Nuôi cá 7 màu phòng bệnh sốt xuất huyết

09:10, 22/10/2020

Diệt muỗi, lăng quăng là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH) hiện nay. Xác định tầm quan trọng này, các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long triển khai nhiều mô hình diệt lăng quăng phòng bệnh SXH.

Diệt muỗi, lăng quăng là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH) hiện nay. Xác định tầm quan trọng này, các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long triển khai nhiều mô hình diệt lăng quăng phòng bệnh SXH. Việc ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền phòng bệnh SXH trong đó có phát động người dân nuôi cá 7 màu diệt lăng quăng đang phát huy hiệu quả.

Mô hình nuôi cá 7 màu diệt lăng quăng đang phát huy hiệu quả và cần nhân rộng.
Mô hình nuôi cá 7 màu diệt lăng quăng đang phát huy hiệu quả và cần nhân rộng.

Tận dụng tất cả các vật dụng sẵn có để nuôi và nhân giống cá 7 màu cấp cho người dân diệt lăng quăng là mô hình đang được các trạm y tế trên địa bàn huyện Bình Tân thực hiện. Một số hộ dân có thể nuôi cá từ các lu, khạp; có hộ thì xây hòn non bộ để vừa làm cảnh vừa nuôi cá diệt lăng quăng. Điều đáng nói, mọi người chia sẻ cá cho nhau, bởi họ biết rằng nuôi cá để phòng bệnh.

Cá không chỉ được phát cho người dân trong chiến dịch diệt lăng quăng mà khi người dân đến trạm khám chữa bệnh cũng được nhân viên y tế tuyên truyền về bệnh SXH, các biện pháp phòng bệnh và hướng dẫn bà con thả nuôi cá 7 màu diệt lăng quăng.

Chú Trần Phương Bình (xã Tân Thành- Bình Tân) cho biết: “Tui đến trạm khám bệnh thì được cán bộ trạm tuyên truyền cách phòng bệnh SXH, còn cho tui bọc cá đem về nuôi trong lu, khạp để diệt lăng quăng nữa. Không có lăng quăng thì không có bệnh SXH đâu”.

Bằng cách làm thiết thực, đến nay, mô hình nuôi cá 7 màu diệt lăng quăng của các trạm y tế đang được nhân rộng đến nhiều người dân trong huyện. Từ vài con cá 7 màu ban đầu do trạm y tế cấp, ông Phan Văn Điệp (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) nhân được 1 hồ cá 7 màu, vừa diệt lăng quăng trong các lu nước quanh nhà và phát cho bà con lối xóm khi cần nuôi để diệt lăng quăng.

Ông Điệp cho biết: “Phòng bệnh SXH, trạm có phát động phong trào nuôi cá 7 màu diệt lăng quăng, ở đây tôi cũng làm cái hồ để nuôi. Thấy hiệu quả, tôi chia sẻ vài con cho hàng xóm cùng nhau nuôi, cùng chung tay nhà nhà nuôi cá diệt lăng quăng phòng bệnh SXH”.

Nhờ tích cực diệt lăng quăng, diệt muỗi và xóa môi trường sinh sản của muỗi nên huyện Bình Tân kéo giảm đáng kể số ca mắc bệnh SXH ở địa phương.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Phước- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Tân: “Mô hình nuôi cá 7 màu diệt được muỗi, diệt được lăng quăng thời gian vừa qua ở Bình Tân rất hiệu quả. Chúng tôi phát động các trạm y tế xã có hồ nuôi cá 7 màu. Đồng thời, phát động từng y tế khóm ấp và người dân mỗi nhà đều nuôi cá. Điều đáng nói, mọi người đều chia sẻ cá cho nhau, bởi họ biết rằng nuôi cá để phòng bệnh. Do đó, thời gian vừa qua SXH ở huyện giảm một nửa”.

Bệnh SXH là bệnh lưu hành quanh năm và hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc đặc trị. Song, theo đánh giá của ngành y tế, khi mưa dầm như hiện nay, dễ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển.

Có diệt hết lăng quăng mới mong ngăn được SXH. Do đó, từng hộ gia đình cần thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng để ngăn chặn muỗi sinh sản, phát triển và mô hình nuôi cá 7 màu diệt lăng quăng đang phát huy hiệu quả và cần nhân rộng. Đây là giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất trong phòng chống bệnh SXH hiện nay.

Tính trong 9 tháng đầu năm, toàn huyện Bình Tân có hơn 120 trường hợp mắc bệnh SXH, giảm 2/3 số ca mắc so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt ở một số xã, ca bệnh giảm hơn 90%.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh