Đẩy mạnh việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19

08:05, 11/05/2021

Theo Bộ Y tế, khoảng 16% các trường hợp sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có phản ứng thông thường. Trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở An Giang được xác định là vô cùng hiếm gặp.

 

 

Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Theo Bộ Y tế, khoảng 16% các trường hợp sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có phản ứng thông thường. Trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở An Giang được xác định là vô cùng hiếm gặp.

Trường hợp tử vong rất hiếm gặp

Ngày 7/5, Sở Y tế An Giang xác nhận một trường hợp tử vong sau tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca, là nữ nhân viên y tế 35 tuổi, đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Tân Châu.

Trước khi tiêm vắc xin tại điểm tiêm ở BVĐK khu vực Tân Châu sáng 6/5, nữ nhân viên y tế này được khám sàng lọc và giải thích về các phản ứng sau tiêm. Sau khi tiêm, bệnh nhân có phản ứng sốc và đã được BVĐK khu vực Tân Châu xử lý theo đúng phác đồ.

BVĐK khu vực Tân Châu đã kết nối hội chẩn trực tuyến với BVĐK tỉnh An Giang và BV Chợ Rẫy để kịp thời được tư vấn xử lý. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển về tới BVĐK tỉnh An Giang. Bộ Y tế đã chỉ đạo BV Chợ Rẫy cử các chuyên gia hồi sức tích cực đến BVĐK tỉnh An Giang để hỗ trợ cấp cứu. Song, bệnh nhân đã tử vong ngày 7/5/2021.

Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng quá mẫn cảm với non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Theo TS. bác sĩ Phạm Quang Thái- Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bất cứ vắc xin nào, không nói riêng vắc xin ngừa COVID-19 đều có những tỷ lệ phản ứng bất lợi. Điều này cũng đúng cho các loại thuốc, dược phẩm và thậm chí là thực phẩm. Điều này tùy thuộc vào cơ địa từng người. Tuy nhiên, những phản ứng bất lợi này ở tỷ lệ rất thấp và nếu được theo dõi, xử lý kịp thời là sẽ ổn. Không nên vì quá lo ngại mà bỏ qua một “vũ khí” lợi hại bảo vệ chúng ta trước dịch COVID-19.

Sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng ngừa các thể của COVID-19 đạt mức 50-70% và hiệu quả này vẫn giữ ở mức như vậy chứ không giảm ngay trong vòng 3 tháng sau tiêm liều 1.

Ở liều thứ 2, với nhiều khoảng cách tiêm khác nhau được ghi nhận đã cho thấy thời điểm tiêm tối ưu nhất ở khoảng cách 3 tháng sau mũi thứ nhất, và ở khoảng cách tiêm này, hiệu quả bảo vệ lên tới trên 80%.

Theo TS. bác sĩ Lê Quốc Hùng- Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, để tránh vấn đề bị phản ứng phản vệ khi chích vắc xin thì người chích ngừa phải hợp tác tốt với nhân viên y tế. Trước khi chích, tại khu vực sàng lọc, nhân viên y tế sẽ hỏi người đi chích có bị dị ứng với cái gì trước đó hay không, có bị bệnh đang điều trị hay không,... để giảm thiểu thấp nhất những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra.

Theo Bộ Y tế, tính đến sáng 10/5, cả nước có 851.500 người được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Phản ứng như sưng đỏ, sốt, mệt sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là những phản ứng thông thường. Trong số những người được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đợt 1 và 2, khoảng 16% gặp phản ứng phụ sau tiêm. Tỷ lệ này tương đương hoặc thấp hơn so với các nước khác cũng sử dụng vắc xin AstraZeneca.

16% có phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin COVID-19

Về công tác tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 tại Vĩnh Long, TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế- cho biết, từ khi triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 (từ ngày 20/4-8/5, toàn tỉnh có trên 8.740 người được tiêm. Trong đó có 574 trường hợp phản ứng sau tiêm, chiếm 15% (chủ yếu là đau sưng tại chỗ tiêm, buồn nôn, sốt nhẹ, đau đầu, chóng mặt, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, phát ban).

Tiêm vắc xin tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình.
Tiêm vắc xin tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết một trong những điểm khác với nhiều nước là Việt Nam tổ chức quy trình tiêm chủng rất chặt chẽ, rất cẩn thận, được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.

Theo đó, cơ sở tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm. Các bệnh viện, cơ sở y tế tổ chức các điểm tiêm luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho người được tiêm. Tiêu chuẩn hoãn tiêm và chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu, tiêm đến đâu chắc chắn đến đó. Chính vì thế, Bộ Y tế đã thành lập BCĐ an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, nhất là khối điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng. BCĐ tập huấn hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để đẩy lùi được dịch bệnh cần phải có sự chung sức của mỗi người dân với chính quyền địa phương các cấp, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Mỗi cá nhân phải tự lo cho mình, cũng là lo cho cả quốc gia. “Công thức phòng chống dịch bệnh phải chuyển từ thế phòng ngự là chính, sang kết hợp giữa phòng ngự và tấn công. Tấn công tức là tăng cường biện pháp kỹ thuật, thực hiện nghiêm các biện pháp 5K, cùng với đó là đẩy mạnh việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19”- Thủ tướng nói.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh