Cỏ mực - vị thuốc hữu hiệu và những công dụng ít ai biết tới

05:11, 17/11/2020

Cỏ mực là loại cây mọc hoang xuất hiện rất nhiều xung quanh ta, nhưng có lẽ ít người biết tới, đây còn là vị thuốc giúp cầm máu và có nhiều tác dụng tuyệt vời.

 

 Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Cỏ mực là loại cây mọc hoang xuất hiện rất nhiều xung quanh ta, nhưng có lẽ ít người biết tới, đây còn là vị thuốc giúp cầm máu và có nhiều tác dụng tuyệt vời.

Theo đông y, cỏ mực là loại cỏ có vị chua ngọt, tính lương giúp làm mát máu, cầm máu rất tốt cho hai kinh là can và thận. Cỏ mực có tác dụng bổ thận âm, thanh can nhiệt và làm đen râu tóc hữu hiệu...

Cỏ mực còn được dân gian gọi là cỏ nhọ nồi, hạn liên thảo, là cây thuộc họ cúc, mọc thẳng đứng, thân có lông cứng và có thể cao tới 80cm. Lá cỏ mực mọc đối nhau, có lông ở cả 2 mặt, lá hình thuôn dài, không rộng. Hoa hình cụm như chiếc ô có màu trắng mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành. Quả bế 3 cạnh hoặc hình dẹt, có cánh, đầu cụt và khá nhỏ. Sở dĩ được gọi là cỏ mực vì khi vò nát, nước chảy ra có màu đen.

Cỏ mực là loài mọc hoang, ưa sáng nên có rất nhiều ở đồng ruộng, bụi cỏ và ven đường ở những vùng quê nông thôn. Tuy nhiên, ít ai biết được nó lại là vị thuốc có nhiều tác dụng trong đông y và đang được nghiên cứu, ứng dụng trong thuốc điều trị sốt xuất huyết.

Tác dụng của cây cỏ mực

Theo khoa học nghiên cứu, cỏ mực có ít tinh dầu, tannin, caroten, ecliptin và chất đắng. Cũng giống như vitamin K, cỏ mực có tác dụng chống chảy máu tử cung trên động vật thí nghiệm, không làm giãn mạch, tăng huyết áp hay chứa chất độc nên rất tốt để dùng trong việc cầm máu. Từ xưa, đây đã là phương thuốc giúp chữa xuất huyết nội tạng như chảy máu dạ dày, tiểu tiện ra máu, rong kinh, thổ huyết do bệnh lao... ngoài ra, nó còn giúp cải thiện tình trạng bệnh viêm gan mạn, kiết lỵ, mẩn ngứa, chấn thương và các vết sưng tấy, lở loét...

Không chỉ vậy, khi sắc làm nước uống hoặc ngâm cỏ mực với dầu dừa bôi lên da đầu còn có tác dụng kích thích mọc tóc, nhuộm tóc đen hơn. Là thứ thuốc nhuộm hữu cơ rất tốt. 

Các tác dụng của cỏ mực được liệt kê gồm có: Cầm máu, điều trị các bệnh về chảy máu (rong kinh, băng huyết, xuất huyết nội tạng...); trị ban sởi, viêm họng, ho hen, sốt, bỏng; viêm xoang, suy nhược, ăn ngủ không ngon; hỗ trợ điều trị các bệnh về gan, sỏi thận, kháng viêm, kháng khuẩn; ngăn ngừa, ức chế ung thư...

Các sách y học cũng truyền lại một số phương thuốc với cỏ mực như: giã nát cỏ mực đắp vào giữa mỏ ác và trên trán có thể dừng chảy máu mũi. Đắp trực tiếp cỏ mực giã nát lên vết thương cũng giúp cầm máu nhanh chóng. Thậm chí, cỏ mực còn được cho biết có tác dụng chữa khỏi 9 loại bệnh trĩ, làm đen tóc, chắc răng.

“Máu chảy không cầm, đắp cỏ mực cầm ngay”, đây chính là câu nói nổi tiếng trong sách thuốc thời xưa nói về cỏ mực. 

Ngày nay, vị thuốc này được dùng nhiều trong điều trị sốt xuất huyết muỗi truyền, ung thư và nhiều bệnh khác. Tuy không độc, cầm máu tốt, không gây giãn mạch và hạ huyết áp nhưng cỏ mực lại được cảnh báo là có thể gây sảy thai.

Cỏ mực khi phơi khô sẽ có màu đậm hơn lúc còn tươi và cần sử dụng với liều lượng nhiều hơn lúc tươi (vì trọng lượng khô nhỏ hơn tươi). Có thể dùng cỏ mực khô để sắc nước uống hoặc pha trà uống thay nước mỗi ngày với liều lượng vừa phải, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống.

Một số bài thuốc với cỏ mực

Tiểu ra máu: cỏ mực, mã đề lấy một lượng bằng nhau, giã lấy nước uống ngày 3 lần vào lúc đói. Hoặc dùng 100g lá cỏ mực, 3 lát gừng nấu chung với cháo ăn.

Thổ huyết và chảy máu cam: lấy cành và lá tươi giã lấy nước hòa với nước trắng uống.

Vết đứt nhỏ chảy máu: một nắm cỏ mực sạch nhai hoặc giã nhuyễn đắp lên vết thương.

Rong kinh: nếu nhẹ, lấy lá và thân cỏ mực tươi giã nát, vắt lấy nước cốt uống hoặc cỏ mực khô sắc nước uống. Nếu huyết ra nhiều, cần phối hợp thêm trắc bá diệp hoặc cây huyết dụ…/.

Theo CTV Trần Ngân/VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh