Theo TS. bác sĩ Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, tắc động mạch chi là bệnh khá phổ biến ở người lớn tuổi có tiền căn hút thuốc lá nhiều, mắc bệnh lý tiểu đường nhiều năm không kiểm soát tốt đường huyết... Có nhiều yếu tố nguy cơ gây tắc mạch máu, trong đó hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh lý này.
Ê-kíp Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ giúp bệnh nhân Đ.V.B. thoát đoạn chi nhờ phẫu thuật bắc cầu động mạch. |
Theo TS. bác sĩ Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, tắc động mạch chi là bệnh khá phổ biến ở người lớn tuổi có tiền căn hút thuốc lá nhiều, mắc bệnh lý tiểu đường nhiều năm không kiểm soát tốt đường huyết... Có nhiều yếu tố nguy cơ gây tắc mạch máu, trong đó hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh lý này.
Thoát đoạn chi nhờ phẫu thuật bắc cầu động mạch
Thông tin từ bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong- Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực- Mạch máu của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho cụ Đ.V.B. (78 tuổi) mắc bệnh lý động mạch phức tạp bằng kỹ thuật Hybrid. Đó là phẫu thuật bắc cầu động mạch nách đùi đồng thời tiến hành can thiệp nội mạch để tái thông động mạch đùi khoeo.
Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy loét mặt trong cẳng chân phải, loét đầu ngón I chân phải khoảng 2 tháng không lành. Bệnh nhân được phẫu thuật bắc cầu động mạch chậu chung- đùi phải cách đây khoảng 3 năm.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu chi dưới cho thấy: tắc toàn bộ động mạch chậu chung- ngoài- đùi chung- nông- sâu và khoeo bên phải, tắc ống ghép bên phải, tắc động mạch đùi chung bên trái, tưới máu vùng cẳng chân 2 bên kém. Các bác sĩ chẩn đoán: bệnh nhân bị tắc ống ghép động mạch chậu- đùi phải và tắc động mạch đùi khoeo phải mạn tính/tăng huyết áp- thiếu máu cục bộ cơ tim- lão suy.
Nhận định tình trạng tắc nghẽn mạch máu nhiều tầng và phức tạp trên thể trạng lão suy nhiều bệnh lý nội khoa kèm theo, nguy cơ đoạn chi rất cao, nếu phẫu thuật tái thông mạch máu nhiều tầng như thế thì vết mổ dài, thời gian mổ kéo dài tình trạng hậu phẫu sẽ rất nặng nề.
Sau hội chẩn, các bác sĩ đã lựa chọn phương án phẫu thuật bắc cầu động mạch nách- đùi phải và can thiệp nội mạch nong bóng động mạch đùi- khoeo phải nhằm rút ngắn thời gian mổ và bệnh nhân không phải chịu một vết mổ dài, ít đau và ít biến chứng sau mổ.
Ê-kíp phẫu thuật gồm bác sĩ Khoa Ngoại Lồng ngực- Mạch máu và Khoa Phẫu thuật- Gây mê hồi sức tiến hành mổ bắc cầu sử dụng ống ghép mạch máu nhân tạo nối từ động mạch nách phải đến động mạch đùi chung- sâu bên phải. Liền ngay sau đó, ê-kíp can thiệp nội mạch do thực hiện đưa bóng nong toàn bộ động mạch đùi nông bên phải. Tái thông được động mạch đùi nông- khoeo và động mạch cẳng chân bên phải.
Sau can thiệp, bệnh nhân ổn định, tưới máu toàn bộ chân phải tốt. Tình trạng hiện tại, bệnh nhân không còn đau nhức chân, chi được tưới máu tốt, hồng hào, thoát khỏi nguy cơ đoạn chi.
Người hút thuốc lá, tiểu đường, đừng thờ ơ với tắc động mạch chi
Động mạch có chức năng dẫn máu từ tim đến các cơ quan. Khi tổn thương tắc động mạch khiến cho máu không thể đến nuôi dưỡng gây đến hoại tử. Nếu tắc mạch máu não sẽ gây nhồi máu- hoại tử nhu mô não; tắc động mạch vành gây nhồi máu cơ tim- hoại tử cơ tim.
Cụ N.V.A. (82 tuổi, ở Bạc Liêu) có “thâm niên” hút thuốc lá trên 60 năm, tiền sử tăng huyết áp, thường xuyên tê nhức chân trái, nhất là khi đi lại. Theo lời kể của ông, cách nhập viện 10 ngày cụ có cảm giác như bị trật chân, nghĩ không đáng lo ngại nên ở nhà chườm nước nóng.
Chỉ đến khi chân bắt đầu đau nhức nhiều hơn, cảm giác lạnh, không đi được nữa mới vào bệnh viện tỉnh, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ.
Tại Việt Nam, các bệnh lý tim mạch nói chung xuất hiện ngày càng nhiều, liên quan chặt chẽ tới các yếu tố nguy cơ: hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì,... |
Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng cho cụ A. làm xét nghiệm máu phát hiện đường huyết cao, chụp CT động mạch 2 chân phát hiện bị tắc hoàn toàn động mạch đùi nông bên trái từ vùng bẹn đến vùng khoeo dài 30cm, làm cho bệnh nhân có triệu chứng thiếu máu chi trầm trọng, đi cách hồi, mất mạch mu chân.
“Với tình trạng này, nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ có nguy cơ hoại tử chi dưới”- ThS. bác sĩ Nguyễn Đào Nhật Huy cho biết.
Ông A. được các bác sĩ can thiệp nội mạch tái thông thành công, nên không phải cắt đoạn chi dưới. Sau can thiệp nong và đặt stent động mạch chi dưới, nên bệnh nhân ổn định, bớt đau nhức chân, mạch mu chân tái hoạt động và bắt được nhịp.
TS. bác sĩ Trần Chí Cường- Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cho biết thêm: “Tắc động mạch chi là bệnh khá phổ biến ở người lớn tuổi có tiền căn hút thuốc lá nhiều và tiểu đường nhiều năm không kiểm soát tốt đường huyết, đa số bệnh nhân thường phát hiện bệnh rất muộn”.
Điều đáng nói, đa số bệnh nhân thường phát hiện bệnh rất muộn nên chậm đến cơ sở y tế thăm khám. Tắc động mạch chi dưới có các triệu chứng thường gặp: nặng chân, lạnh chân, tê mỏi, đi cách hồi (đi một đoạn đường rất ngắn vài chục mét phải dừng nghỉ do chân thiếu máu gây tê mỏi, nghỉ vài phút thì đi tiếp được).
“Nặng hơn nữa là tím các ngón chân, vết thương vùng bàn chân chậm lành, hoại tử khô… Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ nhiễm trùng, nhiễm độc rất nguy hiểm”- TS. bác sĩ Trần Chí Cường phân tích.
Việc điều trị bệnh động mạch chi sẽ tùy thuộc rất nhiều vào vị trí và mức độ động mạch bị tắc hẹp và tình trạng chức năng của chi bệnh.
Ngoài các phương pháp kiểm soát bệnh, người bệnh cần tuyệt đối bỏ thuốc lá và điều trị, kiểm soát tốt các bệnh kèm theo như kiểm soát tốt huyết áp, điều trị bệnh đái tháo đường và tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid. Một vấn đề quan trọng nhất là cần khám và phát hiện bệnh sớm, ở giai đoạn chưa đau khi nghỉ ngơi hay chưa có viêm loét, hoại tử chi do thiếu máu.
Phát hiện sớm sẽ giúp người bệnh tránh được tàn phế do các biến chứng của bệnh. Với động mạch chi có đường kính từ 2mm trở lên với mức độ hẹp nặng trên 70% có triệu chứng với các phương tiện máy móc hiện đại (DSA) bác sĩ can thiệp mạch có thể thông lại động mạch chi khá dễ dàng.
Theo TS. bác sĩ Trần Chí Cường, việc chẩn đoán bệnh hẹp động mạch chi khá dễ dàng bằng thăm khám mất mạch vùng bẹn, khoeo, mu chân, một bên chân bị lạnh hơn bên còn lại do máu nuôi kém. Ngoài ra, siêu âm doppler màu và chụp CT động mạch chi sẽ cho kết quả chính xác mức độ và vị trí hẹp. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin