Trẻ suy dinh dưỡng cần có chế độ chăm sóc hợp lý

08:02, 26/02/2021

Tôi có con nhỏ và thường cho ăn đầy đủ các loại thịt, cá, rau củ nhưng bé vẫn suy dinh dưỡng, không tăng cân. Tôi cần làm gì để cải thiện cân nặng của bé?

Tôi có con nhỏ và thường cho ăn đầy đủ các loại thịt, cá, rau củ nhưng bé vẫn suy dinh dưỡng, không tăng cân. Tôi cần làm gì để cải thiện cân nặng của bé?

Nguyễn Thị Trâm Anh

(Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân)

Trả lời:

Trước đây, trẻ bị suy dinh dưỡng thường do thiếu ăn. Hiện nay, phần lớn trẻ suy dinh dưỡng do cha mẹ chủ quan trong cách nuôi và chăm sóc. Đặc biệt, người lần đầu làm mẹ khi nuôi con thường gặp những sai lầm sau: không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, ăn dặm sớm trước 6 tháng, trẻ ăn không đủ lượng thực phẩm, chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi, thực phẩm đơn điệu, ăn không đủ số bữa chính và bữa phụ trong ngày, pha sữa với nước cháo, nước cơm hoặc pha không đúng với hướng dẫn của nhà sản xuất, ép trẻ ăn đủ khẩu phần bằng mọi cách gây ra tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ, dinh dưỡng khi trẻ bệnh và chọn lựa thực phẩm cho trẻ chưa đúng, cho trẻ học quá nhiều dẫn đến không có thời gian bố trí hợp lý các bữa ăn.

Vì thế, cần có chế độ chăm sóc trẻ hợp lý, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng, không ăn uống thêm bất kỳ thức ăn, đồ uống nào, kể cả nước lọc. Sau đó, số bữa ăn và chế độ ăn cũng phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Cụ thể, khi trẻ tròn 6 tháng: Bú mẹ nhiều lần, ăn dặm mỗi ngày một bữa bột loãng sệt. Từ 8-9 tháng: Bú mẹ nhiều lần, ăn từ 1-2 bữa bột sệt đủ 4 nhóm thực phẩm, ăn thêm trái cây.

Từ 10-12 tháng: Bú mẹ ít nhất 3- 4 lần/ngày, ăn 2-3 chén bột đặc hoặc cháo đặc có đủ 4 nhóm thực phẩm, trái cây tươi. Từ 1-2 tuổi: Sữa mẹ vẫn có thể cung cấp khoảng 20% nhu cầu dưỡng chất cho trẻ, ăn 3- 4 chén cháo đặc đủ 4 nhóm thực phẩm, trái cây tươi, các thức ăn khác như sữa chua, phô mai… Trẻ trên 2 tuổi: Ăn 3 bữa chính cùng gia đình, khuyến khích uống thêm 500-750ml sữa mỗi ngày và ăn thêm trái cây tươi.

Để trẻ khỏe mạnh nên cho ăn đa dạng và đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, béo, đạm, rau và trái cây). Chọn thực phẩm tươi, hạn chế đồ chế biến sẵn, đóng hộp, hâm lại nhiều lần. Không pha sữa với nước hầm xương, nước cơm… và tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn. Điều trị đúng các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy, xổ giun định kỳ cho trẻ trên 2 tuổi. Theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ hàng tháng và tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.

BS PHAN GIA HOÀNG

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh