Đà Nẵng chữa khỏi cho bệnh nhân mắc COVID-19 có bệnh lý nặng

07:08, 16/08/2020

Sáng 16/8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận xuất viện cho bệnh nhân 615 và công nhận khỏi COVID-19 cho bệnh nhân 582.

Sáng 16/8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận xuất viện cho bệnh nhân 615 và công nhận khỏi COVID-19 cho bệnh nhân 582.

Bệnh nhân 582 cảm ơn các bác sĩ bệnh viện Phổi (Đà Nẵng) đã trực tiếp điều trị. Ảnh: TTXVN
Bệnh nhân 582 cảm ơn các bác sĩ bệnh viện Phổi (Đà Nẵng) đã trực tiếp điều trị. Ảnh: TTXVN

Bệnh nhân 615 được xe chuyên dụng chở về tận nhà và cơ sở y tế cách ly theo đúng quy định. Riêng Bệnh nhân 582 mặc dù khỏi COVID-19 những vẫn ở lại bệnh viện để điều trị bệnh nền.

Chụp ảnh cùng các y, bác sĩ trực tiếp chữa trị, Bệnh nhân 582 ghi rõ lời cám ơn vào tấm bìa giấy gửi đến các y, bác sĩ với nội dung: “Cám ơn sự thân thiện của các bác sĩ, y tá, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Sở Y tế đã dành sự yêu thương bệnh nhân. Tôi vô cùng biết ơn”.

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 582) cho hay, đây là một ca bệnh nặng được tập thể đội ngũ y bác sĩ bệnh viện phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như các đơn vị khác đã phối hợp cứu sống.

Bệnh nhân trú tại quận Hải Châu, nhập viện ngày 31/7, có bệnh nền là tăng huyết áp, suy tim và tim thiếu máu cục bộ.

Ngày 29/7, bệnh nhân được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được chụp X-quang cho thấy phổi đã tổn thương rất nặng.

Đây là tổn thương phổi đặc thù ở những bệnh nhân nhiễm COVID-19 hiện nay, đặc biệt là người lớn tuổi có những bệnh lý nền của suy giảm miễn dịch.

Bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện phổi Đà Nẵng sang Bệnh viện Đà Nẵng (Khoa y học nhiệt đới) vì thời điểm đó Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chưa lắp đặt được hệ thống chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Ngày 2/8, Bệnh nhân diễn tiến phổi rất nhanh, các ekip y, bác sĩ đã thực hiện ECMO, đồng thời lọc máu… Thời điểm ngay sau làm ECMO nhịp tim rất chậm, chỉ có 44 lần (tức là thể hiện ngoài tổn thương phổi còn có tổn thương tim).

Sau 4 ngày thực hiện ECMO, diễn tiến bệnh nhân có xu hướng tốt hơn, phổi và các thông số oxi máu cải thiện, huyết áp đã không còn phụ thuộc vào thuốc… Sau đó, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để điều trị. Đến ngày 5/8, bệnh nhân này đã cai ECMO.

Sau 4 lần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, bệnh nhân đã đủ tiêu chuẩn xác định khỏi COVID-19. Các y, bác sĩ sẽ di chuyển bệnh nhân đến nơi khác để điều trị bệnh nền, tránh bệnh nguy cơ lây nhiễm chéo.

Bác sĩ Trần Thanh Linh - người trực tiếp chữa trị bệnh nhân 582 phát biểu. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN
Bác sĩ Trần Thanh Linh - người trực tiếp chữa trị bệnh nhân 582 phát biểu. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ: “Chúng tôi đến đây từ ngày 24/7 và hành trang chỉ có một bộ đồ, khi đó chúng tôi nghĩ chỉ có một ca bệnh nặng là bệnh nhân 416. Tuy nhiên sau đó có thêm nhiều trường hợp bệnh nhân nặng khác phải điều trị.

Không riêng chúng tôi mà nhiều anh em y, bác sĩ từ bệnh viện Chợ Rẫy cũng mong muốn hỗ trợ, chung tay cùng Đà Nẵng khống chế dịch bệnh, cứu sống bệnh nhân càng nhanh càng tốt.

Hành trang bây giờ chúng tôi luôn mang theo đó là quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19 càng sớm càng tốt và khi nào hết dịch thì các anh em mới trở về”.

Bác sĩ Trần Thanh Linh khẳng định, thành công này không phải của riêng ai, mà nó là sự hợp sức của cả tập thể, ê kíp và sự đồng lòng của nhân dân.

Để điều trị bệnh nhân 582, các y, bác sĩ đã luôn quyết tâm, đoàn kết, tập trung lực lượng. Quá trình điều trị cũng gặp rất nhiều khó khăn, nếu quyết định chậm trễ, không chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hệ thống y tế thiết yếu thì bệnh nhân sẽ có diễn biến nặng và khó cứu được.

Để điều trị bệnh nhân này, các y, bác sĩ phải trực cả ngày lẫn đêm, đặc biệt các nhân viên điều dưỡng gần như lúc nào cũng bên cạnh bệnh nhân, chăm sóc từ việc vệ sinh, thực hiện vật lý trị liệu. Các điều dưỡng không sợ bị nguy cơ lây nhiễm, vì mục tiêu chung cố gắng cứu sống người bệnh.

Bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết, hiện nay vẫn còn có một số bệnh nhân nặng tại Trung tâm y tế Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế trong đó có bệnh nhân phải chạy ECMO, lọc máu và thở máy. Tuy nhiên đội ngũ y bác sĩ vẫn quyết tâm, đưa bệnh nhân nặng nguy kịch ra khỏi giai đoạn nguy hiểm càng nhiều càng tốt.

“Cuộc chiến chống dịch COVID-19 lần này là kỷ niệm chúng tôi không thể nào quên trong cuộc đời làm nghề của mình. Chúng ta đang ở chiến trường thì có vũ khí gì trong tay, chúng ta cứ chiến đấu và làm sao để mang lại thắng lợi", Bác sĩ Linh bộc bạch.

Đại diện Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trao giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 và xuất viện cho bệnh nhân 615. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN
Đại diện Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trao giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 và xuất viện cho bệnh nhân 615. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho rằng, công tác điều trị đã đi đúng hướng, kịp thời trong tình huống mà Bệnh viện Đà Nẵng bị phong tỏa và gần như tất cả những kinh nghiệm về hồi sức đều nằm ở Bệnh viện Đà Nẵng.

Với chiến lược triển khai hồi sức tích cực tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện Hòa Vang, chỉ trong vòng 8 ngày, các đơn vị hồi sức tích cực đã được kết hợp. Đây là một sự nỗ lực, cố gắng hết mình của cả ngành y tế, sự góp sức quý giá của lực lượng y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai và tất thảy lực lượng y tế với quyết tâm trong thời gian sớm nhất có thể đẩy lùi dịch COVID-19.

Theo Võ Văn Dũng (TTXVN)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh