Tiền sản giật là một hội chứng tăng huyết áp khởi phát từ sau tuần 20 của thai kỳ. Thông thường, tiền sản giật xuất hiện trong thai kỳ và sẽ ổn định ở giai đoạn sau sinh.
Bác sĩ khuyến cáo thai phụ cần phải khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế tin cậy, kịp thời phát hiện xử lý những bệnh lý thai kỳ. |
Tiền sản giật là một hội chứng tăng huyết áp khởi phát từ sau tuần 20 của thai kỳ. Thông thường, tiền sản giật xuất hiện trong thai kỳ và sẽ ổn định ở giai đoạn sau sinh.
Nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con
Chị N.N.L. (xã Hiếu Nhơn- Vũng Liêm) có thai lần 2 bị phù toàn thân từ tuần thai thứ 29, ít khám thai định kỳ. 5 tuần sau, tình trạng phù nặng hơn, những cơn đau đầu dữ dội xuất hiện thường xuyên.
Sau đó, chị được đưa vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long cấp cứu do đau đầu, mệt mỏi, mắt nhìn mờ, huyết áp trên 190/90 mmHg. Bác sĩ chẩn đoán thai phụ mắc bệnh lý tiền sản giật nặng, mổ cấp cứu, bé gái chào đời nặng 2,3kg. Mẹ con chị được điều trị hồi sức tích cực 10 ngày, sức khỏe ổn định.
Theo TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cơn sản giật có thể đến với thai phụ bị tiền sản giật bất cứ lúc nào. Lo ngại nhất vẫn là cơn sản giật đến trong lúc sinh, gây những biến chứng nguy hiểm.
Cơn sản giật vẫn có thể đến trước khi sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của cả mẹ lẫn bé. Thậm chí, một số sản phụ vẫn có thể lên cơn sản giật sau sinh vài ngày. Vì thế, người bị tiền sản giật cần được theo dõi sát trong những ngày đầu sau sinh. “Bệnh lý này còn ảnh hưởng đến thai nhi. Thai có nguy cơ chậm phát triển, nhẹ cân do vấn đề tuần hoàn giữa mẹ và con không tốt”- bác sĩ Thu Hằng cho biết.
Các bác sĩ BVĐK Trung ương Cần Thơ vừa thực hiện kỹ thuật lọc máu liên tục, kết hợp thay huyết tương cứu sống sản phụ bị hội chứng HELLP- sốc nhiễm khuẩn suy đa cơ quan rất nặng.
Theo đó, ngày 7/11, chị P.T.H.N. (28 tuổi, ở An Giang) được bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng nguy kịch, người lừ đừ, tiếp xúc chậm, khó thở, vàng da toàn thân, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh. Hồ sơ ghi chẩn đoán hội chứng HELLP, suy gan cấp, suy thận cấp, hậu phẫu mổ lấy thai vì tiền sản giật nặng.
Tại Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc của BVĐK Trung ương Cần Thơ, tình trạng bệnh lý của sản phụ này diễn tiến ngày càng nặng hơn và rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Bệnh nhân suy hô hấp nặng phải đặt nội khí quản và thở máy; đồng thời còn sử dụng thuốc vận mạch liều cao do huyết áp thấp.
Lượng máu truyền cho sản phụ N. bị hội chứng HELLP mức độ nặng tới 49 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh, 7 khối hồng cầu loại 250ml, 5 khối hồng cầu loại 350ml và 14 khối tiểu cầu, cũng như cùng với các phương pháp điều trị hồi sức nội khoa. Sau 12 ngày được điều trị tích cực, đến nay sản phụ N. đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn định.
Hội chứng HELLP là một rối loạn về gan và máu có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có liên quan đến tiền sản giật, xảy ra ở 5- 8% phụ nữ mang thai, thường gặp nhất sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
Tiền sản giật còn gọi là nhiễm độc thai nghén, tình trạng rối loạn nguy hiểm gặp ở phụ nữ mang thai sau tuần thứ 20. Bệnh có các triệu chứng tăng huyết áp, có đạm trong nước tiểu của thai phụ, phù cơ thể. Cứ 100 người mang thai có 2-8 người mắc tiền sản giật. Mỗi năm, thế giới có hơn 10 triệu ca mắc, 76.000 sản phụ tử vong do bệnh này và các rối loạn cao huyết áp có liên quan. |
Phòng bệnh lý tiền sản giật
Theo TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng, để dự phòng, thai phụ nên thăm khám thai hợp lý suốt thai kỳ tại các cơ sở y tế tin cậy. Đo huyết áp là một trong những bước cơ bản và bắt buộc trong quá trình khám thai, nhờ vậy bệnh lý về huyết áp trong thai kỳ có thể sớm được phát hiện. Đồng thời, xét nghiệm nước tiểu định kỳ khi mang thai. Nhiều sản phụ chủ quan không đi khám thai định kỳ, kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu... khi vào viện mới biết huyết áp cao, protein niệu mức độ cao ảnh hưởng tính mạng bà mẹ và đứa trẻ.
Phụ nữ trên 35 tuổi mang thai, có tiền sử tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường hoặc bệnh thận, thiếu dinh dưỡng, thừa cân trong thai kỳ, cần quản lý thai kỳ chặt chẽ hơn vì nguy cơ cao bị tiền sản giật. Tiền sản giật cũng có thể xảy ra ở giai đoạn cuối thai kỳ với hậu quả khó lường.
Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu tiền sản giật. Tuy nhiên, bệnh có thể dự phòng, phát hiện sớm từ tuần thai thứ 11, bằng cách khám sàng lọc qua 3 bước gồm đo huyết áp, siêu âm đo doppler động mạch tử cung và lấy máu xét nghiệm. Khám sàng lọc giúp giảm gần 70% trường hợp tiền sản giật nói chung và gần 90% ca tiền sản giật trước tuần thai thứ 32.
Theo BS chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Dự- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, để phòng tiền sản giật, tất cả thai phụ đến khám tại bệnh viện đều được các bác sĩ theo dõi bằng cách kiểm tra huyết áp và làm xét nghiệm protein trong nước tiểu. Đặc biệt, các xét nghiệm máu hiện đại cho phép phát hiện sớm nguy cơ tiền sản giật ở thai 20 tuần tuổi. Kết quả các chỉ số này sẽ giúp dự đoán nguy cơ gây tiền sản giật, từ đó các bác sĩ kịp thời đưa ra các phương hướng theo dõi và điều trị thích hợp trong thai kỳ nhằm làm giảm gánh nặng cho người bệnh. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin