Chung cư nơi tôi ở có người mắc bệnh lao đang điều trị, vậy chúng tôi có bị lây bệnh không và phải phòng ngừa như thế nào?
(VLO) Chung cư nơi tôi ở có người mắc bệnh lao đang điều trị, vậy chúng tôi có bị lây bệnh không và phải phòng ngừa như thế nào?
Nguyễn Trần Văn Hải (Ngãi Tứ- Tam Bình)
Trả lời: Lao phổi có thể xảy ra với bất cứ ai. Tuy nhiên, các nhóm đối tượng sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn: Có tiếp xúc thường xuyên với người mắc bệnh lao (thân nhân, bác sĩ, y tá chăm sóc…); môi trường sống không sạch sẽ, điều kiện y tế kém; mắc bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch (HIV, ung thư…); có bệnh mạn tính đi kèm (đái tháo đường, suy thận…); nghiện thuốc lá, rượu bia, ma túy, các chất kích thích…; sử dụng thuốc gây ức chế miễn dịch (corticosteroid, hóa chất điều trị ung thư…).
Để phòng ngừa sự lây truyền của bệnh lao phổi nên áp dụng một số biện pháp sau:
Với người chưa bị bệnh: Tiêm BCG (vắc xin phòng bệnh lao) cho trẻ ngay tháng đầu sau sinh; sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người bệnh lao phổi; che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch sẽ nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nơi làm việc; khám sức khỏe định kỳ để nhanh chóng phát hiện bệnh lý và được điều trị kịp thời…
Với người bị bệnh: Tránh lây nhiễm cho người lành bằng cách không ngủ cùng phòng với người khác, không đến nơi đông người; người bệnh phải đeo khẩu trang khi ho, hắt hơi phải che miệng, khạc đàm vào chỗ quy định và đàm hoặc các vật chứa nguồn lây phải được xử lý đúng phương pháp; tận dụng ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt cho nơi ở và các vật dụng của người bệnh (dưới ánh nắng mặt trời vi khuẩn sẽ bị giết chết, còn trong môi trường ẩm thấp, thiếu ánh nắng vi khuẩn tồn tại rất lâu); thực hiện lối sống lành mạnh như ăn uống hợp lý, ngủ đầy đủ, tập thể dục đều đặn và không sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, thuốc lá…
BS PHAN GIA HOÀNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin