Tại cuộc họp giao ban trực tuyến phòng chống dịch COVID-19, sáng 19/2/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long- Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đợt dịch ở Hải Dương lây lan nhanh nhất tính từ đầu năm 2020 đến nay; tinh thần chung của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là phải đảm bảo vắc xin cho người dân, làm sao để mỗi người dân đều có thể tiếp cận vắc xin.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện tại các địa phương cần chủ động xét nghiệm sàng lọc, tuyệt đối không chủ quan. |
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến phòng chống dịch COVID-19, sáng 19/2/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long- Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đợt dịch ở Hải Dương lây lan nhanh nhất tính từ đầu năm 2020 đến nay; tinh thần chung của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là phải đảm bảo vắc xin cho người dân, làm sao để mỗi người dân đều có thể tiếp cận vắc xin.
Chuẩn bị mọi kịch bản khi dịch bùng phát
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay quan điểm của ngành trong quý I/2021 là coi công tác phòng chống dịch là trọng tâm. Đây là ưu tiên cấp bách cũng như lâu dài. Ông nhận định: “Dịch COVID-19 được dự đoán không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm cũng như hết năm 2021”.
Do đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã yêu cầu, người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm công tác phòng chống dịch bệnh và trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần xác định phòng chống dịch lâu dài, các địa phương không được chủ quan lơ là, cần triệt để phương châm “4 tại chỗ”, là phương châm chống dịch đã quán triệt từ năm 2020 đến nay.
Thời gian qua, chúng ta có một cái tết an lành với toàn bộ người dân trong cả nước, nhưng một số địa phương phải căng mình chống dịch. Với đợt dịch COVID-19 lần thứ 3 này, các chuyên gia nhận định là đợt dịch tương đối phức tạp vì biến chủng của SARS-CoV-2 tại Anh có tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng cũ.
Vì vậy, trong thời gian ngắn, Việt Nam phát hiện nhiều ca bệnh, đặc biệt là ổ dịch xảy ra trong khu công nghiệp. “Đến nay, Hải Dương ghi nhận đến 575 ca mắc, vượt con số của ổ dịch tại Đà Nẵng với 389 ca. Số ca mắc trung bình trong ngày của Hải Dương bao giờ cũng cao hơn, chứng tỏ tốc độ lây lan của chủng này mạnh hơn, nhanh hơn. Do đó, đề nghị Hải Dương tới đây tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt với khu vực TP Chí Linh”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.
Ông Đặng Quang Tấn- Cục trưởng Y tế Dự phòng- cho hay đến nay các ổ dịch lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh cơ bản đã được kiểm soát. Các ổ dịch khác như Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Gia Lai không ghi nhận ca mắc trong vòng từ 7-20 ngày qua. Song, tình hình dịch tại Hải Dương vẫn còn phức tạp, có khả năng tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc trong thời gian tới.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng 755, trong hơn 20 ngày qua. Hải Dương ghi nhận 575 ca và là ổ dịch lớn nhất cả nước. Ngoài ra, dịch đang xuất hiện ở 12 tỉnh- thành, gồm Quảng Ninh (60), TP Hồ Chí Minh (36), Hà Nội (35), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3), Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang mỗi nơi 2 ca, Hải Phòng, Hà Giang mỗi nơi 1 ca. |
Chuẩn bị phương án cách ly, xét nghiệm số lượng lớn
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhắc nhở các địa phương không được chủ quan, lơ là, không được nghĩ rằng dịch không xảy ra ở địa bàn của mình. Thực tế, dịch có thể xảy ra bất cứ nơi nào, địa điểm nào. Gia Lai là địa phương tưởng chừng không có ca bệnh nhưng vẫn xảy ra. Một số tỉnh- thành khác cũng tương tự.
“Vì vậy trong tư tưởng, kế hoạch chúng ta luôn xác định dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào, như vậy mới không luống cuống và chủ động đối phó khi có dịch”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhận định “xét nghiệm là mấu chốt để kiểm soát dịch”, ông đề nghị tất cả các địa phương cũng cần có phương án xét nghiệm, lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng nên phải tập huấn nhân lực lấy mẫu, xét nghiệm và sẵn sàng trang thiết bị phòng tình huống dịch bùng phát. Các bệnh viện tại các địa phương cần chủ động xét nghiệm sàng lọc, tuyệt đối không chủ quan. Các tỉnh- thành chưa có dịch cũng phải liên tục sàng lọc, nhằm phát hiện sớm các ca nhiễm sẽ giúp dập dịch nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Công tác phòng chống dịch luôn được tỉnh Vĩnh Long thực hiện nghiêm. |
“Nếu xét nghiệm chậm, chúng ta chỉ đuổi theo dịch chứ không phải chặn dịch. Trong khi đó, dịch lần này rất nhanh, càng đuổi theo nó chúng ta càng đuối”- Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương cần chuẩn bị tất cả kịch bản khi bùng phát dịch. Đầu tiên là phải chuẩn bị kịch bản về cách ly, giãn cách. Cụ thể, nếu số lượng F1 phải cách ly ít thì như thế nào, nhiều thì như thế nào, trong thời điểm cách ly đột ngột rất đông người thì ứng xử ra sao nếu không sẽ luống cuống, phải chuẩn bị tất cả các cơ sở có thể thực hiện được cách ly. Quan điểm của BCĐ Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế là phải kiên quyết cách ly triệt để, an toàn F1 để tránh lây nhiễm trong
cộng đồng.
“Vì thế, đề nghị các địa phương kiểm tra toàn tỉnh những cơ sở nào có thể sử dụng để cách ly, kịch bản cách ly ở khu vực đó về giám sát, điều hành, cung cấp nhu yếu phẩm, theo dõi sức khỏe... Đặc biệt, trong cách ly làm sao phối hợp chặt chẽ với bên quân đội, để lực lượng quân đội điều hành toàn bộ cơ sở cách ly. Trên thực tế tại các khu cách ly dân sự vẫn xảy ra việc thực hiện chưa nghiêm nên việc lây nhiễm chéo có thể xảy ra trong khu vực này”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Có ít nhất 60 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong năm 2021 Việt Nam đã đàm phán được 60 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y tế sẽ cố gắng để người dân tiếp cận được vắc xin đầy đủ. Bộ trưởng thông tin trong năm 2021 để đảm bảo tiêm đủ cho người dân, Việt Nam cần 150 triệu liều. Bộ Y tế đàm phán với chương trình COVAX facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021, chủ yếu dành cho 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, Công ty AstraZeneca cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều. “Như vậy, tổng số chúng ta có 60 triệu liều vắc xin trong năm 2021. Bộ đang tích cực đàm phán với các công ty khác, một số nước khác để có thêm vắc xin. Tinh thần chung là thực hiện quyết liệt theo chỉ đạo để đảm bảo vắc xin cho người dân, để đảm bảo hiệu quả trong phòng chống dịch”- Bộ trưởng nhấn mạnh. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin