Không có tiền sử bệnh lý, người đàn ông 39 tuổi bất ngờ bị đột quỵ não

10:01, 13/01/2021

Nam bệnh nhân 39 tuổi được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, chảy máu não ồ ạt và đã tử vong sau đó do đột quỵ não.

 

Bệnh nhân cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai chiều 12/1
Bệnh nhân cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai chiều 12/1

Nam bệnh nhân 39 tuổi được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, chảy máu não ồ ạt và đã tử vong sau đó do đột quỵ não.

Tiến sĩ - bác sĩ Đào Việt Phương, Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết tại đây vừa tiếp nhận cấp cứu cho một nam bệnh nhân 39 tuổi quê ở Hưng Yên bị đột quỵ, xuất huyết não rất nặng và đã tử vong. Trước đó, bệnh nhân này không có tiền sử gì đặc biệt.

Theo gia đình bệnh nhân, khoảng 11 giờ, bệnh nhân xuất hiện mất ý thức nên gia đình vội vàng đưa anh đến bệnh gần nhà cấp cứu và được chuyển tiếp đến Bệnh viện Bạch Mai. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê sâu, glasgow 3 điểm (thang điểm hôn mê), huyết áp rất cao, lên tới 230/130. Kết quả chụp CT não cho thấy bệnh nhân bị chảy máu não lớn. 

Dù được cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng, tiên lượng khó qua khỏi. Chỉ 8 tiếng sau khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ, gia đình phải xin cho bệnh nhân về. Bệnh nhân tử vong sau đó.

Theo bác sĩ Phương, đây chỉ là một trong số rất ít những người trẻ bị đột quỵ được chuyển đến Trung tâm. Ước tính, trung bình mỗi ngày Trung tâm đột quỵ cấp cứu khoảng 35 bệnh nhân đột quỵ. Trong số hơn 2.000 bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong 2 tháng qua thì có khoảng 10% là người trẻ dưới 44 tuổi, thậm chí có trường hợp chỉ mới 14 tuổi. 

"Với nam bệnh nhân 39 tuổi nói trên, chúng ta có thể hình dung tình trạng chảy máu não của não của bệnh nhân giống như vỡ đê, bác sĩ không thể làm được gì, nếu rò rỉ nhỏ có thể can thiệp. Ngoài ra, với tình trạng huyết áp quá cao sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, phù phổi cấp… Những biến chứng này ảnh hưởng nặng nề đến người bệnh, gây tàn phế hoặc tử vong"- bác sĩ Phương nói.

Thống kê cho thấy có khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ là người trẻ và con số này có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều đáng nói, phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng. Nguyên nhân của việc đến viện muộn là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi.

Yếu tố hàng đầu gây nên đột quỵ não ở người trẻ tuổi là do có các bất thường mạch máu não (dị dạng mạch máu não, túi phình mạch máu não…). Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác như thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì, giảm vận động, làm việc căng thẳng, chế độ ăn không phù hợp, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, uống rượu bia… cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ xơ vữa thành mạch, từ đó dẫn đến đột quỵ.

Các bác sĩ cũng đặc biệt lưu ý, với bệnh đột quỵ, thời gian là vàng. Bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm cơ hội phục càng cao, tỉ lệ để lại biến chứng thấp đi. Tại các bệnh viện tuyến tỉnh và nhiều bệnh viện tuyến huyện trên cả nước, bác sĩ đã được đào tạo về cấp xử và xử trí bệnh nhân đột quỵ. Do đó, khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ, cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Theo NLĐO

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh