủ đề trên nhằm duy trì các hoạt động và chủ động ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Người nhiễm HIV sẽ trở nặng nếu mắc COVID-19

Tại Việt Nam, theo các báo cáo từ địa phương, số người nhiễm HIV được phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2021 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân có thể là do tác động của dịch COVID-19 nên người dân khó tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một người nhiễm HIV khi mắc COVID-19 có nguy cơ bệnh chuyển nặng hoặc tử vong cao hơn. Một báo cáo của WHO dựa trên dữ liệu giám sát lâm sàng từ 37 quốc gia về nguy cơ chuyển nặng khi mắc COVID-19 ở những người nhiễm HIV nhập viện cho thấy nguy cơ phát triển COVID-19 nghiêm trọng hoặc tử vong ở người có HIV cao hơn 30% so với những người không bị nhiễm HIV. Những bệnh lý tiềm ẩn như: tiểu đường và tăng huyết áp cũng thường gặp ở những người có HIV, do đó khi mắc COVID-19 nguy cơ thường nặng hơn. Báo cáo cũng chỉ ra gần một phần tư (23,1%) tổng số người nhiễm HIV nhập viện do COVID-19 đã tử vong.

Phát hiện này cũng cảnh báo rằng, người có HIV cần áp dụng các biện pháp can thiệp để giúp sống khỏe nhất có thể như: tiếp cận và điều trị thuốc ARV sớm, tuân thủ điều trị; ngăn ngừa và quản lý các bệnh lý tiềm ẩn như: tiểu đường, tăng huyết áp…

WHO khuyến cáo những người có HIV nên được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 càng sớm càng tốt mà không phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch của họ. Các quốc gia cũng cần có giải pháp để đảm bảo rằng những người có HIV vẫn có thể được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) sớm nhất, liên tục kể cả phải tính đến dịch vụ có thể bị gián đoạn do hậu quả của đại dịch COVID-19. Và cả những người có nguy cơ cao cũng được tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV trong giai đoạn khó khăn này.

Nhằm ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Chính phủ, Bộ Y tế cũng như các địa phương đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống HIV trong bối cảnh dịch COVID-19 như: xây dựng và ban hành kịp thời các hướng dẫn đáp ứng khẩn cấp để duy trì tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS (hướng dẫn tiếp cận với khách hàng qua các ứng dụng online; hướng dẫn khách hàng tự xét nghiệm HIV; hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; đáp ứng khẩn cấp trong lĩnh vực điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bao gồm cả cấp thuốc cho người bệnh mang về và điều trị ARV (cấp thuốc nhiều tháng cho người bệnh)...

Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS

Theo Khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long) từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 265 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số lên 3.608 trường hợp. Trong đó, có 6 bệnh nhân chuyển sang AIDS, 9 bệnh nhân đã tử vong.

Tại Vĩnh Long, công tác phòng chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hàng năm, những người được phát hiện nhiễm bệnh được đưa vào dự phòng, điều trị. Mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS được phủ kín và hoạt động ổn định. Công tác truyền thông được thực hiện với nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống HIV/AIDS; thực hiện xét nghiệm để phát hiện và điều trị để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Theo TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, người nhiễm vi rút HIV có sức đề kháng thấp hơn, nên nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cũng sẽ cao hơn. Ngoài ra, tình trạng nhiễm HIV được phát hiện càng muộn thì nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác sẽ càng cao hơn. Cộng thêm ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến người dân ngại đến các cơ sở y tế xét nghiệm để sớm biết được tình trạng nhiễm HIV của mình.

Với nhiều lý do, các hoạt động can thiệp đối với người nhiễm HIV bị gián đoạn, không những khiến cho hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi rút HIV cho người khác.

“Vì vậy, người nhiễm HIV cần phải cảnh giác cao hơn để chủ động đề phòng dịch COVID-19 cho bản thân và phòng lây nhiễm HIV cho người khác”- bác sĩ Thu Hằng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, mỗi tổ chức, cá nhân vẫn phải chú trọng đến các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của địa phương. Đặc biệt, công tác truyền thông cần được tăng cường hơn, góp phần nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV mới.

Bên cạnh đó, các trường hợp nhiễm HIV cần được điều trị ARV, tham gia các hoạt động can thiệp giảm tác hại khác để từng bước hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

TP Vĩnh Long có số ca nhiễm HIV cao với 1.152 người, kế đến là huyện Long Hồ với 587 người và thấp nhất là huyện Bình Tân có 228 người. Số nhiễm HIV mới tập trung ở nhóm nam nhiều hơn nữ. Có 231 nam/ 265 trường hợp nhiễm HIV mới, đa số từ 25- 49 tuổi, dự báo tình hình lây nhiễm HIV qua đường tình dục đồng giới (MSM) tiếp tục tăng.

 

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh