Cảnh báo bệnh tay chân miệng gia tăng

04:03, 16/03/2021

Thời tiết nắng nóng những tháng đầu năm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh phát triển, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Đáng chú ý là bệnh tay chân miệng (TCM) đang tăng cao và nguy cơ bùng phát thành dịch.

 

 

Để phòng ngừa bệnh TCM, cần cho trẻ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay bằng xà bông thường xuyên.
Để phòng ngừa bệnh TCM, cần cho trẻ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay bằng xà bông thường xuyên.

Thời tiết nắng nóng những tháng đầu năm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh phát triển, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Đáng chú ý là bệnh tay chân miệng (TCM) đang tăng cao và nguy cơ bùng phát thành dịch.

Bệnh TCM tăng, có biến chứng

Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận bệnh nhi 15 tháng tuổi, nặng 9kg, trú tại TP Bạc Liêu mắc TCM.

Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhi bị tay chân miệng đã 3 ngày. Ngày 1, 2, bệnh nhi sốt cao liên tục, nổi hồng ban mụn nước lòng bàn tay, chân ít. Ngày thứ 3, bệnh nhi còn sốt cao, ói, giật mình chới với, lơ mơ.

Người nhà đưa bệnh nhi nhập BV tỉnh Bạc Liêu trong tình trạng lơ mơ, tím tái, tay chân lạnh, da nổi bông, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4 ngày 3. Diễn tiến của bệnh nhi nặng, suy hô hấp tuần hoàn, được các bác sĩ xử trí đặt nội khí quản thở máy, chống sốc, dùng thuốc vận mạch.

Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn sốt cao liên tục, khó hạ nhịp tim trên 220 lần/phút, mặc dù đã được điều trị hạ sốt tích cực. Các bác sĩ đã hội chẩn khẩn và chuyển đến BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh hỗ trợ lọc máu liên tục.

Tại đây, bệnh nhi được tiếp tục thở máy, dùng thuốc vận mạch dobutamin, adrenalin, milrinone, truyền gammaglobuline, sau đó được hội chẩn ê kíp tiến hành lọc máu liên tục cho trẻ. Kết quả sau 2 ngày lọc máu, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, hết sốt, nhịp tim trở về bình thường và được cai máy thở sau đó. Hiện, bệnh nhi vẫn tiếp tục được theo dõi tại BV.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, tính đến hết tháng 2 toàn tỉnh ghi nhận hơn 294 trường hợp TCM, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Bệnh vẫn tập trung chủ yếu ở lứa tuổi mầm non với các biểu hiện sốt, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông và gối. Không chỉ gia tăng về số ca mắc, mà các trường hợp nặng có biến chứng chiếm tỷ lệ khá cao và diễn biến cũng khó lường.  

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thị Thu Hương- Trưởng Khoa Nhi (BVĐK tỉnh Vĩnh Long)- cho biết: “Tình trạng trẻ bị TCM đến nhập viện tại Khoa Nhi tăng. Trẻ đến có tần suất bệnh nặng là độ 1 và 2A, song có những trẻ đến trong tình trạng bệnh nặng, có biến chứng như sốt co giật, hôn mê hoặc trẻ có nhịp tim nhanh, phù phổi cấp”.

Có con đang điều trị TCM tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh, chị Trịnh Hồng Trúc cho biết: “Bé bị sốt, nổi mẩn đỏ, bị run chân. Tôi cho khám bác sĩ tư uống 2 ngày không bớt mới đưa con vô bệnh viện và nhập viện luôn. Nằm điều trị mấy bữa bé bớt nhiều”.

Không chủ quan và tích cực phòng bệnh TCM

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thị Thu Hương, bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Bệnh xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường tiêu hóa, nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà bông sát khuẩn thường xuyên.

Nhà trường thực hiện thêm nhiều biện pháp như giữ vệ sinh cho các bé, vệ sinh lớp bằng cloramin B, phun thuốc sát khuẩn tổng vệ sinh môi trường.
Nhà trường thực hiện thêm nhiều biện pháp như giữ vệ sinh cho các bé, vệ sinh lớp bằng cloramin B, phun thuốc sát khuẩn tổng vệ sinh môi trường.

Bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. “Ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não- màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời”- bác sĩ Thu Hương lưu ý.

TCM không còn là bệnh mới, trẻ có thể tự khỏi nếu ở thể nhẹ, tuy nhiên cũng rất dễ dẫn đến biến chứng. Phụ huynh cần vệ sinh tay chân thường xuyên bằng nước, xà bông, không chỉ có trẻ mà cả người lớn trong nhà; khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ. Nếu thấy trẻ nổi các nốt ở tay, chân, miệng, phụ huynh cần theo dõi sát, khi thấy bất thường nên đưa trẻ đi khám để được chỉ định điều trị phù hợp

Theo BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, nếu phát hiện sớm trẻ có các biểu hiện như thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, co giật, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, da nổi bông hoặc xanh tái, sốc... cần cách ly với các trẻ khác, nhanh chóng đưa trẻ nhập viện tránh bệnh trở nặng, có thể biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh