Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, những năm qua, bên cạnh nâng cao chất lượng điều trị, công tác phòng chống dịch bệnh, được ngành y tế Vĩnh Long đặc biệt quan tâm. Nhiều biện pháp khống chế dịch bệnh được triển khai, góp phần bảo vệ tốt sức khỏe người dân, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.
Ở khu cách ly tập trung tại Trung đoàn Bộ binh 890, nhân viên y tế dự phòng túc trực phun tiêu độc khử trùng. |
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, những năm qua, bên cạnh nâng cao chất lượng điều trị, công tác phòng chống dịch bệnh, được ngành y tế Vĩnh Long đặc biệt quan tâm. Nhiều biện pháp khống chế dịch bệnh được triển khai, góp phần bảo vệ tốt sức khỏe người dân, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.
Chủ động phòng chống bệnh
Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân đã được ngành y tế Vĩnh Long chú trọng thực hiện thường xuyên.
Đến hộ dân tuyên truyền hướng dẫn cách nhận biết các biểu hiện mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) và các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng phòng bệnh như phun hóa chất dập các ổ dịch SXH để diệt muỗi mang mầm bệnh, khống chế nguồn lây là hoạt động được nhân viên y tế tiếp tục thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức của người dân.
Chị Võ Thị Bích Thuận (xã Phước Hậu- Long Hồ) cho biết: “Bệnh SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn gây ra thành dịch SXH. Gia đình tôi úp, chùi rửa lu khạp; không cho nước đọng để không có lăng quăng; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, ngủ mùng kể cả ban ngày”.
Theo y sĩ Lưu Vĩnh Sa- Phó Trưởng Trạm Y tế Phường 8 (TP Vĩnh Long), trạm y tế cũng xuống nhà dân để hướng dẫn người dân khai báo y tế tự nguyện cũng như kết hợp tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19; SXH và các bệnh dịch như tay chân miệng, sởi. Hiện nay, ý thức phòng bệnh của người dân rất cao”.
Những ngày qua, tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, hơn 20.000 trẻ học lớp 2 trong trường tiểu học và trẻ 7 tuổi ở ngoài cộng đồng được tiêm bổ sung vắc xin uốn ván, bạch hầu giảm liều do các trung tâm y tế trong tỉnh tổ chức tiêm.
Tại các điểm tiêm, công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng được thực hiện đúng quy định, trẻ được khám sàng lọc trước tiêm, theo dõi phản ứng sau tiêm. Em Nguyễn Bảo Ngọc (Lớp 2, Trường Tiểu học Lê Lợi- TP Vĩnh Long) cho biết: “Con sợ chích đau lắm, nhưng hôm nay có đông bạn cùng chích nên con thấy đỡ sợ, chỉ đau xíu như kiến cắn. Các cô nói chích vắc xin này tụi con được ngừa bệnh bạch hầu”.
Theo ngành y tế, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Vĩnh Long không ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu, uốn ván sơ sinh nhưng không thể không cảnh báo việc quay trở lại của 2 dịch bệnh này. Mặt khác sau nhiều năm, số trẻ không có kháng thể phòng bệnh bạch hầu ngày càng nhiều.
Việc triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván- bạch hầu giảm liều sẽ tăng tỷ lệ miễn dịch phòng 2 căn bệnh này trong cộng đồng, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu, uốn ván tại các vùng có nguy cơ cao.
“Lá chắn” bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Thực hiện tốt công tác dự phòng, kiểm soát dịch bệnh, ngành y tế Vĩnh Long đang góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 hiện nay, tính đến thời điểm này Vĩnh Long chưa có ca nhiễm SARS-CoV-2. Khi dịch COVID-19 bùng phát, cán bộ nhân viên y tế từ tỉnh đến địa phương đã tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, góp phần cùng cả nước từng bước khống chế dịch bệnh.
Thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và cách ly y tế đối với công dân Việt Nam từ các quốc gia trở về để phòng chống dịch COVID-19, khu cách ly tập trung tại Trung đoàn Bộ binh 890 (xã Loan Mỹ- Tam Bình) tiếp nhận 7 đợt với 1.178 công dân. Đến nay đã hoàn thành được 6 đợt cách ly, các công dân đều âm tính với SARS-CoV-2.
Khi tiếp nhận công dân tại khu cách ly tập trung, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh rà soát đánh giá tình hình sức khỏe từng người để có biện pháp chăm sóc sức khỏe tốt nhất; cử đội phản ứng nhanh và tổ chống dịch lưu động thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, người làm y tế dự phòng phải theo dõi sâu sát hơn tình hình dịch COVID-19 ở các cấp địa phương, quốc gia và trên thế giới. Đồng thời triển khai kiểm tra giám sát, theo dõi, cách ly, quản lý các người liên quan để ngăn chặn dịch bệnh có thể xâm nhập vào địa bàn mình.
Để góp phần chăm lo cho cả cộng đồng phòng tránh bệnh tật, nhiệm vụ của y tế dự phòng còn là công tác truyền thông.
Tác động này rất quan trọng trong bối cảnh các bệnh không lây nhiễm gia tăng và dịch bệnh mới xuất hiện. “Như người dân khi bệnh đái tháo đường, cao huyết áp hay có nguy cơ mắc bệnh đó, y tế dự phòng sẽ tác động như tư vấn ăn uống, lời khuyên dinh dưỡng, vận động thể dục, thuốc men... để người bệnh hoặc tiền mắc bệnh khống chế không để bệnh tiến triển và nguy cơ mắc bệnh”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Minh Thanh- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, công tác y tế dự phòng nói chung và công tác phòng chống dịch nói riêng là vô cùng quan trọng, đóng vai trò là phòng tuyến vững chãi bảo vệ sức khỏe nhân dân. Công tác điều tra dịch tễ, giám sát ca bệnh và kịp thời xử lý các ổ dịch nhỏ đã được ngành y tế chủ động thực hiện.
Nhờ đó, tuy có nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn khống chế được nguồn lây, hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Nhiều năm liền không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, để đạt hiệu quả cao trong công tác phòng bệnh cần có sự góp sức của cả cộng đồng, bởi ý thức phòng bệnh của mỗi người sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân hoàn thành tốt trách nhiệm được giao phó.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin