Ngày Tết, nhiều hiệu thuốc đóng cửa. Chúng ta nên chuẩn bị sẵn trong gia đình những loại thuốc gì?
Ngày Tết, nhiều hiệu thuốc đóng cửa. Chúng ta nên chuẩn bị sẵn trong gia đình những loại thuốc gì?
Tết đến, người người, nhà nhà vui tươi, háo hức đón năm mới, đón kì nghỉ dài nhất trong năm. Đây cũng là dịp hầu hết các cửa hàng trong đó có các hiệu thuốc ở khu vực dân cư đóng cửa. Và thật khó khăn để tìm thuốc nếu không may nhà có trẻ nhỏ, mắc những chứng bệnh thông thường như sốt, ho, chảy mũi, tiêu chảy… hoặc cần sơ cứu, cầm máu…
Vậy, chúng ta cần chuẩn bị những gì trong tủ thuốc gia đình?
Nhiệt kế và thuốc hạ sốt
Ở trẻ em, sốt là triệu chứng lâm sàng thường gặp, là phản ứng bình thường của cơ thể trước một nhiễm khuẩn (virus, vi khuẩn), giúp chống lại sự nhiễm trùng bằng cách khởi động hệ miễn dịch.
Nhiệt kế có công dụng xác định chính xác tình trạng sốt của trẻ em và người lớn bằng cách đo thân nhiệt. Từ đó, có thể dùng thuốc hạ sốt cho đúng.
Thuốc hạ sốt: Nên lưu trữ cả dạng uống và dạng đặt hậu môn, nếu gia đình có trẻ nhỏ. Dùng thuốc hạ sốt cho bé khi nhiệt độ đo tại nách từ 38,5 độ và tại hậu môn từ 39,0 độ.
Cha mẹ chú ý sử dụng chế phẩm chứa hoạt chất paracetamol với dạng bào chế phù hợp với từng độ tuổi của trẻ, theo liều khuyến cáo là 10-15mg/kg/ lần, các lần cách nhau từ 4-6 giờ. Thuốc hạ sốt dạng đặt hậu môn chỉ nên để dùng khi trẻ khó uống, nôn nhiều. Paracetamol có thể dùng cho trẻ từ giai đoạn sơ sinh, liều lượng chỉnh theo cân nặng của trẻ.
Nước muối sinh lý
Có thể sử dụng nước muối sinh lý loại dành riêng cho mắt để nhỏ mắt, rửa trôi bụi bẩn, các dị vật thông thường ở mắt hoặc nhỏ mũi. Với trẻ em, trong trường hợp nôn hoặc sặc lên mũi, có thể nhỏ mũi rồi giữ chặt miệng để trẻ hít vào.
Thuốc nhỏ mũi co mạch, chống sung huyết niêm mạc mũi
Sử dụng trong trường hợp trong nhà có người bị ngạt tắc mũi. Lưu ý: trẻ em sử dụng nồng độ 0,05%, người lớn nồng độ 0,1%.
Dung dịch bù nước, bù điện giải oresol
Dung dịch oresol có tác dụng bù nước và điện giải khi có người bị tiêu chảy, nôn hoặc sốt nhiều, giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước.
Trong trường hợp trẻ em, mặc dù đã bù oresol đường uống đúng cách nhưng vẫn nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước (mệt mỏi, khát, tiểu ít…), cần đưa trẻ đi khám để được điều trị phù hợp, kịp thời.
Thuốc rối loạn tiêu hóa
Trong những ngày Tết, việc ăn uống không điều độ, khó kiểm soát chất lượng thực phẩm, nhất là những thực phẩm chế biến sẵn; bạn dễ bị đầy hơi, đau bụng, đi ngoài lỏng... Nên lưu trữ tạm thời các loại men tiêu hóa, thuốc chống đầy hơi…
Nếu kèm theo đi ngoài lỏng là sốt hoặc đi ngoài lỏng trên 10 lần/ngày, nhất thiết phải đến bệnh viện.
Nước súc họng, nước rửa tay khô
Trong thời điểm hiện tại, khi chúng ta đang phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn… và để phòng chống đại dịch Covid 19, các biện pháp vệ sinh mũi họng và vệ sinh bàn tay rất quan trọng. Cần thường xuyên súc miệng, họng và rửa tay sau mỗi khi đi ra ngoài, trở về nhà.
Bông, băng gạc, thuốc sát trùng...
Nên có sẵn trong nhà bông băng, cồn 70 độ, dung dịch betadine 10%... để dùng sơ cứu, cầm máu tại chỗ trước khi đưa tới cơ sở y tế khi bé lỡ bị xây xước, chảy máu lúc đùa nghịch.
Lời khuyên của bác sĩ
Việc chuẩn bị tủ thuốc gia đình là vô cùng cần thiết, nhưng quan trọng hơn là cần trang bị kiến thức để có thể chăm sóc và xử trí đúng cách các vấn đề sức khỏe của người lớn và trẻ. Khi thấy việc xử trí tại nhà không hiệu quả thì cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn cụ thể./.
PGS TS BS Phạm Thị Bích Đào
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin