
Tôi bị viêm loét dạ dày khoảng 3 tháng nay, có uống thuốc điều trị. Xin bác sĩ cho biết, ngoài uống thuốc thì chế độ ăn uống trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày như thế nào?
(VLO) Tôi bị viêm loét dạ dày khoảng 3 tháng nay, có uống thuốc điều trị. Xin bác sĩ cho biết, ngoài uống thuốc thì chế độ ăn uống trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày như thế nào?
Nguyễn Dũng Toàn (An Bình- Long Hồ)
Trả lời: Viêm loét dạ dày là bệnh khá phổ biến, đứng đầu trong các bệnh ở đường tiêu hóa. Nguyên nhân do mất cân bằng giữa môi trường a xít và lớp bảo vệ dạ dày nên điều chỉnh thói quen và cách ăn uống sẽ giúp hạn chế mắc bệnh viêm loét dạ dày.
Về thực phẩm: Hạn chế những thực phẩm làm tăng a xít trong dạ dày như trái cây chua, giấm, dưa, cà muối và một số loại mắm. Một số thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều muối như thịt nguội, chả lụa, lạp xưởng… Gia vị gồm tỏi, ớt, hành… Thức uống có chất kích thích như trà, cà phê, rượu, bia…
Hạn chế thực phẩm có nguy cơ làm tổn thương lớp bảo vệ dạ dày: Những thức ăn cứng, dai, gây cọ xát với niêm mạc dạ dày hoặc làm dạ dày phải co bóp nhiều để nghiền như: các loại rau nhiều xơ, củ quả già (mướp), thịt nhiều gân sụn, trái cây còn xanh, cứng (cóc, ổi…). Một số loại đậu đen, trắng khi tiêu hóa thường sinh hơi trong dạ dày, gây khó chịu cho dạ dày.
Thực phẩm và cách chế biến có lợi cho sức khỏe của dạ dày: sữa (sữa tươi, sữa bột), các sản phẩm từ sữa (bơ, phô mai…), trứng có tác dụng làm giảm tính a xít trong dạ dày.
Thực phẩm giàu đạm (thịt nạc, cá) nên được chế biến dưới dạng luộc, hấp giúp dạ dày dễ hấp thu. Chọn rau, củ loại non, khi ăn nên luộc kỹ hoặc nấu canh, hầm để giúp thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.
Chú ý thói quen ăn uống: Để dạ dày không làm việc nhiều, giảm thiểu khả năng thức ăn gây tổn thương và giúp dạ dày được nghỉ ngơi nên tránh thức ăn, đồ uống quá nóng hoặc lạnh vì có thể kích thích dạ dày tiết a xít hoặc có thể gây tổn thương dạ dày.
Nên nhai kỹ, ăn chậm, không ăn quá no một lúc rồi bỏ bữa mà nên ăn đủ bữa, lượng thức ăn đủ với nhu cầu, tránh gây căng dạ dày, kích thích tiết nhiều a xít.
Duy trì ăn uống điều độ, hợp lý, đúng giờ, tránh để bụng quá đói thường xuyên nhằm giảm tình trạng tăng tiết a xít trong dạ dày nhiều. Không nên làm việc nặng hoặc chạy nhảy ngay khi vừa ăn xong.
Uống đủ nước, những ngày nắng nóng nên uống nhiều hơn. Xây dựng cuộc sống với tinh thần thoải mái, năng động. Tránh bị căng thẳng, tránh lối sống thụ động vì tình trạng căng thẳng sẽ kích thích tiết a xít ở dạ dày.
BS PHAN GIA HOÀNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin