Nâng ý thức phòng chống "mùa" bệnh sốt xuất huyết

04:06, 10/06/2020

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) thường có số ca mắc nhiều vào mùa mưa, từ tháng 6 và đạt đỉnh vào tháng 8 hàng năm. SXH có triệu chứng ban đầu giống sốt thông thường, nếu không điều trị kịp thời, bệnh diễn tiến tăng nặng nhanh và nguy cơ tử vong.

 

Truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết bằng tờ rơi.
Truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết bằng tờ rơi.

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) thường có số ca mắc nhiều vào mùa mưa, từ tháng 6 và đạt đỉnh vào tháng 8 hàng năm. SXH có triệu chứng ban đầu giống sốt thông thường, nếu không điều trị kịp thời, bệnh diễn tiến tăng nặng nhanh và nguy cơ tử vong.

Tháng 5/2020, Sở Y tế Vĩnh Long ghi nhận cả tỉnh có 87 ca bệnh (66 ca điều trị tại các bệnh viện trong tỉnh, số còn lại điều trị bệnh viện ngoài tỉnh). Bệnh giảm so với tháng trước nhưng trên tổng số, bệnh SXH tích lũy tới thời điểm trên là 1.118 ca, tăng 265 ca (31%) so cùng kỳ năm 2019.

Trước đó ở tháng 4/2020, số ca bệnh toàn tỉnh là 109. Tháng trước nữa, số này là 155. Có thể thấy, bệnh không chỉ xuất hiện khi bắt đầu “rớt mưa” mà đã có nhiều ở thời điểm còn khô nóng. Điểm này các bác sĩ điều trị và dự phòng ở Vĩnh Long cũng từng chỉ ra: có năm bệnh SXH xuất hiện sớm ngay từ đầu năm, diễn biến phức tạp chứ không đợi vào mùa!

SXH lây truyền qua đường muỗi vằn đốt. Ở nơi thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, các khu vực đông dân cư, hạ tầng chưa phát triển... là điều kiện để lăng quăng và muỗi sinh sôi, gây bệnh. Theo chu kỳ, năm 2020, chuyên gia y tế dự báo không là năm có đông bệnh nhân mắc SXH, nhưng chưa thể nói trước được điều gì.

Bệnh SXH có thời gian ủ bệnh 1- 2 tuần. Ở giai đoạn đầu, bệnh SXH biểu hiện lâm sàng giống sốt vi rút, với các biểu hiện sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, nhức hốc mắt... Chính vì thế, người bệnh dễ chủ quan, không đến bệnh viện điều trị mà chỉ mua thuốc hạ sốt uống.

Thường tới ngày thứ 5, xuất huyết tăng nặng, xuất hiện triệu chứng có thể dẫn tới rối loạn đông máu, tụt huyết áp... Bệnh được điều trị chủ yếu bằng cách truyền dịch phòng tránh cô đặc máu và tụt huyết áp. Trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi thường có bệnh lý nền cần theo dõi sát bởi mắc bệnh dễ diễn tiến nặng hơn.

Bệnh SXH là một trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch, hiện lưu hành tại nhiều địa phương. Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế Vĩnh Long- cho hay, thời tiết nóng ẩm nhất là mưa nhiều là điều kiện để sinh sôi lăng quăng và muỗi.

Tiến hành phun hóa chất diệt muỗi ở hộ gia đình.
Tiến hành phun hóa chất diệt muỗi ở hộ gia đình.

Theo bác sĩ, người dân cần chú ý giữ môi trường sống và sinh hoạt thông thoáng, sạch sẽ. Dùng các biện pháp diệt lăng quăng và muỗi theo khuyến cáo. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để có đủ đề kháng. Ngủ mùng và mặc quần áo dài tay kể cả ban ngày...

Sở Y tế trong hoạt động thường kỳ đưa yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch, trong đó chú ý các bệnh lây qua đường hô hấp, bệnh SXH, bệnh tay chân miệng, sởi... để xử lý kịp thời, triệt để.

Với bệnh SXH, do chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, nên việc tuyên truyền phòng ngừa trong người dân, môi trường học đường và cộng đồng là yêu cầu vô cùng quan trọng. Điều đó sẽ hiệu quả hơn bắt nguồn từ mỗi người khi nâng cao kiến thức, ý thức phòng tránh bệnh trong cuộc sống hàng ngày.

Trước đây, bệnh SXH chỉ ghi nhận ở các nước vùng nhiệt đới thì nay, bệnh đã xuất hiện ở các vùng cận nhiệt đới. Năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới đưa bệnh SXH vào danh sách 10 mối nguy cho sức khỏe nhân loại. 

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh