Các loại thuốc lá thế hệ mới cũng độc hại như thuốc lá thông thường

08:08, 05/08/2020

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ tăng từ 1,1% năm 2015 đến 2,6% vào năm 2019, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác.

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ tăng từ 1,1% năm 2015 đến 2,6% vào năm 2019, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác.

Phát biểu tại hội thảo tập huấn, trao đổi thông tin báo chí về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Bộ Y tế tổ chức ngày 1/7/2020, ThS. Trần Thị Trang- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)- khẳng định, các loại thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha cũng độc hại như thuốc lá thông thường.

Do đó, Bộ Y tế đã có đề xuất Chính phủ cấm tiêu thụ, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu đối với các sản phẩm thuốc lá mới này. “Đây là loại hình thuốc lá mới, rõ ràng tác hại của chúng gây ra không hề thấp hơn thuốc lá thông thường, thậm chí có những tác hại cấp tính gặp phải ngay sau khi hút hơi đầu tiên như: viêm phổi, đột quỵ, nguy cơ cháy nổ cao...

Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được thiết kế bắt mắt, thu hút giới trẻ và nhắm đến cả người chưa hút thuốc và thực tế cho thấy hút thuốc lá điện tử hiện đang gia tăng trong giới trẻ, người chưa hút và kể cả người đang hút thuốc lá thông thường cũng có xu hướng sử dụng song song thuốc lá điện tử”.

Về vấn đề này, WHO cũng nêu rõ, không có “bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử ít gây hại hơn so với thuốc lá điếu truyền thống” và thuốc lá điện tử là những sản phẩm thuốc lá nên chúng không thể được coi là công cụ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá hiệu quả.

Để bảo vệ thế hệ trẻ trước nguy cơ nghiện chất nicotine và các tác hại đối với sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá, ngăn chặn các chiến thuật quảng cáo có hệ thống của ngành công nghiệp thuốc lá, WHO lựa chọn chủ đề Ngày thế giới không thuốc lá năm 2020 là “Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá”.

WHO kêu gọi các quốc gia cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối bởi các quảng cáo gây nhầm lẫn rằng có loại thuốc lá ít hại cho sức khỏe, xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh.

Những người có tầm ảnh hưởng xã hội trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, trên các trang mạng xã hội, trong gia đình, tại trường học, những người có khả năng tiếp cận và kết nối với giới trẻ hãy cùng tham gia các hoạt động để chỉ rõ các chiến thuật trong việc nỗ lực tạo ra một thế hệ người hút thuốc lá mới của ngành công nghiệp thuốc lá.

Kêu gọi một thế hệ trẻ không sử dụng thuốc lá và các sản phẩm gây nghiện như nicotine; thế hệ trẻ cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền nhằm chỉ rõ sự thật về những chiến thuật quảng cáo thuốc lá gây nhầm lẫn cho người sử dụng để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng... 

MAI ANH (tổng hợp)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh