Bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng

06:03, 05/03/2021

Theo Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, bắt đầu từ 3/3/2021, nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ bắt đầu xảy ra nắng nóng. Thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người.

 

Người già có bệnh mãn tính cần tránh ra ngoài nắng, tránh để bị sốc nhiệt. Trong ảnh: Bệnh nhân lớn tuổi điều trị đột quỵ tại Khoa Nội tim mạch- Lão khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Người già có bệnh mãn tính cần tránh ra ngoài nắng, tránh để bị sốc nhiệt. Trong ảnh: Bệnh nhân lớn tuổi điều trị đột quỵ tại Khoa Nội tim mạch- Lão khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

(VLO) Theo Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, bắt đầu từ 3/3/2021, nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ bắt đầu xảy ra nắng nóng. Thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người.

Nắng nóng gây bức xạ nguy hiểm

Những ngày đầu tháng 3, tình trạng nắng cho khu vực Nam Bộ vẫn còn hoạt động mạnh nên người dân ở các tỉnh ở Nam Bộ sẽ cảm thấy oi bức, khó chịu.

Nhiệt độ cao nhất có khi tới 35, 36 độ C. Chưa kể các hoạt động từ giao thông, máy lạnh từ các tòa nhà, hơi nắng phả lên từ mặt đường nên khi đi ngoài đường, nhiệt độ thực tế cảm nhận được sẽ cao hơn.

Chị Lê Loan Trúc (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: “Sau nghỉ tết, thời tiết còn dễ chịu thì cả tuần nay nóng hầm hập, bứt rứt khó chịu. Con bé đi mẫu giáo không chịu mặc áo khoác vì nực. Trưa đi làm về, dù đeo 2 lớp khẩu trang, áo khoác, găng tay, vớ chân, kính râm đầy đủ nhưng tôi vẫn cảm giác nóng rất khó chịu”.

Còn em Trần Khánh Ngân (nhân viên giao hàng) thì thở dài: “Nắng nóng em thủ sẵn mấy chai nước lọc để uống khi đi giao hàng. Vậy mà vẫn khát, phải nạp thêm nước mía, nước cam hay xin nước lạnh trong bình nóng lạnh của cơ quan uống thêm mới đã khát”.

Theo Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, cụ thể, từ ngày 3- 7/3, các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long xảy ra nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 34- 36 độ C.

Ẩm độ tương đối thấp nhất từ 45- 55%. Thời gian nắng nóng nhất trong ngày là từ 11 giờ đến 16 giờ. Riêng TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ nắng nóng cũng tiếp tục diễn ra tới ngày 7/3 với nhiệt độ cao nhất từ 34- 36 độ C, có nơi lên đến 35- 37 độ C.

Nắng nóng kèm theo chỉ số tia cực tím cực đại ở mức nguy cơ gây hại cao đến rất cao. Người dân khi ra đường cần che chắn, tránh tiếp xúc lâu dưới ánh nắng.

Nắng nóng còn đi kèm với độ ẩm thấp khiến cho cơ thể mất nước, mất sức nhanh khi hoạt động ngoài trời trong thời gian dài. Do đó, để bảo vệ sức khỏe, người dân chú ý uống nước thường xuyên và mang theo áo khoác, dù để che chắn khi rời khỏi nhà.

Bảo vệ sức khỏe khi thời tiết nắng nóng

Nắng nóng vẫn còn tiếp diễn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và cuộc sống của người dân. Việc triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó, phòng ngừa sẽ giảm thiểu sự tác động do nắng nóng, oi bức gây ra vào thời điểm này.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, những ngày này lượng bệnh nhân đến khám rất đông. Chủ yếu là trẻ mắc các chứng bệnh liên quan đến thời tiết như sốt, viêm hô hấp, tiêu chảy,…

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thị Thu Hương- Trưởng Khoa Nhi, phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, thường xuyên rửa tay cho con; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế ra nắng khi không cần thiết.

Đồng thời, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng và tích cực tiêm phòng đầy đủ tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc xin sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất.

Khi thời tiết có những biến đổi thất thường, đặc biệt nắng nóng kéo dài như hiện nay, không chỉ trẻ em mà cả người lớn đều mắc bệnh. Do đó, đòi hỏi người dân cần chú trọng các biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe.

Khoa Nội tim mạch- Lão khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long là một trong các khoa đông bệnh nhân và nhiều bệnh phức tạp nhất bệnh viện.

Các bệnh chủ yếu là tim mạch và chiếm đông ở người già. Do thời tiết nắng nóng, bệnh viện tiếp nhận, điều trị nhiều trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu cấp trong “giờ vàng” bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Bà N.T.B. (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) nhập viện trong tình trạng đột quỵ, nghẽn mạch máu não. Nguyên nhân được chỉ ra đối với trường hợp này là do có tiền sử bị bệnh cao huyết áp nhưng không được kiểm soát tốt. Sau khi làm vườn, do thời tiết nóng bà tắm ngay và có thói quen nằm ngủ dưới sàn nhà cho mát. Việc thay đổi thời tiết đột ngột đã khiến bà bị đột quỵ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Kim Phương- Trưởng Khoa Nội tim mạch- Lão khoa khuyến cáo, ngày nóng thời tiết oi bức, người già, cần biết cách bảo vệ sức khỏe một cách khoa học để tránh các tai biến. Người già có bệnh mãn tính cần tránh ra ngoài nắng, tránh để bị sốc nhiệt.

Với những người mắc bệnh mãn tính, người nhà cần nhắc nhở duy trì việc uống thuốc đều đặn, đúng giờ để tránh các tai biến dễ phát sinh. Trời nóng thường khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi dẫn đến mất nước, mất khoáng; vì vậy, người lớn tuổi cần được bổ sung đủ nước thường xuyên, thậm chí cả lúc không khát.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Kim Phương, khi thấy người bệnh xảy ra tình huống đột quỵ: đổ mồ hôi nhiều, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh; rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt một nửa cơ thể, liệt một tay, một chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường hoặc nôn mửa, hoa mắt, ngất lịm, trụy mạch… thậm chí li bì, mê sảng, hôn mê, người nhà cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt (trước 4,5 giờ đầu) để các bác sĩ cấp cứu kịp thời và chỉ định các biện pháp cấp cứu nhanh nhất tránh nguy cơ tử vong. Đồng thời giúp bệnh nhân được chăm sóc, phục hồi tốt nhất mà không để lại biến chứng.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh