Nhiều trẻ nguy kịch vì sốt xuất huyết

Cập nhật, 06:19, Thứ Sáu, 30/07/2021 (GMT+7)

(VLO) Sốt xuất huyết (SXH) là một bệnh không xa lạ gì với người dân. Bởi bệnh này giờ đây gần như xảy ra quanh năm. Đặc biệt là vào mùa mưa như hiện nay. Trong tâm dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, người dân thường rất ngại đến thăm khám khi có sốt, nên rất dễ để SXH rơi vào tình trạng nặng.

SXH nguy hiểm khi có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Ở trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu, nguy cơ gặp biến chứng của SXH càng lớn.
SXH nguy hiểm khi có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Ở trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu, nguy cơ gặp biến chứng của SXH càng lớn.

Cứu sống nhiều trẻ sốt xuất huyết

Dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp nên khiến nhiều người e ngại đến bệnh viện (BV), chỉ từ đầu tháng 7 đến nay, BV Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều trẻ SXH trong tình trạng nguy kịch vì nhập viện trễ, nguy cơ tử vong cao. Hầu hết các bé mắc SXH nặng ở độ tuổi nhũ nhi.

Điều tra bệnh sử cho thấy, nhiều phụ huynh sợ nhiễm SARS-CoV-2 nên thường để trẻ ở nhà theo dõi, vì nghĩ con mình cảm sốt thông thường và suy nghĩ này là rất nguy hiểm.

Điển hình, BV Nhi đồng liên tiếp cấp cứu 3 trường hợp nhũ nhi từ 6- 11 tháng tuổi, sốc SXH tưởng chừng không qua khỏi. Các bé đều bị sốc SXH sâu, suy gan thận, tràn dịch, xuất huyết mũi miệng, xuất huyết tiêu hóa… và phải thở máy, hỗ trợ thở o xy, thở láp lực dương, truyền máu trong nhiều ngày liền. Có trẻ SXH kèm theo bệnh lý khác.

Đây là các trường hợp sốc SXH ở nhũ nhi dễ chẩn đoán nhầm lẫn với bệnh lý đường hô hấp, tiêu hóa, vì trẻ có thể kèm theo triệu chứng của bệnh khác như ói, tiêu chảy hay ho, sổ mũi.

Riêng trong tuần qua, BV lại tiếp nhận và cứu sống 5 trường hợp sốc SXH ở trẻ thừa cân, béo phì. Các bệnh nhi gồm: L.T.K. nam, 10 tuổi, 51kg (bình thường ở tuổi này 28- 30kg), N.T.N. 9 tuổi, nam, 55kg (bình thường ở tuổi này 26- 28kg), L.T.K. 11 tuổi, nam, cân nặng 56kg (bình thường ở tuổi này 30- 32kg), đều trú tại Bình Tân- TP Hồ Chí Minh và N.G.H. 6 tuổi, nam, cân nặng 32kg (bình thường ở tuổi này 20- 22kg), trú tại Tân Biên- Tây Ninh; D.P. 11 tuổi, nam, cận nặng 56kg (bình thường ở tuổi này 34- 36kg), trú tại An Bình- Kiên Giang.

Khai thác bệnh sử ghi nhận: Các bệnh nhi sốt cao liên tục 4 ngày kèm nhức đầu, đau mình mẩy, ói mửa. Ngày 5, các bệnh nhi có biểu hiện đau bụng, tay chân lạnh, mệt nên nhập viện địa phương được chẩn đoán sốc SXH điều trị truyền dịch chống sốc, chuyển BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh.

Tại đây, các bệnh nhi được tiếp tục chống sốc, đo huyết áp động mạch xâm lấn, áp lực tĩnh mạch trung tâm, hỗ trợ hô hấp.

Riêng 2 bệnh nhi ở BV tỉnh chuyển lên diễn tiến nặng, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều, tổn thương gan thận, được đặt nội khí quản giúp thở, truyền máu và chế phẩm máu, điều chỉnh toan, hỗ trợ gan thận. Sau 1 tuần điều trị, tình trạng các bệnh nhi ổn định dần, được cai máy thở, thở khí trời, tỉnh táo.

Các nghiên cứu cho thấy: Sốc SXH trên trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ suy hô hấp sớm, điều chỉnh dịch truyền gặp nhiều khó khăn vì phải hiệu chỉnh cân nặng của trẻ thích hợp tránh truyền quá tải dịch cũng như dễ dẫn đến sốc kéo dài biến chứng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận.

Phòng bệnh SXH

Bệnh SXH xảy ra quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa mưa và trẻ em mắc bệnh này nhiều nhất, đặc biệt mắc nhiều ở trẻ đang độ tuổi mẫu giáo, nhi đồng.

Theo BS.CK2 Võ Thị Thu Hương (Trưởng Khoa Nhi- BVĐK tỉnh), từ đầu năm đến nay, Khoa Nhi tiếp nhận rải rác những ca mắc SXH, song vào mùa mưa thì số bệnh nhi tăng nhiều hơn 20% so với các tháng đầu năm. Có trường hợp bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng như trụy tim mạch hoặc có biến chứng sốc sâu.

Thời gian gần đây, bệnh SXH không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà còn xuất hiện ở mọi đối tượng nếu bị muỗi vằn cái đốt và truyền bệnh. Trong đó, tỷ lệ người lớn bị bệnh SXH nặng, sốc và tử vong ngày càng nhiều.

Nguyên nhân là người lớn rất chủ quan, nghĩ mình lướt qua được, tự ý mua thuốc điều trị tại nhà và chưa có nhiều thông tin về sốc do biến chứng SXH nguy hiểm như thế nào.

Đặc biệt hiện nay khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, người bị sốt rất ngại đến các bệnh viện thăm khám mà chủ yếu dùng thuốc hạ sốt tại nhà. Nếu chẳng may sốt do SXH sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời.

“Hiện tại, các BV đều có khu sàng lọc SARS-CoV-2, ê-kíp bác sĩ cũng rất cố gắng đảm bảo an toàn trong BV. Vì vậy, cha mẹ không nên lo lắng về dịch bệnh mà kéo dài thời gian điều trị của con mình, rất nguy hiểm”- bác sĩ Võ Thị Thu Hương khuyến cáo.

Phó Giám đốc BV Nhi đồng Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo: Nhiều phụ huynh có thể nhầm lẫn SXH ở nhũ nhi với bệnh lý đường hô hấp, tiêu hóa, vì trẻ có thể kèm theo triệu chứng của bệnh khác như nôn ói, tiêu chảy hay ho sổ mũi… nên cha mẹ đặc biệt lưu ý.

Nếu không thì trẻ có thể rơi vào sốc SXH, trở nặng rất nhanh. Vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu sốt ở con, đặc biệt sốt cao trên 2 ngày không hạ, có một trong các biểu hiện: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống… phải lập tức đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa.

ThS. bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long- nhấn mạnh: “Muỗi vằn truyền bệnh SXH là loại muỗi hoạt động ban ngày, chủ yếu sống trong nhà, do đó bà con cho trẻ nhỏ ban ngày ngủ mùng và mặc áo dài tay tránh muỗi đốt. Ngoài ra, muỗi vằn chủ yếu sinh sản trong dụng cụ chứa nước trong nhà và xung quanh nhà. Để hạn chế muỗi sinh sản gây bệnh, bà con cần đậy nắp kín những dụng cụ chứa nước trong nhà và xung quanh nhà và kiểm tra hàng tuần dụng cụ chứa nước, diệt lăng quăng”.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG