Tại hội thảo "Cập nhật kiến thức chuyên ngành cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính" do Bệnh viện Tim mạch- Đột quỵ TP Cần Thơ vừa tổ chức, TS. bác sĩ Cung Văn Công- Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh: Mọi người đi tầm soát ung thư phổi chỉ chụp X-quang là chưa đủ, vì CT liều thấp mới giúp bác sĩ tìm thấy hình ảnh u phổi tốt hơn X-quang.
Những người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi là người trên 50 tuổi, hút khoảng một gói thuốc mỗi ngày trong 30 năm hoặc 2 gói mỗi ngày trong 15 năm. |
Tại hội thảo “Cập nhật kiến thức chuyên ngành cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính” do Bệnh viện Tim mạch- Đột quỵ TP Cần Thơ vừa tổ chức, TS. bác sĩ Cung Văn Công- Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh: Mọi người đi tầm soát ung thư phổi chỉ chụp X-quang là chưa đủ, vì CT liều thấp mới giúp bác sĩ tìm thấy hình ảnh u phổi tốt hơn X-quang.
Hút thuốc lá- nguyên nhân chính gây ung thư phổi
Theo các bác sĩ chuyên khoa, ung thư phổi là một căn bệnh ác tính gây tử vong hàng đầu, luôn là nỗi ám ảnh cho người có bệnh phổi đang hoặc từng hút thuốc lá. Hơn 70% người phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn và tử vong chỉ sau 1 năm phát hiện bệnh.
Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi: hút thuốc lá, hút thuốc lá thụ động (người tiếp xúc khói thuốc lá mà không hút thuốc); hít khí radon, amiăng, không khí ô nhiễm, tiền căn xạ trị vào phổi (tia X); gia đình có người bị ung thư phổi; những người có bệnh phổi mãn tính: bệnh phổi tắc nghẽn, lao phổi.
Trong các yếu tố nguy cơ trên, hút thuốc và hút thuốc thụ động là quan trọng nhất. Những người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi là người trên 50 tuổi, hút khoảng một gói thuốc mỗi ngày trong 30 năm hoặc 2 gói mỗi ngày trong 15 năm.
Các bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng gì, để phát hiện sớm cần phải tầm soát những người có nguy cơ ung thư phổi chưa có triệu chứng và đây là biện pháp khả thi.
Song, ở Việt Nam, việc phát hiện sớm ung thư phổi vẫn còn hạn chế do thói quen e ngại khám sức khỏe định kỳ của người dân.
Khi có những dấu hiệu thường gặp như ho trong thời gian dài, ho ra máu; đau ngực tại 1 điểm (đau tại 1 vị trí, khác với đau lan tỏa); thay đổi giọng nói; nuốt khó, đau khi nuốt; mệt mỏi thường xuyên thì người dân nên tầm soát ung thư phổi.
Hiện nay, tầm soát ung thư phổi đã được thực hiện ở các nước tiên tiến. Đã có nhiều khuyến cáo tầm soát ở người có nguy cơ đồng thời cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu đã tiến hành xác định những lợi ích và những bất lợi của việc tầm soát.
Trong đó, 3 loại xét nghiệm được đề cập nhiều nhất cho việc tầm soát là: chụp X-quang phổi; xét nghiệm tìm tế bào ung thư từ chất đàm; chụp cắt lớp điện toán ngực (CT-scan), trong đó chụp CT ngực liều thấp được xem là biện pháp ít có phản ứng phụ nhất.
Tầm soát ung thư phổi bằng chụp CT liều thấp
TS. bác sĩ Cung Văn Công cho biết, trước kia người ta quan niệm rằng dùng X-quang ngực có thể tầm soát được ung thư phổi, giúp giảm được tỷ lệ tử vong do ung thư phổi, nhưng một loạt nghiên cứu đã chỉ ra X-quang thường quy không có tác dụng với việc sàng lọc ung thư phổi.
Đến nay, tất cả các khuyến cáo tại các hiệp hội tại Mỹ và Châu Âu đều cho rằng CT-scan, đặc biệt là CT liều thấp có tác dụng trong việc sàng lọc ung thư phổi, giúp giảm tỷ lệ tử vong và tăng thời gian sống thêm sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư phổi.
Khi chụp CT liều thấp, bác sĩ có thể thấy hình ảnh tổn thương ở phổi: nốt đặc, nốt bán đặc, nốt kính mờ. Trong đó, nốt kính mờ có thể sẽ chuyển thành nốt bán đặc sau 5 năm, nếu có tình trạng này thì nguy cơ ung thư phổi rất cao.
Liên quan đến việc tầm soát ung thư phổi, TS. bác sĩ Cung Văn Công chia sẻ, trước kia sàng lọc bằng CT liều thấp phát hiện nốt đơn độc trên phim trên 8mm mà bệnh nhân thuộc đối tượng có nguy cơ cao thì có khuyến cáo nên sinh thiết xuyên thành ngực để chẩn đoán. Tuy nhiên, với những nốt đó, khả năng có kết quả sinh thiết dương tính lại không cao.
Tại Việt Nam quy định chụp PET-CT chỉ áp dụng với trường hợp được chẩn đoán xác định ung thư phổi. Tức là chụp CT thấy nốt ở phổi, sau đó tiến hành sinh thiết xuyên thành ngực, cắt một vài mẫu bệnh phẩm từ đó ra, sau đó bác sĩ giải phẫu bệnh trả kết quả có tế bào ung thư rồi, lúc đó bệnh nhân mới được chỉ định chụp PET-CT. Lúc này PET-CT có mục đích là tầm soát toàn thân để xem ngoài ung thư tiên phát ở phổi, nó đã di căn đến đâu chưa.
Song cách đây 3 tháng, quy định này đã có sự thay đổi, là tất cả những nốt đơn độc ở phổi trên phim CT liều thấp mà có nghi ngờ ung thư, ví dụ trên đối tượng nguy cơ cao: bệnh nhân hút thuốc lá, tuổi cao, có các bệnh nghề nghiệp liên quan đến ung thư phổi… sẽ được chỉ định chụp PET-CT.
Nếu chụp PET-CT âm tính thì tiếp tục theo dõi, sàng lọc bằng CT liều thấp, còn nếu chụp PET-CT kết luận dương tính thì cần làm sinh thiết.
Do chính sách này thay đổi nên chỉ định đối với sinh thiết phổi giảm đi, đem lại nhiều lợi ích cho những người được chẩn đoán có nốt bất thường ở phổi, bởi vì càng chỉ định sinh thiết rộng rãi thì tổng số biến chứng sẽ cao.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa ung thư phổi nói riêng và nhiều loại ung thư khác, người dân nên bỏ thuốc lá (không chỉ hút thuốc lá trực tiếp mà hút thuốc thụ động cũng gây tác hại cho mọi người, đặc biệt cho em bé và trẻ em), tập thể dục, chế độ ăn giàu rau xanh và trái cây, tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng.
Các bác sĩ khuyến cáo, để tầm soát ung thư phổi, người nguy cơ cao nên chụp CT ngực liều thấp mỗi năm, người nguy cơ trung bình chụp CT ngực liều thấp 2 năm liên tiếp và chụp mỗi 3-5 năm/lần. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin