Là tuyến y tế gần dân nhất, trạm y tế đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, thì những "chiến sĩ áo trắng" làm nhiệm vụ tuyến đầu này đã và đang phát huy vai trò bảo vệ người dân trước đại dịch.
Nhân viên Trạm Y tế Vĩnh Xuân (Trà Ôn) tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu, giáo viên trên địa bàn xã. |
(VLO) Là tuyến y tế gần dân nhất, trạm y tế đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, thì những “chiến sĩ áo trắng” làm nhiệm vụ tuyến đầu này đã và đang phát huy vai trò bảo vệ người dân trước đại dịch.
Nỗ lực hết mình
“Bác sĩ: Hôm nay anh thấy sức khỏe anh sau rồi?
F0 điều trị tại nhà: Bình thường hà chị ơi!
Bác sĩ: Mấy dấu hiệu em dặn anh trước đó thấy có gì không có sốt ho đau họng gì không?
F0 điều trị tại nhà: Dạ không sốt ho đau họng nặng ngực gì luôn.
Bác sĩ: Anh cố gắng ăn uống, tập thể dục nhẹ, đừng lo lắng quá. Anh uống nước ấm nhiều vô ăn trái cây thêm. Rác thải của anh nhớ để vô cái bịch màu vàng, cột cho kỹ rồi xịt cồn để người ta thu gom xử lý. Anh nhớ đừng tiếp xúc với người xung quanh nhe”.
Đoạn tin nhắn trên là trao đổi thường xuyên giữa bác sĩ và bệnh nhân. Bên cạnh tư vấn, thăm hỏi bệnh nhân mắc COVID-19 đang được quản lý điều trị tại nhà hàng ngày qua điện thoại, nhân viên y tế còn trực tiếp đến nhà thăm khám, phát thuốc, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe và phòng tránh lây nhiễm cho người thân và cộng đồng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bé Trinh- Trưởng Trạm y tế lưu động cụm 3 huyện Tam Bình cho biết: “Chúng tôi luôn ở trong tư thế sẵn sàng từ khâu hướng dẫn chăm sóc y tế tại nhà, vệ sinh ăn uống cũng như cấp thuốc men đầy đủ cho người bệnh và hướng dẫn những dấu hiệu cần thiết khi trở nặng để bệnh nhân phát hiện những dấu hiệu sớm nhất để mình đưa họ đến bệnh viện kịp thời, tránh tình trạng chuyển nặng”.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, bất kể ngày hay đêm, nhân viên các trạm y tế xã đảm nhận truy vết F0, F1, lấy mẫu, xét nghiệm... cho người dân.
Khi có những ca được cơ quan y tế báo về địa phương hay có người nghi nhiễm, cần điện thoại trạm y tế giám sát thì họ phải ngay lập tức tiếp cận. Ngoài áp lực vì nhân sự mỏng, các cán bộ trạm y tế còn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm. Dẫu vậy, áp lực đã tạo thành động lực cho họ.
Hơn 6 tháng nay, trang phục bảo hộ “không lối thoát” luôn đồng hành với các “chiến sĩ áo trắng” như chị Hồ Thị Hồng Điệp (y sĩ Trạm Y tế xã Thiện Mỹ- Trà Ôn).
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh trân trọng đội ngũ y tế ở cơ sở đã nỗ lực phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. |
Nhiều ngày qua, không chỉ tư vấn, lấy mẫu test nhanh SARS-CoV-2 tại cộng đồng, mà khi được tin báo của người dân có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 chị còn đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm nhằm hạn chế sự di chuyển của người dân trách lây lan dịch bệnh ra cộng đồng: “Em gần như cắm chốt ở trạm cố gắng cùng đồng nghiệp nỗ lực hết mình, trực 24/24 có dịch sẵn sàng đi truy vết F0, F1. Ngoài ra, nhân viên còn đảm bảo khám chữa bệnh cho dân”- y sĩ Hồng Điệp cho biết.
Phát huy vai trò y tế cơ sở trong phòng chống dịch COVID-19
Nhân viên y tế cơ sở quản lý chăm sóc F1, F0 tại nhà và phòng tránh lây nhiễm mầm bệnh ra cộng đồng. Ảnh: TL |
Khó về nhân lực, quá tải về công việc nhưng với họ những chiến sĩ tuyến đầu trên mặt trận chống dịch COVID- 19 luôn sẵn sàng khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ vì sức khỏe cộng đồng.
Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân, tiêm vắc xin ngừa COVID-19; quản lý, truy vết F1, chăm sóc điều trị F0 tại nhà luôn được họ thực hiện với quyết tâm cao nhất là bảo vệ sức khỏe tính mạng nhân dân, sớm kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.
Đến sáng 15/12/2021, gần 5.900 F0 điều trị tại nhà và hơn 20.000 F1 cách ly tại nhà đang được “tuyến y tế gần dân” quản lý chăm sóc tốt.
Dịch bệnh bùng phát ở Vĩnh Long phức tạp, với cách sống và làm việc mới, các nhân viên y tế tuyến đầu gần như là 24/24 giờ liên tục để sắp đặt và tái thiết lại môi trường làm việc khắc nghiệt hơn.
Đôi lúc họ cảm thấy mất nhịp sinh học với những bữa ăn quá bữa, vội vàng. Lây nhiễm đáng sợ nhưng các cán bộ y tế sợ hơn cả là việc người dân không hợp tác vì tâm lý e ngại mà giấu bệnh.
Bác sĩ Lương Văn Tuấn- Phó trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn) tâm sự: “Việc nhiều, chúng tôi có áp lực. Thời gian nghỉ ngơi rất ít mà luôn trong tư thế sẵn sàng truy vết, hướng dẫn điều trị bệnh cho bà con. Vì công việc mọi người cố gắng đồng lòng đoàn kết với nhau vượt qua. Đến thời điểm này công tác y tế, phòng chống dịch của trạm Vĩnh Xuân tạm ổn”.
Phát hiện sớm yếu tố dịch tễ, những biểu hiện mắc bệnh đầu tiên, để kịp thời có biện pháp điều trị, cách ly, khống chế không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Những y, bác sĩ tuyến y tế gần dân nhất không chỉ là “lá chắn” ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng mà còn đang góp phần chăm sóc, điều trị tốt cho người dân khi chẳng may mắc bệnh COVID-19.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Quyên Thanh đánh giá, trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong suốt thời gian vừa qua lực lượng tuyến đầu y tế đóng vai trò rất quan trọng. “Rất trân trọng đội ngũ y tế ở cơ sở, các anh chị làm việc với tinh thần rất là cao không hề khó khăn vất vả an toàn tính mạng sức khỏe của mình mặc dù nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thường trực bên mình nhưng mọi người cố gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ vì sức khỏe của người dân là trên hết. Đối với công tác chuyên môn các anh chị thực hiện với tinh thần trách nhiệm rất cao trong công tác truy vết, xét nghiệm, tiêm ngừa đảm bảo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế… đảm bảo an toàn sức khỏe tính mạng người dân”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin