Bảo vệ trẻ em trước dịch COVID-19

06:12, 17/12/2021

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hồ Thị Thu Hằng, có gần 13% số ca mắc COVID-19 là trẻ em. Tỷ lệ trẻ em đang bị nhiễm là đáng quan ngại. Bác sĩ khuyến cáo, gia đình ý thức hơn trong việc giữ trẻ, đồng thời, tránh để trẻ bị lây nhiễm SARS-CoV-2 từ người thân.

 

Phụ huynh cần quan tâm trong việc phòng chống dịch COVID-19 cho con em mình.
Phụ huynh cần quan tâm trong việc phòng chống dịch COVID-19 cho con em mình.

(VLO) Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hồ Thị Thu Hằng, có gần 13% số ca mắc COVID-19 là trẻ em. Tỷ lệ trẻ em đang bị nhiễm là đáng quan ngại. Bác sĩ khuyến cáo, gia đình ý thức hơn trong việc giữ trẻ, đồng thời, tránh để trẻ bị lây nhiễm SARS-CoV-2 từ người thân.

Chăm sóc trẻ em F0 tại nhà

Ngành y tế Vĩnh Long chủ trương cách ly tại nhà F0 từ một tuổi trở lên nếu đáp ứng các điều kiện như không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không suy hô hấp, không có bệnh nền, không béo phì...

Riêng trẻ dưới 12 tháng, trẻ suy giảm miễn dịch hay mắc các bệnh mạn tính, béo phì có nguy cơ cần được nhập viện theo dõi sát vì dễ có nguy cơ trở nặng.

“Chị nhớ đo nhiệt độ cho bé ngày 2 lần. 2 mẹ con súc miệng khò nước muối từ 3- 4 lần. Nếu bé sốt trên 38 độ phải uống 1 viên paracetamol liều trẻ em và sau 6 tiếng bé còn sốt thì uống tiếp nha.

2 mẹ con cứ an tâm điều trị tại nhà, dọn vệ sinh nhà cửa thông thoáng, rửa tay sát khuẩn, cần hỗ trợ gấp thì nhắn zalo cho em nha!”- y sĩ Tống Phước Quốc (thành viên Trạm Y tế lưu động xã Phú Đức) hướng dẫn 2 mẹ con chị N.T.K.T. (39 tuổi)- là 2 trong số những ca mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được địa phương quản lý cách ly, chăm sóc tại nhà.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ- Nguyễn Thị Ngọc Bích, tính từ ngày 7/11- 8/12 trên địa bàn huyện có trên 260 trẻ em mắc COVID-19.

“Nguồn lây chủ yếu là từ người thân. Ngành y tế huyện hướng dẫn các y tế địa phương tuyên truyền các gia đình phải tuân thủ 5K, đặc biệt gia đình có người cách ly F0, F1 tại nhà tuyệt đối không được tiếp xúc gần với trẻ”.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy- Trưởng Khoa Nhiễm- Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, lưu ý trẻ mắc COVID-19 theo dõi tại nhà có thể dùng thuốc hạ sốt giảm đau, giảm ho bằng các siro ho thảo dược, uống thêm dịch orezol, ăn nhiều bữa, ăn lỏng, dễ tiêu, đo SpO2 thường xuyên.

Trẻ cần được mặc thoáng, ở phòng thoáng khí, vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng sạch sẽ. Cho trẻ nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ nhàng, hít thở sâu, đều.

Phụ huynh cần hỗ trợ tâm lý, động viên trẻ, phòng lây nhiễm trong gia đình. COVID-19 có thể lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (như qua giọt bắn, hạt khí dung, không khí) và qua đường tiếp xúc.

Người chăm sóc chính cần theo dõi sức khỏe trẻ hàng ngày bao gồm các chỉ số như mạch, nhiệt độ, SpO2. Chú ý các triệu chứng như bú kém, nôn ói, tiêu lỏng, li bì, không tỉnh táo, co giật, đau họng, đau đầu, ho, khó thở, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác, khứu giác.

Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, trẻ em mắc COVID-19 đa phần không có triệu chứng hoặc chỉ có biểu hiện nhẹ như sốt, ho khan, mệt mỏi, đau cơ, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, đau đầu, mất vị giác/khứu giác, nôn, tiêu chảy, có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà.

Nếu không có các biến chứng nặng trẻ sẽ hết sốt, các triệu chứng lâm sàng sẽ giảm dần và thường khỏi bệnh sau 7-10 ngày.

Bảo vệ trẻ em trước dịch COVID-19

Trên 93% trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19.
Trên 93% trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19.

Ở gần nhà có F0 đang cách ly và có trẻ em bị nhiễm bệnh, chị Nguyễn Thị Mỹ N. (xã Phú Đức- Long Hồ) cũng không khỏi lo lắng.

Song chị nhắc con rửa tay thường xuyên, lau dọn nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh đồ chơi của con kỹ càng. “Chị tập cho con biết khò nước muối, nhớ uống nước; khi ho hoặc hắt hơi đưa khuỷu tay che. Để con không buồn chán, 2 mẹ con thường xuyên chơi cùng nhau, vẽ tranh, xếp hình, xem phim hoạt hình”.

Phụ huynh không nên chủ quan trong việc phòng chống dịch COVID-19 cho con mình. Theo TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 chiếm tỷ lệ gần 13%.

Song, trẻ em mắc COVID-19 chuyển nặng rất ít, chủ yếu ở trẻ có bệnh lý nền như ung thư, tiểu đường, béo phì,…

Trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, các biện pháp toàn diện theo khuyến cáo “5K” cùng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh là giải pháp giúp bảo vệ trẻ nhỏ trước mối nguy COVID-19.

Khi trẻ nhỏ thành F0, điều quan trọng hơn là đừng để sự lo lắng của phụ huynh ảnh hưởng tới trẻ, đặc biệt là những bé còn rất nhỏ.

Ngay cả đối với các bé có xuất hiện triệu chứng, thường không khác những đợt trẻ bị cảm sốt thông thường, nên cần bình tĩnh chăm sóc bé.

“Đừng nên vì lo lắng mà bắt trẻ nằm nghỉ một chỗ. Cho dù trẻ bị sốt mà vẫn chơi đùa, chạy nhảy trong nhà thì đừng cản, vì điều đó là tốt. Chú ý sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ đúng liều, đúng loại dành cho trẻ em.

Ngoài ra, chỉ cần cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, giữ vệ sinh môi trường sống, bé sẽ nhanh chóng đi qua tình trạng F0. Các F0 trẻ em thường cũng sớm âm tính hơn người lớn”- TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng chia sẻ.

Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, phụ huynh cần phát hiện sớm và báo cáo ngay với cơ sở quản lý F0 tại nhà khi phát hiện một trong các dấu hiệu cần được cấp cứu, điều trị như ho hoặc khó thở, thở nhanh (thở nhanh được xác định khi nhịp thở ≥ 40 lần/phút ở trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi, ≥ 30 lần/phút ở trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi); SpO2 ≤ 95%; thở rên, hoặc rút lõm lồng ngực, thở bất thường; co giật, tím tái; không thể bú hoặc bú kém, li bì khó đánh thức. Bên cạnh đó, cần cảnh giác các biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống như sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban, mắc thêm bệnh cấp tính như sốt xuất huyết, tay chân miệng...

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh