Chương trình "Còn tình yêu ở lại" do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2021) thay lời tri ân, tôn vinh sự cống hiến của các giáo sư, bác sỹ, nhân viên y tế đối với nền Y học Việt Nam sẽ phát sóng trực tiếp trên kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam, vào lúc 21 giờ ngày 26/2.
Chương trình "Còn tình yêu ở lại" do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2021) thay lời tri ân, tôn vinh sự cống hiến của các giáo sư, bác sỹ, nhân viên y tế đối với nền Y học Việt Nam sẽ phát sóng trực tiếp trên kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam, vào lúc 21 giờ ngày 26/2.
Các bác sỹ Bệnh viện dã chiến số 2 (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) làm việc tại khu vực cách ly đặc biệt. Ảnh minh họa: TTXVN phát |
Tinh thông y thuật, tận tụy cứu người…, chiếc áo blouse trắng đã trở thành hình tượng cao đẹp của những bác sỹ, nhân viên y tế. Cao hơn cả các kiến thức học thuật, vượt qua những hỉ nộ ái ố của cuộc sống đời thường, nhiều người trong số họ còn là tấm gương về sự hy sinh lặng thầm và bền bỉ, là minh chứng của sự xả thân và tình yêu thương, vượt qua mọi lực cản để cứu chữa bệnh nhân, mang đến sự sống và chất lượng sống cho những người tưởng chừng như đã tuyệt vọng vì bệnh tật… Chương trình "Còn tình yêu ở lại" đóng góp thêm một góc nhìn cận cảnh về ngành y tế, cũng như những con người đã, đang cống hiến; những người chấp nhận hy sinh hạnh phúc gia đình, quyền lợi cá nhân, thậm chí là cả tính mạng vì sức khỏe của đồng bào.
Đây cũng là dịp để mỗi người nhìn lại những thành tựu, nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành y học nước nhà trong suốt những thập kỷ qua. Đặc biệt, câu chuyện về cuộc đời của Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Tài Thu sẽ mang đến cho khán giả một góc nhìn chân thực, xúc động về y đức và tình yêu thương của những người làm nghề y. Cuộc đời của vị thầy thuốc đáng kính ấy hiện hữu qua từng vật dụng cá nhân giản dị như ly cà phê, giá sách… hay một thói quen hàng ngày. Tất cả tinh hoa sự nghiệp của ông, có lẽ được gói gọn trong hai chữ "Nhân ái" - Hạ châm xuống là gieo mầm yêu thương, tín nhiệm; nhấc châm lên là đuổi bệnh, xua đau… Đọc nhiều, thực hành nhiều cũng chỉ vì một tâm nguyện giản dị: Bệnh nhân bớt đau, bệnh tình chóng khỏi. Suốt một đời miệt mài với những chiếc kim châm, những đường kinh mạch để giải phóng các bệnh nhân khỏi nỗi đau, nỗi sợ, sự tuyệt vọng…, cho đến khi sức khỏe sút giảm, ông vẫn tiếp tục bồi dưỡng các học trò để nối dài mạch nguồn cho ngành Châm cứu Việt Nam.
Từ câu chuyện của Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Tài Thu - một đời thầy thuốc thương người, mạch chương trình mở ra với lời chia sẻ của Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội: "Sự nghiệp của ngành y chính là sự nghiệp của lòng nhân ái". Dù điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, dù nhân lực còn hạn chế, nhưng hành trình đầy thách thức mà ngành y học Việt Nam đã trải qua cùng những thành tựu đạt được chính là một phần “quả ngọt” của tinh thần "lấy nhân ái làm đầu".
"Còn tình yêu ở lại" còn có sự góp mặt của các vị khách mời như Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương; Tiến sỹ, Bác sỹ Thầy thuốc ưu tú Trần Phương Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương; Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Thành Văn; nhà văn Diệu Ân; nhà báo Đinh Đức Hoàng…
Theo TTXVN/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin