Để chiến thắng dịch COVID-19: Không kỳ thị, phải đoàn kết

06:11, 12/11/2021

Để ngăn chặn được sự lây lan của dịch COVID-19, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp từng bước khôi phục sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện "bình thường mới" rất cần sự chung tay đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đoàn kết tạo nên sức mạnh chiến thắng dịch COVID-19!

(VLO) Để ngăn chặn được sự lây lan của dịch COVID-19, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp từng bước khôi phục sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện “bình thường mới” rất cần sự chung tay đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đoàn kết tạo nên sức mạnh chiến thắng dịch COVID-19!

Chung tay phòng chống dịch là trách nhiệm của cộng đồng. Ảnh: DƯƠNG THU
Chung tay phòng chống dịch là trách nhiệm của cộng đồng. Ảnh: DƯƠNG THU

Thời gian gần đây, nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện trong cộng đồng khiến dư luận lo lắng, kéo theo tâm lý kỳ thị người mắc COVID-19.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người mắc COVID-19 không có nghĩa là họ đã làm gì sai, nên họ không thể bị hạ thấp giá trị. Sự kỳ thị có thể khiến nhiều người có xu hướng giấu các triệu chứng hoặc giấu bệnh, không tìm đến các biện pháp chăm sóc y tế.

Điều này làm cho việc kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 trở nên khó khăn hơn. Kỳ thị có thể bằng lời nói, cử chỉ, hành động đổ lỗi không chỉ đối với người mắc COVID-19 mà còn cả người thân của họ cũng bị ảnh hưởng.

Từ cảm giác tội lỗi đã làm lây lan dịch bệnh cho hàng xóm, láng giềng và những người tiếp xúc gần, khiến một bộ phận dân cư bị cách ly đến mọi công việc, hoạt động bình thường của họ cũng bị đình trệ. Thay vì được chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ thì họ phải hứng chịu sự kỳ thị.

Kỳ thị khiến cho người có các triệu chứng như ho, khó thở giấu bệnh hoặc có những F1, F2 không khai báo y tế. Rõ ràng, tâm lý kỳ thị đã làm giảm hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Không chỉ dư luận mà không ít lần thông tin đời tư của những người mắc COVID-19 hay nghi nhiễm bị phanh phui trên mạng xã hội.

Test nhanh tiểu thương Chợ Phường 9 sáng 2/11. Ảnh: DƯƠNG THU
Test nhanh tiểu thương Chợ Phường 9 sáng 2/11. Ảnh: DƯƠNG THU

Nhiều tài khoản cá nhân sử dụng mạng xã hội đã truy lùng danh tính của những người nhiễm bệnh. Thậm chí, có những người còn bị tung tin đồn thất thiệt. Khi các thông tin cá nhân bị công khai đã gây ra nhiều hệ lụy.

Tất nhiên, người nhiễm bệnh hoặc liên quan đến bệnh nhân mắc COVID-19 có trách nhiệm cung cấp trung thực, đầy đủ thông tin về lịch trình di chuyển, tiếp xúc gần cho cơ quan chức năng.

Điều đó không có nghĩa những thông tin này được phép công khai lên mạng xã hội, truyền thông, báo chí. Nguy hiểm hơn cả, nó sẽ tạo tâm lý lo sợ khi ai đó buộc phải thông báo cho cơ quan chức năng việc đã tiếp xúc với ca nhiễm.

Họ sẽ trở thành nạn nhân của lời đồn, dư luận và cả truyền thông; nếu lỡ khu vực họ làm việc, sinh sống bị cách ly, họ bị xem như “có tội”.

Vì thế, công tác chống dịch sẽ ngày càng khó khăn hơn và thậm chí việc lây lan nhanh cũng một phần do việc người dân từ chối cung cấp thông tin vì sợ lộ đời tư.

Pháp luật đã quy định rất rõ ràng về tôn trọng, bảo vệ đời tư của cá nhân, người bệnh. Cụ thể, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”; Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: “Bệnh nhân có quyền được giữ bí mật thông tin tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án”; Điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: “Thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh”.

Như vậy, thông tin về dịch COVID-19 phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp khi bệnh nhân đồng ý hoặc một số trường hợp khác do pháp luật quy định. Ngoài ra, việc đăng tải các thông tin, hình ảnh chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật còn bị xử lý theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, ở góc độ các trường hợp nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh nói riêng và người dân nói chung, đều phải có trách nhiệm khai báo y tế, lịch trình di chuyển với cơ quan chức năng.

Đơn giản nhất là cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trên điện thoại thông minh để quét mã QR, trên thẻ BHYT/bản sao thẻ BHYT/thẻ căn cước công dân.

Nếu không thực hiện đúng mà làm lây lan dịch bệnh thì công dân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt có thể đến 5 năm tù. Trường hợp việc lây lan dịch bệnh làm chết người hay dẫn đến phải công bố dịch thì có thể bị phạt đến 10 năm tù giam.

Nhiễm SARS-CoV-2 là điều không ai muốn và kỳ thị với họ lại càng không nên. Thay vào đó, rất cần những lời động viên, an ủi và thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết. Bởi đoàn kết cho chúng ta sức mạnh chiến thắng dịch COVID-19!

QUANG NGHỊ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh