"5K"+ vắc xin để phòng COVID-19

08:06, 18/06/2021

Tiêm vắc xin đang được coi là giải pháp mà Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện để có thể chủ động tấn công và đẩy lùi đại dịch COVID-19. Việc tiêm vắc xin không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm của mỗi người, để giữ cho mình an toàn, từ đó giúp người khác an toàn trước dịch COVID-19.

 

 

Dù hiệu lực của vắc xin không phải 100% nhưng theo các chuyên gia đây vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp phòng COVID-19 và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng.
Dù hiệu lực của vắc xin không phải 100% nhưng theo các chuyên gia đây vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp phòng COVID-19 và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng.

Tiêm vắc xin đang được coi là giải pháp mà Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện để có thể chủ động tấn công và đẩy lùi đại dịch COVID-19. Việc tiêm vắc xin không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm của mỗi người, để giữ cho mình an toàn, từ đó giúp người khác an toàn trước dịch COVID-19.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin

Đúng như cảnh báo ngay từ sớm của Chính phủ và ngành y tế, sự bùng phát dịch COVID- 19 đợt thứ 4 sẽ là đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước đến nay. Đợt dịch đầu tiên bắt đầu từ 23/1/2020, kéo dài 85 ngày đến 16/4/2020, ghi nhận 100 ca mắc bệnh trong cộng đồng. Đợt dịch thứ 2, từ 25/7/2020, kéo dài 129 ngày, ghi nhận 554 ca mắc trong cộng đồng, cao hơn gấp 5,5 lần đợt thứ nhất. Đợt thứ 3 bắt đầu từ 28/1- 25/3/2021, kéo dài 57 ngày, ghi nhận 910 ca mắc trong cộng đồng, cao gần gấp đôi đợt thứ 2.

Đợt dịch thứ 4 lần này bắt đầu từ 27/4/2021, chủng vi rút lây lan nhanh hơn ra cộng đồng, tốc độ lây lan mạnh hơn, phạm vi rộng hơn, đỉnh dịch dài hơn và cho đến nay chưa xác định được đỉnh dịch. Đến trưa 17/6 thì đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam đã ghi nhận số ca mắc lên đến 8.780 ca, tại gần 40 tỉnh- thành cả nước.

Để có thể ngăn chặn dịch bệnh một cách lâu dài, bền vững thì chúng ta phải miễn nhiễm với SARS-CoV-2. Chính vì vậy, vắc xin được coi như một tấm khiên mạnh mẽ nhất chống lại SARS-CoV-2 với những biến thể ngày càng khó lường. Song, ở Việt Nam chúng ta mới chỉ tiêm được cho hơn 1% dân số. Như vậy chúng ta đang cần rất nhiều vắc xin và nhu cầu được tiêm vắc xin để phòng dịch thực tế đang rất lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã liên tục yêu cầu các bộ, ngành bằng mọi cách tiếp cận nguồn vắc xin phòng COVID-19 qua đường ngoại giao, doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước. Quỹ vắc xin phòng COVID-19 cũng đã được thành lập để tiếp cận các nguồn hỗ trợ tự nguyện của cá nhân, doanh nghiệp cùng chung tay với Chính phủ trong việc tiếp cận, mua vắc xin.

Để phòng chống COVID-19, ngoài việc áp dụng các biện pháp theo thông điệp “5K” thì tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát ở nhiều tỉnh- thành, nhiều nơi trở thành điểm nóng, người dân mong muốn sớm được tiêm vắc xin phòng dịch.

“Được là một trong số người ưu tiên tiêm mũi vắc xin phòng COVID-19 ngày 10/6/2021, trong khi cả nước còn quá nhiều người dân chưa được tiêm, thế giới còn đang lao đao vì dịch mà chưa thể tiêm phòng đại trà, đó là một cảm giác tri ơn, hạnh phúc. Là công dân của nước Việt Nam cũng là một niềm tự hào lịch sử và là một hồng phúc biết bao. Một liều vắc xin có giá vài trăm ngàn, nhưng nó là cả một sự nỗ lực quyết liệt của những người lãnh đạo cao nhất đất nước ta, những lãnh đạo các bộ ngành, của cả hệ thống y tế để hôm nay chúng tôi có được mũi vắc xin này. Xin được cúi đầu tri ơn về mũi vắc xin mà cá nhân chúng tôi vừa nhận”- nhà báo Hà Ngọc Trảng chia sẻ.

Chị Trần Thảo Vy (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết: “Dịch bệnh đợt này nhiều người bệnh nặng quá, kể cả người trẻ nên tôi mong sớm được tiêm vắc xin. Cả nhà tôi 6 người, mẹ đang bị ung thư vú nữa, giờ tiêm phải trả tiền tôi cũng sẵn sàng đăng ký cho cả nhà được tiêm”.

Cho đến nay với hơn 1,5 triệu liều vắc xin sử dụng Việt Nam đã ghi nhận số trường hợp phản ứng thông thường từ khoảng 14- 20% tùy theo từng địa phương, tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO. Một số phản ứng nặng như phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin đã xảy ra, các cơ sở y tế đã tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xử trí phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Tỷ lệ tiêm chủng đạt 70- 85% sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc tiêm vắc xin để chủ động phòng dịch COVID-19 là nguyện vọng của mọi người dân, nhất là những người có nguy cơ cao bị lây nhiễm và dễ gặp rủi ro khi mắc COVID-19.

Theo GS.TS. Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, vắc xin là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các vắc xin phòng COVID-19 hiện nay có hiệu quả bảo vệ từ trên 60 đến trên 90%; vắc xin phòng COVID-19 ngoài tác dụng giảm số người nhiễm vi rút, giảm số trường hợp bị biến chứng do mắc bệnh và giảm số phải nhập viện điều trị và tử vong. Như vậy, vắc xin phòng COVID-19 nói chung và vắc xin Astra Zeneca nói riêng không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và kinh tế phát triển.

Hiện nay đã có nhiều loại vắc xin phòng COVID-19 của các nhà sản xuất khác nhau. Khi đã có đủ nguồn vắc xin phòng COVID-19 và tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì người dân có thể lựa chọn loại vắc xin phòng COVID-19. Vắc xin phòng COVID-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, khuyến cáo đồng thời được Cục Quản lý dược cấp phép lưu hành, được Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng rồi mới đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng của vắc xin khi đưa ra sử dụng.

“Chúng tôi khuyến cáo việc sớm được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là quan trọng để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Người dân không nên có tâm lý lựa chọn vắc xin mà phải chờ đợi và bỏ đi cơ hội tiêm chủng sớm”- GS.TS. Dương Thị Hồng cho biết.

TS. Bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, việc tiêm chủng để phòng COVID-19 là việc làm cần thiết trong giai đoạn này bởi vì nó sẽ có tác dụng bảo vệ cho bản thân người tiêm được phòng COVID-19, bảo vệ cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để bảo đảm hiệu quả tối đa của vắc xin COVID-19, mỗi người cần phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt 70- 85% để có miễn dịch cộng đồng phòng chống dịch COVID-19. Sau khi tiêm vắc xin, mọi người vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch (theo thông điệp “5K”) để bảo đảm an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng trước đại dịch COVID-19. Tiêm vắc xin COVID-19 là quyền lợi của cá nhân, là trách nhiệm với cộng đồng, khi đến lượt bạn hãy đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin và theo dõi sức khỏe.

Theo Cơ quan Y tế công cộng Anh, đến cuối tháng 4, chương trình tiêm chủng đại trà đã giúp tránh được 11.700 ca tử vong ở người từ 60 tuổi trở lên, trong khi giảm được 33.000 ca nhập viện ở người từ 65 tuổi trở lên. Theo cơ quan này, đây mới chỉ là tác dụng trực tiếp của vắc xin, và “ngày càng có nhiều bằng chứng rõ ràng” cho thấy vắc xin giúp giảm sự lây lan của vi rút, đồng nghĩa với việc số ca tử vong và nhập viện có thể tránh được nhờ tiêm vắc xin cao hơn nhiều.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh