Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 cũng là lần mà Vĩnh Long bị ảnh hưởng nhiều nhất, đời sống nhiều người rất khó khăn. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc"- thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, muôn người Vĩnh Long như một, quyết tâm chống dịch COVID-19.
(VLO) Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 cũng là lần mà Vĩnh Long bị ảnh hưởng nhiều nhất, đời sống nhiều người rất khó khăn. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”- thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, muôn người Vĩnh Long như một, quyết tâm chống dịch COVID-19.
Với sự chỉ đạo, quan tâm và chăm sóc đời sống người dân của tỉnh nhà, chung tay với Nhà nước, người dân Vĩnh Long dù tham gia tuyến đầu chống dịch hay làm nhiệm vụ “hậu phương” cũng luôn vững vàng.
Tất cả cùng một niềm tin, hy vọng rằng sẽ nhanh chóng chiến thắng đại dịch COVID- 19.
Kỳ 1: Vừa chăm lo đời sống vừa chống dịch
Trong khi thực hiện những giải pháp khác nhau để phòng chống dịch, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và các cơ quan, đơn vị, đoàn thể không quên chăm lo đời sống người dân. Bên cạnh những đối tượng được nhận hỗ trợ từ chính quyền thì tất cả cùng góp sức bằng những việc làm cụ thể: suất ăn miễn phí; gian hàng 0 đồng,… Đáp lại sự quan tâm ấy, mỗi người dân Vĩnh Long cũng căng mình góp sức cùng quê hương chống dịch.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Long chung một lòng chống dịch. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh thăm hỏi tình hình sức khỏe, đời sống người dân tại buổi tiêm vắc xin ngừa COVID-19. |
Chống dịch, chăm lo đời sống nhân dân
Dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất nhiều đến mọi mặt của đời sống, nhiều địa phương đang gặp khó khăn vì phải tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch
từng ngày.
Để hỗ trợ người dân gặp khó, bên cạnh những chính sách chung, Vĩnh Long còn có thêm những chính sách khác.
Đó là gần 13.800 hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã được hỗ trợ hơn 4,1 tỷ đồng (300.000 đ/hộ). Kinh phí này từ nguồn của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long hỗ trợ quỹ Phòng chống COVID-19 và quỹ Vì người nghèo do UBMTTQ Việt Nam tỉnh quản lý.
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ cho 161 học sinh- sinh viên khó khăn và 166 người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Vĩnh Long đang sống tại TP. Hồ Chí Minh gặp khó khăn có nhu cầu trở về địa phương (750.000 đ/suất) .
Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long trao quà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. |
Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long đã chuyển hơn 7,7 tỷ đồng đến phòng lao động- thương binh và xã hội huyện- thị thành để hỗ trợ người bán vé số dạo, theo quyết định của tỉnh.
Có 6.454 người bán vé số đã được hỗ trợ 1,2 triệu đ/người (50.000 đ/người/ngày x 24 ngày). Công ty này còn hỗ trợ cho 850 đối tượng khó khăn trong tỉnh, với tổng trị giá hơn 450 triệu đồng.
Sống bằng nghề bán vé số dạo và một mình nuôi 3 con nhỏ, chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) gặp nhiều khó khăn khi ngừng phát hành vé số để chống dịch.
Nhưng chị Thảo đồng tình với chủ trương chung và “biết ơn vì được Nhà nước hỗ trợ tiền, đại lý thì cho quà”. Theo chị Thảo thì “Nhà nước lo cho mình thôi, bán vé số tiếp xúc nhiều người, nguy cơ bị bệnh cũng cao nên mấy mẹ con ở nhà ăn cơm với khô, với hột vịt chờ hết dịch”.
MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long cùng các sở, ban ngành từ tỉnh đến địa phương đang nỗ lực thực hiện tốt vai trò của mình với những gian hàng 0 đồng hỗ trợ người dân khó khăn, các hoạt động giải cứu nông sản, vận động hỗ trợ quỹ Phòng chống COVID-19, …
Như Sở GD- ĐT Vĩnh Long góp sức với cơ sở vật chất là 138 trường học làm khu cách ly, trong đó có 60 khu đã hoạt động, 78 khu dự phòng. Có 811 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đã tham gia tuyến đầu chống dịch.
Trường THCS- THPT Phú Quới (Long Hồ) có 31 cán bộ, giáo viên tham gia công tác phòng chống dịch. Cô Cao Diễm Hằng- giáo viên dạy Tiếng Anh của trường- hiện là “người đi chợ thay” và nhập dữ liệu khi tiêm chủng, test nhanh của xã, cho biết: “Lo lắng là không thể tránh khỏi vì tôi cũng có mẹ già và 2 con nhỏ”.
Nhưng, COVID là nỗi lo chung của cộng đồng, nên cô Hằng gác lại nỗi lo của mình, cô nói: “Phải lo việc chung trước đã, tôi muốn cuộc sống sớm trở lại bình thường”.
Một lòng chống dịch
Trường ĐH Xây dựng Miền Tây hỗ trợ ký túc xá để làm bệnh viện dã chiến số 5 với quy mô 1.000 giường bệnh. |
Đáp lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mỗi người dân Vĩnh Long đã và đang góp sức mình chống dịch.
Biết tuyến đầu đang khó khăn do những ngày đầu giãn cách chưa tìm được phần ăn trưa, ăn sáng, chị Thảo cùng mấy chị em hùn tiền mua thịt và bánh mì làm 400 ổ bánh mì thịt gửi tuyến đầu và Trung tâm Y tế huyện Tam Bình.
Chị Thảo cười, giọng nhẹ tênh: “Hồi đó giờ toàn tôi nhận của mọi người, của Nhà nước, giờ tôi giúp được chút gì thì giúp”. Hôm được đi tiêm vắc xin phòng dịch, nhìn những bộ đồ bảo hộ ướt sũng mồ hôi, chị xúc động: “Nhiều người đang vất vả quá, tui ước gì có thể giúp đỡ nhiều hơn”.
Đang trong giai đoạn khó khăn vì “khởi nghiệp gặp dịch”, nhưng anh Nguyễn Thanh Việt- Công ty TNHH Bánh Nhật Ngọc (TP Vĩnh Long)- vẫn luôn nhiệt tình, trách nhiệm với cộng đồng.
Tính đến nay, anh Việt đã tặng cho Gian hàng 0 đồng ở Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên và các tổ chức khác khoảng 2.400 bịch bánh phồng khoai lang tím của mình.
Tính đến nay, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt chi hỗ trợ cho 18.118 người là lao động tự do gặp khó khăn do dịch COVID-19. |
Anh Việt chia sẻ: “Có gì góp nấy, tôi góp sản phẩm của mình cho bà con nào cần, để cùng nhau vượt qua đại dịch đưa cuộc sống trở lại bình thường”.
Không chỉ vậy, anh Việt còn vận động và làm shipper miễn phí giao hàng đến với các khu cách ly, hỗ trợ giải cứu nông sản.
Có những thầy giáo ngày ngày ngoài giúp đỡ bếp ăn Ban Mai còn đều đặn đến với bà con khó khăn các xã của huyện Tam Bình. Bởi “thấy nhiều bà con khó khăn do dịch bệnh không đi làm được, thu nhập không có, … tôi bỏ tiền túi ra cho, rồi học trò tôi thấy vậy cũng gửi về nhờ thầy tặng bà con”.
Hay thầy Đặng Minh Tấn- giáo viên Trường THPT Song Phú (Tam Bình)- dành thời gian mỗi ngày cho việc nấu cơm tặng tuyến đầu chống dịch, khu cách ly ở 2 xã Phú Thịnh và Song Phú đến khi “bị vẹo cột sống” vẫn cố gắng nấu thêm ít ngày để xã tìm bếp ăn khác.
Đó là tai nạn lao động của những ngày quần quật 2 buổi sáng chiều để ra lò gần 400 phần cơm nóng hổi. Dù vậy, thầy Tấn cười thật tươi: “Mới hôm bữa, Bí thư Huyện ủy Tam Bình còn ghé thăm, động viên tôi. Đó là động lực lớn lắm, cho chúng tôi cố gắng hết sức mình, mong cho quê mình mau hết dịch”.
Mỗi đóng góp dù là nhỏ cũng vô cùng ý nghĩa, là nguồn động viên tinh thần vô giá giúp mọi người có thêm sức mạnh, vơi bớt lo âu, đoàn kết vững tâm hơn trong cuộc chiến chống dịch khó khăn này.
Đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà và người dân Vĩnh Long đang sinh sống, học tập, làm việc ngoài tỉnh: Hãy đoàn kết, thống nhất cao hơn nữa, khắc phục mọi khó khăn, cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, không để dịch lây lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. |
>>Kỳ 2: Những “cánh tay dài” nối yêu thương
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin