Việt Nam hướng đến mục tiêu chấm dứt cơ bản dịch AIDS vào năm 2030

08:12, 01/12/2020

Ngày 1/12/2020, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 30 năm phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam và mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12). Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại hội nghị.

Ngày 1/12/2020, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 30 năm phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam và mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12). Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại hội nghị.

Theo Bộ Y tế, dịch HIV/AIDS vẫn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Ở Việt Nam, kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến nay, nước ta đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS.

Trong 30 năm qua, công tác chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm, coi trọng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí, đó là: giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.

Nếu thời điểm cách đây 13 năm, mỗi năm chúng ta phát hiện được khoảng hơn 30.000 trường hợp nhiễm HIV thì hiện nay chỉ có khoảng 10.000 trường hợp.

Cũng những năm đó, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS thì vài năm trở lại đây mỗi năm chỉ có khoảng 2.000 trường hợp tử vong; tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3%.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, dịch HIV/AIDS có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan, lơ là và nó không thể tự mất đi nếu không được đầu tư và can thiệp.

Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống HIV/AIDS; Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Bây giờ là thời điểm các địa phương cần chủ động xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS cho đến năm 2030, trước mắt cho giai đoạn trung hạn 2021- 2025.

Do vậy, cần tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chúng ta cùng tin tưởng mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu chấm dứt cơ bản dịch AIDS vào năm 2030 góp phần cùng cộng đồng quốc tế kiểm soát thành công đại dịch này.

THÚY QUYÊN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh