Họ là những người được nhân dân yêu mến, cảm phục gọi là những "chiến sĩ áo trắng"… đã gác lại gia đình, hạnh phúc riêng tư, không quản hiểm nguy, tự nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Sự hy sinh thầm lặng đó đang giúp Bắc Ninh từng bước kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và lan tỏa tinh thần yêu nước, quyết tâm chống dịch trong nhân dân.
Họ là những người được nhân dân yêu mến, cảm phục gọi là những “chiến sĩ áo trắng”… đã gác lại gia đình, hạnh phúc riêng tư, không quản hiểm nguy, tự nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Sự hy sinh thầm lặng đó đang giúp Bắc Ninh từng bước kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và lan tỏa tinh thần yêu nước, quyết tâm chống dịch trong nhân dân.
Kiên cường bám “trận địa”
“Con ơi, con có khỏe không?”, đầu máy bên kia giọng nói của mẹ bác sĩ Trần Quang Sơn (Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh) vang lên.
Bác sĩ Sơn còn đang nén cơn xúc động thì ba đứa con nhỏ đầu dây bên kia lại ríu rít: “Bố ơi, chúng con nhớ bố quá, bố chữa khỏi cho bệnh nhân rồi về nhà với chúng con. Ngày nào chúng con cũng mong bố đấy”.
Đã hơn ba tuần, bác sĩ Sơn và các đồng nghiệp tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh chưa một lần được về thăm gia đình. Trong một gia đình có đến bốn thế hệ cùng chung sống, những ngày vắng bóng bác sĩ Sơn, người già và trẻ nhỏ phải nương tựa vào nhau.
“Từ khi Bắc Ninh xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 5-5, chúng tôi ở lại luôn trong bệnh viện, sẵn sàng tâm thế lên đường chống dịch. Thương bố mẹ già, các con nhỏ, đặc biệt là vợ tôi, không có tôi ở nhà mọi công việc lớn nhỏ một tay cô ấy phải gánh vác, lo liệu”, bác sĩ Sơn chia sẻ.
Bao nhiêu ngày ở viện là bấy nhiêu ngày các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh phải dốc toàn tâm, toàn lực điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Chỉ cần một sơ suất nhỏ trong công tác bảo bộ và khử khuẩn thì trận địa chống dịch lại trở thành ổ dịch.
Đối với những bệnh nhân có diễn biến nặng, phải thở máy và can thiệp nhiều kỹ thuật lúc nào cũng cần có nhân viên, bác sĩ theo dõi, chăm sóc. Chỉ cần rời đi ít phút, có thể bệnh nhân sẽ có những diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều rối loạn sau này khó điều trị.
Các bác sĩ làm việc bằng tất cả sức lực có thể, họ chưa có bữa cơm trọn vẹn và chưa có được giấc ngủ ngon mà chỉ mệt quá thiếp đi lúc nào không biết, sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân 24/24 giờ cũng như phối hợp các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai để hội chẩn kịp thời những ca bệnh có diễn biến phức tạp.
Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 ở Bắc Ninh tăng cao, một số bệnh nhân chuyển biến nặng, Bệnh viện đa khoa tỉnh phải thành lập Đơn nguyên Hồi sức tích cực, bác sĩ Sơn chuyển đến làm việc tại bộ phận này.
“Đặc thù ở chuyên khoa hồi sức tích cực là tất cả các bệnh nhân vào đây đều là những bệnh nhân nặng, can thiệp chậm trễ diễn biến bệnh rất khó lường. Cho nên chúng tôi tập trung cao độ và nỗ lực hết sức, nhiều khi quên cả thời gian.
Bất kể giờ nào điện thoại cũng luôn trong trạng thái chờ, chỉ cần một hồi chuông đồng nghiệp gọi đến vang lên, lập tức chúng tôi vào vị trí sẵn sàng hội chẩn. Chúng tôi là nam giới cộng với sức trẻ nên vẫn còn chịu đựng được, nhưng các điều dưỡng nữ trực tiếp chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19, công việc vất vả vô cùng”. Bác sĩ Sơn chia sẻ.
Mỗi ca trực thường kéo dài tám tiếng, trong suốt thời gian đó, các điều dưỡng ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh phải mang trên mình bộ quần áo bảo hộ dày đến bốn lớp, kín mít, phiền toái, nóng nực vô cùng.
“Ngày đầu khi mới vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19, thực sự rất khó khăn. Trong phòng không được bật điều hòa vì sợ phát tán giọt bắn ra không khí.
Sau khoảng 30 phút mặc đồ bảo hộ, người nào người nấy mồ hôi chảy nhễ nhại, ướt như tắm. Cảm giác ngột ngạt, khó thở thậm chí choáng váng ập đến, chúng tôi chỉ muốn cởi bỏ ngay bộ đồ bảo hộ ra khỏi người.
Nhưng sứ mệnh không cho phép chúng tôi chùn chân. Chỉ cần hình dung sau cánh cửa bao bệnh nhân đang chờ được chăm sóc, những khuôn mặt khó thở cần được vỗ rung, cần được một bàn tay giúp trở mình, cần theo dõi từng nhịp thở… khó khăn nào chúng tôi cũng vượt qua”, chị Nguyễn Thị Thảo, điều dưỡng chăm sóc những ca bệnh nặng tại Đơn nguyên Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh tâm sự.
Hiện nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh chia làm hai khu điều trị bệnh nhân Covid-19, gồm: khu điều trị bệnh nhân nặng và khu điều trị bệnh nhân nhẹ.
Khu bệnh nhân nặng hiện có khoảng 20 bệnh nhân. Bệnh viện phân công hơn 20 điều dưỡng chia làm ba ca ở vòng trong thay phiên chăm sóc trực tiếp cho các bệnh nhân. Đa phần các điều dưỡng ở đây là nữ.
Chia sẻ về công việc của mình chị Thảo cho biết, với những bệnh nhân thở ô-xy mask (thở ô-xy qua mặt nạ có túi dự trữ làm tăng thêm nồng độ ô-xy khí thở) hằng ngày chúng tôi theo dõi dấu hiệu sinh tồn, thực hiện thuốc, theo dõi ô-xy của bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân cách ngồi dậy, đứng dậy tập đi để tránh tổn thương phổi.
Đối với bệnh nhân thở máy không xâm nhập, ngoài việc thực hiện thuốc các điều dưỡng còn hỗ trợ bệnh nhân các công việc cá nhân như thay quần áo, vỗ rung cho bệnh nhân dễ thở.
Nặng nhất là bệnh nhân thở máy, những trường hợp này chúng tôi phải chăm sóc toàn diện, theo dõi huyết áp, dấu hiệu sinh tồn liên tục. Ngoài ra, phải hỗ trợ hút đờm, nghiêng thay đổi tư thế để vỗ rung cho bệnh nhân, chống loét, chống tỳ đè, thậm chí túc trực bệnh nhân lọc máu liên tục…
Có lần, một bệnh nhân chuyển biến nặng phải tiến hành lọc máu, chúng tôi ở lại theo dõi liên tục suốt 20 tiếng, mồ hôi đầm đìa trong lớp đồ bảo hộ, cảm tưởng nắm nhẹ tóc là vắt được nước, toàn thân uể oải, chân tay rã rời.
Hôm sau, trong kíp trực một điều dưỡng có hiện tượng sốt, chúng tôi rất lo lắng nhưng rất may không phải do virus. Chị ấy làm việc cường độ cao trong thời gian dài liên tục, mệt quá nên phát sốt.
Cũng có chị kiệt sức, choáng, đâm sầm vào cửa kính, ngã nhào sưng u cả trán. Có hôm, một số đồng nghiệp bị hạ canxi huyết, lên cơn co giật, tay chân co quắp lại, chúng tôi phải hỗ trợ hồi sức.
Cuộc chiến khắc nghiệt là vậy nhưng chưa ai trong chúng tôi chịu đầu hàng. Hôm nay quỵ ngã vì kiệt sức, ngày sau vẫn mạnh mẽ đứng lên, quyết tâm bám trụ tuyến đầu.
Chồng chị Thảo làm nghề lái tàu thường xuyên đi công tác xa nhà, các con còn nhỏ, khi Bắc Ninh xuất hiện ca dịch Covid-19, đầu tiên chị Thảo gửi con về nhà ông bà nội để lên tuyến đầu chống dịch. Từ đó đến nay, chị Thảo chưa được gặp các con.
Để người thân bớt lo lắng, mỗi lần gọi điện thoại, có ngăn những giọt nước mắt chực rơi, chị Thảo tranh thủ động viên, trấn an tinh thần cho cả gia đình.
Chị Thảo nói, may mắn còn có ông bà để nhờ cậy, nhiều chị em hoàn cảnh cũng đáng thương lắm, trong lúc đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thì nhận được tin con ở nhà thuộc trường hợp F1 phải đưa đi cách ly tập trung, không người thân nào bên cạnh, thương con, nước mắt nhạt nhòa.
Những ngày qua, chúng tôi ở đây giống như sống trong một gia đình lớn. Hằng ngày, đồng nghiệp ở các khoa thay nhau tiếp tế nhu yếu phẩm, hỏi han tình hình sức khỏe, thậm chí làm hậu phương, lo toan, chia sẻ công việc gia đình cho nên vất vả mấy cũng thấy ấm lòng. Nhưng niềm vui lớn nhất đối với chúng tôi lúc này là những tin tức tích cực đến từ chính những bệnh nhân.
Sau một thời gian điều trị, nhiều bệnh nhân nặng có chuyển biến tích cực, từ thở máy không xâm nhập chuyển sang thở ô-xy mask, rồi tiếp tục thở ô-xy thường, sau đó không cần hỗ trợ thở ô-xy, chúng tôi thấy bao nhiêu mệt mỏi tiêu tan hết.
Hôm vừa rồi, bốn ca bệnh cùng lúc được chuyển từ khu điều trị cho bệnh nhân nặng sang khu điều trị bệnh nhân nhẹ, cả kíp trực đưa mắt nhìn nhau, qua kính chắn giọt bắn vẫn nhận ra những nụ cười đan xen mồ hôi, nước mắt của các đồng nghiệp đang rơi vì hạnh phúc.
Chúng tôi luôn tự nhủ, nếu mình và mọi người cùng cố gắng, quyết tâm nhất định dịch Covid-19 sẽ được đẩy lùi.
Thần tốc, thần tốc hơn nữa
Thuận Thành là nơi ghi nhận nhiều ca bệnh nhất của tỉnh Bắc Ninh. “Thuận Thành là nơi không đêm”, đó là câu nói của Giám đốc Sở Y tế Tô Thị Mai Hoa.
Ở “tâm dịch” Mão Điền những ngày không đêm ấy còn kéo dài hơn nữa. Ngày 5-5, xã Mão Điền phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên. Ngay trong đêm, địa phương đã khẩn trương đưa các ca F0 đi điều trị, các trường hợp F1 đi cách ly tập trung.
Những ngày sau đó, lực lượng cán bộ của Trạm Y tế xã Mão Điền phối hợp cán bộ y tế huyện thần tốc lấy mẫu xét nghiệm cho nhân dân toàn xã.
Y, bác sĩ, làm việc không có ngày đêm, có những hôm đến 3-4 giờ sáng cũng chưa xong việc, tranh thủ ăn vội gói mỳ rồi quay trở lại với guồng quay công việc, vừa hỗ trợ các lực lượng truy vết vừa lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 15 nghìn người dân.
Cường độ làm việc liên tục khiến nhiều người kiệt sức, quỵ ngã. Nhưng các lực lưởng tuyến đầu chống dịch vẫn rất kiên cường, sau khi được cấp cứu, hồi sức, lại đứng dậy tiếp tục công việc của mình, ròng rã như thế suốt hơn 20 ngày nay chưa có ngày nào ngơi nghỉ.
Bác sĩ Nguyễn Thế Sơn, Trạm trưởng Y tế xã Mão Điền cho biết, hơn 30 năm trong nghề, đây là lần đầu tiên chứng kiến một trận dịch bệnh khủng khiếp thế này.
Sau khoảng hơn 20 ngày phát hiện ca mắc bệnh đầu tiên, đến nay cả xã có hơn 300 ca F0, hàng nghìn trường hợp F1, các trường hợp F2, F3 cách ly tại nhà chiếm một phần ba số dân của xã.
Gắn bó với Mão Điền mấy chục năm, từng nhà, từng ngõ đều biết rất rõ cho nên dù là trường hợp F1 phải đi cách ly tập trung, nhưng bác sĩ Sơn vẫn điều hành công việc của Trạm Y tế qua điện thoại để hỗ trợ đồng nghiệp truy vết F1, F2…
Hoàn cảnh của bác sĩ Sơn cũng rất đặc biệt. Ngày 7-7, ngành y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân trong xã. Ngày 9-7, gia đình bác sĩ Sơn nhận được kết quả xét nghiệm, cả vợ, con đều là F0, chín người còn lại trong gia đình đều là F1.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cho biết, để kiểm soát, khoanh vùng, đẩy lùi được dịch bệnh, trong hơn 20 ngày qua, ngành y tế tỉnh Bắc Ninh đã huy động hàng nghìn y, bác sĩ tham gia “trận chiến” với mục tiêu thần tốc truy vết, thần tốc lấy mẫu, thần tốc xét nghiệm.
Tốc độ, tốc độ hơn nữa, là phương châm hành động nhưng cũng là áp lực rất lớn đối với các lực lượng truy vết, lấy mẫu và xét nghiệm để làm sao có kết quả nhanh nhất thì công tác khoanh vùng dập dịch mới hiệu quả. Kết quả càng chậm thì F1 càng nhiều.
Mỗi khi phát hiện ca dương tính, trong khu công nghiệp hay ngoài cộng đồng dân cư thì lực lượng tiên phong truy vết, lấy mẫu phải ngay lập tức xuất phát.
Không kể ngày đêm, nắng, mưa trong bộ quần áo bảo hộ như những phi hành gia, bí bách vô cùng nhưng vẫn phải làm việc thông trưa, thông đêm. Kể không hết được những vất vả, hy sinh của các “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch.
Ở bất kỳ địa điểm nào, những con người ấy cũng phải làm việc trong điều kiện vô cùng vất vả, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao nhưng họ chưa bao giờ đầu hàng.
Họ xứng đáng là những chiến sĩ, là tấm gương về lòng dũng cảm và sự hy sinh đang ngày đêm cùng các lực lượng góp phần không nhỏ giúp Bắc Ninh đẩy lùi làn sóng dịch bệnh.
Theo Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin