Đột quỵ do uống rượu bia quá nhiều dịp tết

11:02, 19/02/2021

TS.BS Trần Chí Cường- Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP Hồ Chí Minh kiêm Giám đốc chuyên môn Bệnh viện (BV) Đột quỵ- Tim mạch Cần Thơ cho biết, dịp tết, số lượng bệnh nhân (BN) vào cấp cứu do đột quỵ ở BV đều tăng. Có rất nhiều gia đình mất tết vì chủ quan với việc phòng tránh đột quỵ.

 

TS. BS Trần Chí Cường nói về tính nguy hiểm của đột quỵ.
TS. BS Trần Chí Cường nói về tính nguy hiểm của đột quỵ.

TS.BS Trần Chí Cường- Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP Hồ Chí Minh kiêm Giám đốc chuyên môn Bệnh viện (BV) Đột quỵ- Tim mạch Cần Thơ cho biết, dịp tết, số lượng bệnh nhân (BN) vào cấp cứu do đột quỵ ở BV đều tăng. Có rất nhiều gia đình mất tết vì chủ quan với việc phòng tránh đột quỵ.

Nhiều gia đình mất tết… vì người thân đột quỵ

Theo TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc BV Đột quỵ- Tim mạch Cần Thơ: BN đột quỵ dịp tết tăng gấp đôi ngày thường, không ít người tử vong. Trung bình mỗi ngày tại phòng cấp cứu, BV tiếp nhận từ 10 đến 15 ca đột quỵ nhưng dịp tết số ca bệnh đang có sự gia tăng nhanh. Hiện mỗi ngày, BV tiếp nhận cấp cứu 20- 30 ca đột quỵ.

“Điều đáng lo ngại, phần lớn trường hợp bị đột quỵ là nam giới ở độ tuổi trung niên liên quan đến yếu tố uống rượu bia quá nhiều trong những ngày cuối năm. Có trường hợp đột quỵ ngã gục tại bàn tiệc và đáng tiếc có những ca tử vong do đến BV cấp cứu trễ”- TS.BS Trần Chí Cường nói.

Như BN C.T.H. (SN 1955) nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Khai thác thông tin bệnh sử của BS từ phía người nhà cho thấy, BN là người có sức khỏe khá tốt, đang khỏe mạnh sinh hoạt bình thường. Trong buổi tiệc tất niên với người thân, ông đang ngồi uống rượu thì đột ngột nôn ói, sau đó hôn mê.

Tại BV, sau khi chụp CT, các bác sĩ ghi nhận BN bị xuất huyết não lan tỏa gần như toàn bộ bán cầu não trái. Tình trạng bệnh quá nặng, các bác sĩ đã không thể cứu chữa, gia đình đã đưa BN về lo hậu sự. Cái chết đột ngột của ông đã để lại sự bàng hoàng cho người thân.

Một trường hợp khác là anh N.V.N. (SN 1975) là nhân viên văn phòng, những ngày cuối năm, anh tham dự nhiều buổi tiệc tất niên uống khá nhiều rượu bia. Sáng 8/2, anh cảm thấy mệt rồi rơi vào hôn mê, được người nhà đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong vì xuất huyết cầu não lượng nhiều.

Đột quỵ do uống rượu bia quá nhiều

Theo TS.BS Trần Chí Cường, phần lớn trường hợp bị đột quỵ là nam giới ở độ tuổi trung niên liên quan đến yếu tố nguy cơ là uống rượu bia. Theo đó, lạm dụng rượu bia sẽ gây ra tình trạng ngộ độc cấp tính cho cơ thể. Nồng độ cồn trong rượu bia sẽ ngấm trực tiếp vào máu, đi tới mọi ngóc ngách trong cơ thể.

Khi uống quá nhiều rượu bia với những người có tiền sử cao huyết áp đẩy huyết áp tăng lên. Nguy hiểm hơn khi rượu bia ngấm vào máu sẽ làm tăng thể tích tuần hoàn gây loãng máu. Sự kết hợp giữa loãng máu và tăng huyết áp sẽ khiến cho những vi mạch trên não có thể bị vỡ, tình trạng loãng máu sẽ khiến xuất huyết não trở nên trầm trọng hơn.

Ngoài ra, những người uống rượu bia khi nôn ói sẽ gây tăng áp lực nội sọ. Trên BN cao huyết áp, có dị dạng mạch máu, khi áp lực nội sọ tăng sẽ khiến vi mạch trong não và vị trí dị dạng bị vỡ. Song, tình trạng đột quỵ trên những người đã sử dụng bia rượu quá chén thường rất dễ nhầm lẫn với các biểu hiện say xỉn, tình trạng đột quỵ dễ bị bỏ qua, mất thời gian vàng trong cấp cứu.

Để nhận biết biểu hiện đột quỵ TS.BS Trần Chí Cường chia sẻ: “Các biểu hiện của đột quỵ và say xỉn có sự khác nhau. Người say xỉn thường nôn ói, ngủ thiếp đi nhưng khi lay gọi thì vẫn còn ý thức vẫn cử động được tay chân. Với người đột quỵ thường sẽ bị đột ngột mất ý thức, gục ngay trên bàn nhậu, ngất xỉu, mất ý thức hoặc yếu liệt tay chân… người thân cần nghĩ ngay đến tình trạng đột quỵ để kịp thời đưa BN đi cấp cứu”.

Ngoài ra, BN say xỉn bị đột quỵ thường rơi vào nguy hiểm hơn, khi nôn ói sẽ hít sặc vào phổi gây viêm phổi và nguy cơ tử vong cao hơn.

Mối nguy sức khỏe do lạm dụng rượu bia

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, ngoài những tác hại dễ nhận thấy sau khi uống rượu bia như: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi... uống nhiều rượu bia còn ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, có thể dẫn đến viêm tụy, viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan, tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản, ung thư đại tràng. Nhiều trường hợp nghiện rượu lâu năm còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh gout, đột quỵ, giảm sút trí nhớ... ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mối quan hệ gia đình.

Do đó, hạn chế và điều chỉnh thói quen uống rượu, bia là biện pháp tốt nhất để phòng các bệnh nói trên.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh