Tính đến hết tháng 9/2020, Khoa SXH- Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ điều trị trên 790 bệnh nhi SXH. Đáng chú ý, năm nay nhiều trẻ SXH có dấu hiệu trở nặng, đặc biệt gần 340 ca bệnh từ 11- 16 tuổi.
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Sốt xuất huyết- Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. |
Thời tiết miền Nam đang ở giữa mùa mưa thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở người phát triển. Theo Cục Y tế dự phòng, số ca SXH bắt đầu gia tăng, có thể đạt đỉnh vào khoảng tháng 10, 11. SXH nguy hiểm khi có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Ở trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu, nguy cơ gặp biến chứng của SXH càng lớn.
Bệnh SXH bắt đầu gia tăng
Tính đến hết tháng 9/2020, Khoa SXH- Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ điều trị trên 790 bệnh nhi SXH. Đáng chú ý, năm nay nhiều trẻ SXH có dấu hiệu trở nặng, đặc biệt gần 340 ca bệnh từ 11- 16 tuổi.
Không biết, không nghĩ con em mình bị SXH nên cho con điều trị hạ sốt tại nhà là tâm lý chung của nhiều gia đình bệnh nhi khi được hỏi vì sao nhập viện trễ. Đây cũng là lý do khiến số lượng bệnh nhi nhập viện tăng nhanh.
Nhìn con trai Phan Minh Tuấn (10 tuổi, TX Bình Minh- Vĩnh Long) nằm chơi game, chị Nguyễn Thị Bích xót xa: “Nằm viện 4 bữa, hôm nay đỡ mệt nên chơi khí thế rồi đó.
Chứ mấy bữa trước nóng hổi, tui ra tiệm thuốc mua uống 3 ngày không bớt. Rồi con lừ đừ, mệt nên tui đưa qua đây, xét nghiệm tiểu cầu hạ, bác sĩ cho nhập viện nói con bị SXH”.
Nắm tay con gái Phan Thị Thùy Hương (15 tuổi, quận Ô Môn- TP Cần Thơ), chị Phan Thị Kim Dung cũng hối hận vì mình không nhận ra con có biểu hiện sốt do SXH mà chủ quan, tự mua thuốc hạ sốt uống điều trị cho con khiến con bệnh nặng.
“Tuần trước con ớn lạnh, tối đó con nóng quá tôi mua thuốc ở ngoài cho con uống mấy ngày cũng có bớt nhưng con bị sốt lại. Rồi con tự dưng té xỉu chảy máu mũi, máu răng, vợ chồng đưa con vô bệnh viện thì biết con bị SXH nặng. Thiệt, con có sao tôi ân hận lắm”.
Không rời mắt khỏi con Lê Thị Kim Ngân (14 tuổi, quận Thốt Nốt- TP Cần Thơ) nằm thở oxy, 2 tay đầy dịch truyền ở Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc của BV Nhi đồng TP Cần Thơ, chị Lê Thị Bùi- mẹ em- mắt đỏ hoe, lo lắng: “Thứ 6 con sốt cao, tui chỉ nghĩ con bị cảm sốt thông thường nên đi bác sĩ tư chích 3 bữa. Con hết sốt, sáng thứ 2 chuẩn bị đi học thì con ôm bụng, nói khó thở rồi xỉu.
Tui đưa con vô bệnh viện quận rồi họ tức tốc chuyển con vô BV Nhi đồng và bác sĩ nói con tui bị sốc do bệnh SXH trở nặng, xét nghiệm thấy tình trạng thoát dịch gây cô đặc máu và tiểu cầu giảm rất thấp”.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Huỳnh Nhật Trường- quyền Trưởng Khoa SXH- BV Nhi đồng TP Cần Thơ, bệnh SXH có các biểu hiện sốt cao, lừ đừ, mệt mỏi, da niêm xung huyết, trở nặng vào ngày thứ 3 và thứ 5 khi trẻ bớt sốt.
Bệnh SXH nhẹ, không có dấu hiệu cảnh báo có thể điều trị tại nhà, song trẻ cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, phân loại đúng mức độ bệnh và chỉ định điều trị nội trú hay ngoại trú (phụ huynh cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo toa bác sĩ và cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu).
Phụ huynh tuyệt đối không được tự cho trẻ uống thuốc điều trị, truyền dịch khi chưa được thăm khám, phân loại mức độ bệnh.
Những dấu hiệu cảnh báo trẻ bệnh SXH
Phụ huynh cũng cần theo dõi tái khám mỗi ngày và phát hiện sớm dấu hiệu bệnh trở nặng hay dấu hiệu cảnh báo để cho trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời.
“SXH khác với các bệnh truyền nhiễm khác và diễn biến nặng thường vào ngày thứ 3 đến thứ 5 khi trẻ bớt sốt cho nên phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu trong vòng 24 giờ sau đó.
Nếu trẻ không khỏe hơn, lừ đừ, mệt mỏi nhiều hơn, quấy khóc, nôn ói, bỏ ăn, bỏ bú, đau bụng nhiều, tay chân lạnh hoặc xuất huyết bất thường, chảy máu mũi, chảy máu răng, đi tiêu phân đen, xuất huyết âm đạo ở trẻ gái tuổi dậy thì, cần cho trẻ nhập viện ngay lập tức để khám và điều trị kịp thời”- bác sĩ Nguyễn Huỳnh Nhật Trường lưu ý.
Trẻ khi mắc SXH cần uống nhiều nước chín đun sôi để nguội hoặc pha với dung dịch bù nước oresol, nên ăn các loại thức ăn dễ nuốt như cháo, súp, tránh thức ăn hoặc trái cây có màu nâu đen, dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng xuất huyết đường tiêu hóa khi bé ói ra máu.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh SXH chưa có vắc xin dự phòng, không có thuốc đặc trị. Bệnh có triệu chứng đa dạng và có thể chuyển biến nhanh dẫn tới biến chứng vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, phòng ngừa bệnh là điều mà gia đình nào cũng cần lưu ý.
Cách phòng bệnh SXH tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng chống muỗi chích. Các bậc cha mẹ không để các vật dụng chứa nước có thể sinh muỗi trong nhà, loại bỏ những ly, lọ chứa nước lâu ngày trong nhà. Cần dọn dẹp nhà cửa thoáng, sạch, không ẩm thấp, phát quang bụi rậm, không để nước tù đọng quanh nhà.
Ngoài ra, phụ huynh cần cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày, không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Huỳnh Nhật Trường, vi rút Dengue gây bệnh SXH có 4 chủng nên người mắc SXH rồi vẫn có thể mắc lại. Mỗi người có thể mắc SXH 4 lần trong đời tương ứng với 4 chủng vi rút Dengue. Người nào cũng có thể bị mắc SXH dù là người già, trẻ nhỏ hay thanh niên. Ở lần tái nhiễm SXH, bệnh nhân thường có khuynh hướng trở nặng hơn nên không được lơ là, chủ quan. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin