Tất cả các loại vaccine, trong đó có vaccine ngừa COVID-19 đều có khả năng xảy ra tác dụng phụ. Trên toàn cầu, hiện có 15 loại vaccine COVID-19 được phép sử dụng.
Tất cả các loại vaccine, trong đó có vaccine ngừa COVID-19 đều có khả năng xảy ra tác dụng phụ. Trên toàn cầu, hiện có 15 loại vaccine COVID-19 được phép sử dụng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các tác dụng phụ phổ biến nhất sau khi tiêm vaccine COVID-19 là mệt mỏi, sốt, nhức đầu, đau nhức cơ thể, ớn lạnh, buồn nôn, tiêu chảy và đau tại chỗ tiêm. Mọi người đều bị ảnh hưởng bởi tiêm chủng theo những cách khác nhau. Một số người có thể gặp ít hoặc không có tác dụng phụ trong khi những người khác có thể gặp nhiều tác dụng phụ và cảm thấy khá mệt mỏi.
Phương pháp điều trị không kê đơn
Bất kỳ ai lo lắng về tác dụng phụ của việc tiêm chủng đều băn khoăn có nên dùng thuốc không kê đơn trước khi chủng ngừa để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ không khuyến khích điều này. Tốt nhất là chờ xem liệu có bất kỳ tác dụng phụ nào phát sinh hay không, sau đó có phương pháp điều trị riêng lẻ, thay vì phỏng đoán và dùng một số sản phẩm không kê đơn trước thời hạn.
Theo các chuyên gia, thông thường, bạn nên xin tư vấn của bác sĩ hoặc những người có chuyên môn trước khi dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào để giảm bớt tác dụng phụ của vaccine. Bởi bác sĩ hiểu các loại thuốc và tiền sử bệnh của bạn, cũng như hiểu rõ bất kỳ phản ứng nào có thể xảy ra.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một người không thể liên hệ với bác sĩ hay dược sĩ và cần được giảm đau ngay lập tức do đau cơ, đau vết tiêm, sốt hoặc tất cả những vấn đề này? Trong trường hợp này, những lời khuyên sau đây có thể hữu ích:
Các biện pháp khắc phục tại nhà
Đối với bất kỳ ai không muốn dùng thuốc không kê đơn hoặc đang tìm kiếm các phương pháp điều trị bổ sung, một số kỹ thuật tự chăm sóc có thể giúp giảm bớt tác dụng phụ của tiêm chủng COVID-19.
Đối với các phản ứng tại chỗ tiêm, chẳng hạn như đau hoặc sưng, hãy sử dụng khăn ướt sạch và mát để chườm. Điều này cũng có thể giúp giảm đau nhức cơ và khớp.
Để giảm bớt đau nhức hoặc cứng ở cánh tay, hãy di chuyển càng nhiều càng tốt. Điều này có vẻ phản trực giác và gây ra một chút khó chịu, nhưng nó giúp ngăn ngừa tình trạng căng cứng thêm bằng cách thả lỏng các cơ bị đau.
Bất kỳ ai bị ớn lạnh và sốt nhẹ nên uống nhiều nước để tránh mất nước Mặc quần áo mỏng, nhẹ và mặc nhiều lớp sẽ giúp tránh bị quá nóng.
“COVID-19 arm” là gì?
Đây có thể là tác dụng phụ của việc tiêm vaccine Moderna COVID-19. Đó là một vết phát ban đỏ, lấm tấm có thể xuất hiện xung quanh vết tiêm, thường là khoảng 7 ngày sau khi nhận được liều vắc xin đầu tiên.
Mặc dù sự xuất hiện của phát ban có thể đáng báo động, nhưng nó không đe dọa đến tính mạng. Nếu vết ban phát triển và gây khó chịu, hãy sử dụng một miếng gạc mát, khăn ướt mát và sạch hoặc một túi đá được quấn trong khăn.
Một lựa chọn khác là nói chuyện với dược sĩ để xác định xem dùng thuốc kháng histamine, chẳng hạn như diphenhydramine (Benadryl), có an toàn hay không. Thuốc kháng histamine có thể gây buồn ngủ, vì vậy một người không nên lái xe cho đến khi họ chắc chắn về tác dụng của thuốc.
Phát ban có xu hướng kéo dài khoảng 5 ngày, nhưng nó có thể kéo dài đến 3 tuần. Không cần lo lắng nếu nó phát triển sau và kéo dài hơn các tác dụng phụ khác của vaccine.
Tác dụng phụ kéo dài bao lâu?
Tác dụng phụ của vaccine COVID-19 chỉ kéo dài trong một vài ngày. Nếu chúng kéo dài hơn, hãy liên hệ với bác sĩ.
Một số tác dụng phụ, chẳng hạn như sốt, ớn lạnh và mệt mỏi, cũng là các triệu chứng của COVID-19. Có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 ngay trước hoặc sau khi chủng ngừa - trước khi cơ thể có cơ hội tạo ra các kháng thể thích hợp và hình thành khả năng miễn dịch. Ngoài ra, dù vaccine rất hiệu quả, nhưng chúng cũng không đảm bảo 100% khả năng chống lại virus.
Điều quan trọng cần lưu ý là không có vaccine nào có thể gây ra COVID-19. Vì thế, bất kỳ ai phát triển COVID-19 sau khi tiêm đều có khả năng tiếp xúc với virus trước khi họ có đủ khả năng miễn dịch.
Nếu các tác dụng phụ giống với các triệu chứng COVID-19 vẫn tồn tại, hãy làm xét nghiệm COVID-19 và tuân theo các hướng dẫn của địa phương về tự cách ly.
Khi nào nên gặp dược sĩ?
Dược sĩ có thể giúp xác định liệu thuốc mua không kê đơn có an toàn và phù hợp với từng người hay không, và nếu có, thì đâu là những lựa chọn tốt nhất.
Những người có chuyên môn xem xét tiền sử sức khỏe của bạn và đảm bảo rằng bất kỳ sản phẩm không kê đơn nào cũng sẽ không tương tác với các loại thuốc khác. Ngoài ra, dược sĩ có thể giới thiệu các phương pháp điều trị tại nhà và tư vấn về việc khi nào bạn cần gặp bác sĩ. Họ cũng có thể giải thích cách sử dụng một loại thuốc, cách nó hoạt động và những tác dụng phụ cần chú ý.
Khi nào đến gặp bác sĩ?
Liên hệ với chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu bất kỳ tác dụng phụ nào trở nên tồi tệ hơn, ví dụ như vết tiêm trở nên rất đau, hoặc sưng tấy đỏ. Ngoài ra, hãy tìm kiếm sự chăm sóc chuyên nghiệp nếu bất kỳ tác dụng phụ nào kéo dài hơn một vài ngày.
Bất kỳ ai có thể có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vaccine nên gọi bác sĩ hoặc nhận sự chăm sóc y tế khẩn cấp. Phản ứng này có thể dẫn đến sốc phản vệ, khó thở, sưng mặt và nổi mề đay. Những phản ứng này là rất hiếm và cứ 1 triệu người tiêm vaccine, chỉ có khoảng 2 đến 5 người gặp phải.
Phản ứng phản vệ với vaccine có xu hướng xảy ra nhanh chóng. Sau khi tiêm một liều vaccine, một người sẽ được nhân viên y tế quan sát trong khoảng 15 phút. Điều này nhằm đảm bảo rằng nếu phản ứng dị ứng xảy ra, các chuyên gia y tế sẽ có mặt và sẵn sàng xử lý tình huống.
Theo dõi tác dụng phụ
Hãy nhớ rằng, không phải tác dụng phụ nào của vaccine cũng đồng nghĩa với điều gì đó không ổn. Các tác dụng phụ cho thấy vaccine đang hoạt động, cơ thể đang tạo ra kháng thể và phát triển trí nhớ miễn dịch để chống lại các bệnh nhiễm trùng liên quan tới virus SARS-CoV-2 trong tương lai.
Mọi người phản ứng với vaccine khác nhau, và một số người gặp phải các phản ứng phụ nghiêm trọng hơn những người khác. Mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ không tương quan với mức độ miễn dịch của cơ thể./.
Theo Medicalnews, VOV.VN (Biên dịch)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin