Chủ động phòng dịch sốt xuất huyết trong đại dịch COVID-19

01:09, 24/09/2021

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 5 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận tích lũy hơn 25.000 trường hợp sốt xuất huyết (SXH) và có xu hướng gia tăng mùa cuối năm.

(VLO) Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 5 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận tích lũy hơn 25.000 trường hợp sốt xuất huyết (SXH) và có xu hướng gia tăng mùa cuối năm.

Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để tránh chồng chéo dịch bệnh, vừa phòng dịch COVID-19 vừa phòng SXH, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên dọn dẹp sạch sẽ nơi làm việc, sinh sống, tránh ao tù nước đọng phát sinh lăng quăng, muỗi.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thanh Tân, bệnh SXH vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.

Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng, cắt đứt đường lây truyền của muỗi và phòng muỗi chích.

Triệu chứng của SXH là sốt cao liên tục, kéo dài 5- 7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn.

Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Đa số bệnh nhân SXH thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, song khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của SXH cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: sốt, đau cơ. Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh