Nhiều người thờ ơ nghĩ máu nhiễm mỡ là bệnh đơn giản nên khá chủ quan không tập trung điều trị sớm. Cùng với thói quen ăn uống không lành mạnh, bệnh máu nhiễm mỡ đang đe dọa cuộc sống hiện đại, vì những biến chứng không ngờ tới đe dọa tính mạng và sức khỏe.
Người khỏe mạnh cũng nên đi khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/ năm để phát hiện bệnh máu nhiễm mỡ sớm (nếu có). |
Nhiều người thờ ơ nghĩ máu nhiễm mỡ là bệnh đơn giản nên khá chủ quan không tập trung điều trị sớm. Cùng với thói quen ăn uống không lành mạnh, bệnh máu nhiễm mỡ đang đe dọa cuộc sống hiện đại, vì những biến chứng không ngờ tới đe dọa tính mạng và sức khỏe.
Đừng chủ quan với máu nhiễm mỡ
Những người thừa cân hoặc trung tuổi thường được xem là mục tiêu tấn công chính của bệnh máu nhiễm mỡ. Song, trên thực tế, người gầy hoặc người trẻ tuổi và ngay cả trẻ em cũng có nguy cơ cao bị máu nhiễm mỡ nếu chế độ ăn uống không lành mạnh.
Chị Phạm Mai Anh (37 tuổi, Phường 2-TP Vĩnh Long) đi khám sức khỏe và phát hiện mỡ máu cao nhưng phần nào do công việc bận rộn, với lại nghĩ mình còn trẻ không sao nên đã để tình trạng này kéo dài hơn 1 năm. “Tôi hay chóng mặt, có khi lại đau thắt ngực nên đi kiểm tra tim thì bác sĩ cho biết chỉ số mỡ máu tăng, phải điều trị để mỡ không đóng dày trong mạch máu, gây chèn ép để phòng nhồi máu cơ tim hay đột quỵ… Tôi rất bất ngờ vì nghĩ mỡ máu chỉ làm mình mập thôi chứ!”- chị Mai Anh cho biết.
Chủ quan vì nghĩ bệnh này chỉ xảy ra với những người lớn tuổi nên anh Nguyễn Quang Tín (28 tuổi, nhân viên tín dụng ngân hàng) chẳng quan tâm. Khi đi khám sức khỏe cùng công ty anh bị mỡ máu với chỉ số 7.3 trong khi tiêu chuẩn bình thường là dưới 5.3.
Một bệnh nhân (BN) nam (39 tuổi) uống rượu bia, ăn uống không kiêng cữ, thích ăn mỡ heo dẫn đến rối loạn lipit. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long chẩn đoán BN bị viêm tụy cấp có biến chứng tổn thương các cơ quan như suy hô hấp, trụy tim mạch, tụt huyết áp, suy thận cấp, suy đa tạng.
Sau đó, ê kíp tiến hành điều trị bù dịch, chống sốc theo phác đồ của Bộ Y tế. Bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Văn Hạnh Phúc (Phó Khoa Hồi sức tích cực và chống độc) cho biết, sau 12 giờ lọc máu liên tục, BN qua cơn nguy kịch, máu của BN biến thành màu trắng đục như sữa vì trong động mạch và tĩnh mạch của anh tích tụ lượng mỡ “khủng”. Kết quả xét nghiệm máu đường huyết tăng cao, bạch cầu máu cao, men tụy tăng cao, rối loạn điện giải, suy thận cấp và rối loạn đông máu trầm trọng, đặc biệt triglyceride (chỉ số về mỡ máu) tăng gấp 50 lần so với bình thường khiến huyết thanh đục như sữa.
Phòng ngừa rối loạn mỡ máu
Theo bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc, mỡ máu cao là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như các bệnh lý về tim mạch, người bệnh có nguy cơ phát triển xơ vữa động mạch, làm tăng huyết áp, tắc nghẽn mạch. Một số triệu chứng của máu nhiễm mỡ thường gặp như: hoa mắt, chóng mặt, đau ngực, đau đầu, nhịp tim nhanh, thở gấp gáp. Nếu bệnh đã ở vào giai đoạn cuối sẽ xuất hiện các dấu hiệu xơ vữa động mạch, đau tim, huyết áp cao…
Bệnh mỡ máu hay y khoa gọi là bệnh rối loạn chuyển hóa lipid, trong cơ thể chúng ta có 2 loại cholesterol “tốt” và “xấu”. Bệnh mỡ máu xảy ra khi các cholesterol “tốt” ít đi, cholesterol “xấu” tăng lên, gây ra rối loạn mất cân bằng cholesterol trong cơ thể.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng cholesterol “xấu” gây bệnh mỡ máu là: ít vận động, ăn nhiều chất béo, dầu mỡ, hút thuốc lá, rượu bia, gia đình có người bị mỡ máu… “Hút thuốc lá cũng là một nguyên nhân dẫn tới rất nhiều loại bệnh và nó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim và khiến mỡ máu tăng cao”- bác sĩ Hạnh Phúc lưu ý.
Do đó, người bệnh cần theo dõi kiểm tra sức khỏe định kỳ từ 3- 6 tháng một lần, hoặc mỗi năm 1 lần tùy theo tư vấn của bác sĩ, xét nghiệm kiểm tra các thành phần lipid máu (cholesterol toàn phần, HDL-cholesterol, HDL-cholesterol, Triglycerides).
Theo bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc, tùy theo giá trị của các chỉ số thành phần trên, bác sĩ sẽ cho đơn thuốc phù hợp. Người bệnh cũng cần điều chỉnh lối sống kiểm soát cân nặng hàng tháng; tăng cường tập thể dục. Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh ăn ít chất béo nhiều chất xơ rau xanh, trái cây rất cần thiết. Cần chú ý hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol trong mỗi bữa ăn, đặc biệt là gan, nội tạng động vật, hạn chế thịt đỏ, không nên ăn quá 2 quả trứng/ngày, do lòng đỏ trứng rất giàu cholesterol. Giảm bia, rượu và bỏ thuốc lá bởi những thứ này sẽ làm tăng lượng triglycerid trong máu.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Việt Nam hiện có khoảng 29% người trưởng thành bị máu nhiễm mỡ (hay còn gọi là rối loạn lipid máu, tăng cholesterol). Trong đó 44,3% sống ở thành thị, cứ 3 người thì có một người mắc phải căn bệnh này. Đáng lo ngại nhất là 71% người bệnh không biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám tổng quát và đa số không lường được biến chứng tai hại của bệnh. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin