Hiện, bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Song, các trường hợp bệnh nặng chiếm tỷ lệ khá cao và bệnh đang có chiều hướng gia tăng trong thời điểm hiện nay. Trước tình hình này, ngành y tế đang đẩy mạnh nhiều biện pháp khống chế và khuyến cáo người dân không chủ quan.
Điều trị trẻ mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. |
Hiện, bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Song, các trường hợp bệnh nặng chiếm tỷ lệ khá cao và bệnh đang có chiều hướng gia tăng trong thời điểm hiện nay. Trước tình hình này, ngành y tế đang đẩy mạnh nhiều biện pháp khống chế và khuyến cáo người dân không chủ quan.
Không chủ quan SXH
Đến hộ dân tuyên truyền hướng dẫn cách nhận biết các biểu hiện mắc bệnh SXH và các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng phòng bệnh là hoạt động được nhân viên y tế tiếp tục thực hiện.
Y sĩ Phạm Thị Lệ Quyên- Phó trưởng Trạm Y tế xã Phước Hậu (Long Hồ) cho biết: “Người dân trong xã đa phần có ý thức phòng bệnh SXH, gáo dừa hay lu hũ có lăng quăng là anh chị súc bỏ. Gần đây, mưa nhiều, khí hậu ẩm thấp, lăng quăng có nhiều hơn nên chúng tôi cũng vận động người dân thực hiện tốt biện pháp phòng chống bệnh SXH”.
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức người dân về cách phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.
Qua các tờ rơi tuyên truyền của ngành y tế, chị Phan Thị Cẩm Tú (xã Phước Hậu- Long Hồ) cho biết: “Các triệu chứng của bệnh nếu phát hiện trẻ sốt cao 39- 40 độ C mà kéo dài 3- 7 ngày, đó là triệu chứng bệnh SXH ở trẻ. Có những triệu chứng buồn nôn, chảy máu cam thì phải đưa đến trạm y tế điều trị kịp thời. Khi cho con ngủ phải giăng mùng, mặc áo dài tay tránh muỗi đốt. Gia đình diệt lăng quăng, vệ sinh nhà cửa, chùi rửa lu khạp thường xuyên sạch sẽ”.
Theo ngành y tế, tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đang có chiều hướng gia tăng, hiện nay trung bình mỗi tuần, toàn tỉnh ghi nhận hơn 30 trường hợp mắc bệnh, tăng gần gấp đôi so với các tuần của những tháng trước. Đáng quan tâm là các trường hợp bệnh nặng chiếm tỷ lệ khá cao mà nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh đến cơ sở y tế điều trị trễ.
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (xã Thanh Bình- Vũng Liêm) nhìn bác sĩ khám cho con, xuýt xoa: “Bé bị sốt đi chích tư ở ngoài cả tuần lễ không hết, bị chảy máu răng nên cả nhà đưa vô bệnh viện ở Vũng Liêm thì được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long. Ở đây, bác sĩ nói con bị SXH cũng nặng, tui lo lắm. Điều trị hổm rày bé đỡ nhiều, mừng gì đâu”.
Bệnh SXH sẽ tăng mạnh vào mùa mưa
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thị Thu Hương-Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, số lượng bệnh nhân đến nhập viện điều trị SXH tăng hơn các tháng trước và bệnh diễn tiến vẫn còn rất phức tạp.
“Có những trường hợp bệnh nhân đến có yếu tố tiên lượng nặng như béo phì, tăng men gan bệnh nhân có tái sốc, cũng có một số ít trường hợp vào viện đã sốc rồi hoặc sốc nặng khi đó việc điều trị khó khăn và nguy hiểm đến tính mạng”- bác sĩ Thu Hương cho biết.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 870 trường hợp mắc bệnh SXH, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Song, ổ dịch nhỏ SXH tăng hơn so với cùng kỳ và mật độ muỗi, lăng quăng qua giám sát của ngành y tế cũng đang gia tăng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thị Thu Hương cho biết: “Chúng ta ở vùng dịch tễ lưu hành SXH khi các cháu có triệu chứng sốt cao liên tục 2- 7 ngày thì nên lưu ý đến SXH, đặc biệt khi trẻ có những triệu chứng ói liên tục, đau bụng, biếng ăn, chảy máu răng, chấm xuất huyết dưới da phải đưa đến cơ sở y tế kịp thời để được xác định chẩn đoán và điều trị thích hợp”.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh SXH chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh. Đây là bệnh lý thường gặp vào mùa mưa, có thể dẫn đến tình trạng trụy tim mạch, suy hô hấp, xuất huyết nặng gây tử vong. Vì vậy, cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Diệt muỗi, lăng quăng là biện pháp hữu hiệu phòng chống căn bệnh này hiện nay.
Theo dự báo của ngành y tế, bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp và nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao trong các tháng mùa mưa tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển, người dân cần tích cực chung tay diệt muỗi, lăng quăng để khống chế căn bệnh nguy hiểm này.
Theo chuyên gia y tế, đa số bệnh nhân SXH thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, song khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của SXH cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: sốt, đau mỏi cơ. Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà. Bên cạnh đó, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin