Mang thai, sinh nở ở độ tuổi thích hợp sẽ giúp bé sinh ra thông minh, khỏe mạnh và mẹ cũng giảm bớt nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm.
Khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi nhằm nâng cao chất lượng dân số. |
Mang thai, sinh nở ở độ tuổi thích hợp sẽ giúp bé sinh ra thông minh, khỏe mạnh và mẹ cũng giảm bớt nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm. Áp lực cuộc sống và công việc khiến người trẻ có xu hướng kết hôn, sinh con muộn, chọn sinh ít con và thậm chí không muốn sinh con. Các chuyên gia cảnh báo, sinh con muộn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Xu hướng của phụ nữ đô thị
Theo các chuyên gia, phụ nữ ở đô thị ngày nay bị ảnh hưởng bởi lối sống của các nước phương Tây, họ có những đòi hỏi nhất định trong việc khẳng định mình trong công việc và độc lập về kinh tế. Thực tế, độ tuổi từ 25- 40 là giai đoạn tích lũy nghề nghiệp và tài chính của cả nam lẫn nữ, do đó, phụ nữ kết hôn trễ và sinh con khi lớn tuổi ngày càng phổ biến.
Bao giờ lấy vợ? Đến tuổi này mà còn chưa lấy chồng thì khi nào sinh con?... Đó là những câu hỏi dài bất tận nhưng đôi khi không dễ trả lời mà vợ chồng chị Lê Thị Ngọc Trân (37 tuổi, Phường 9- TP Vĩnh Long) thường bị hỏi khi đi về quê, đi công tác hay trong những câu chuyện xã giao bình thường.
“Chị lấy chồng khi gần bước qua sinh nhật lần 36, trong khi anh thì 43 tuổi. Lấy nhau về vợ chồng cười hoài, duyên thắm tình thì cưới thôi, có khi chị chọc anh coi như giúp nhau thoát ế”- chị Trân hóm hỉnh.
Do cả hai có tuổi, nên cưới nhau là vợ chồng chị “thả”, không áp dụng biện pháp ngừa thai. “Vậy mà hơn 18 tháng vẫn chưa có tin vui, vợ chồng chị đi khám thì bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân xuất phát từ anh, vì số lượng “tinh binh” không đủ mạnh để tấn công vào trứng làm tổ. Anh chỉ điều trị nội khoa một thời gian, nếu không được thì bác sĩ sẽ làm thụ tinh ống nghiệm”- chị Trân cho hay.
Dù không khó khăn về kinh tế nhưng mãi đến năm 34 tuổi, chị Nguyễn Minh Hạnh (39 tuổi, TP Vĩnh Long) mới lần đầu làm mẹ sau nhiều lần bị sảy thai. Hành trình tìm kiếm niềm hạnh phúc làm mẹ của chị không được suôn sẻ như nhiều phụ nữ khác.
“Mải mê với công việc nên tôi kết hôn năm 30 tuổi, rồi khó khăn lắm mới có được bé Bắp. Lúc mang thai, vì lớn tuổi, cơ thể yếu nên tôi phải xin nghỉ làm không lương để dưỡng thai. Sanh được con thì cả quá trình, thời gian nằm viện cũng cả 3 tháng trời, có tháng tôi gần như phải nằm yên một chỗ”- chị Hạnh kể. Những vất vả, khổ cực của lần sinh con đầu tiên khiến chị Hạnh không dám nghĩ đến việc sinh con thứ 2.
Nên sinh con trước 35 tuổi
Theo TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, ở độ tuổi 20- 24, phụ nữ dễ thụ thai nhất. Sau đó, khả năng thụ thai giảm dần, ở mốc 35 tuổi trở đi bắt đầu giảm mạnh. Đến khi bước sang tuổi 45, rất ít phụ nữ có thể thụ thai một cách tự nhiên.
TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng lý giải rằng, một bé gái sinh ra có khoảng 2 triệu nang noãn (trứng chưa trưởng thành) trong cơ thể và chất lượng của các noãn nang sẽ bị giảm đi theo thời gian. Cụ thể, ở độ tuổi từ 35 trở đi, chất lượng noãn không còn như trước nên cơ hội thụ thai khá thấp. Đây cũng là thời điểm các bệnh mãn tính đã bắt đầu xuất hiện, gây nguy hiểm cho cả bà mẹ và em bé nếu mang thai ở độ tuổi 35-40.
Bên cạnh khả năng thụ thai, sau 35 tuổi, đa số phụ nữ khó có thai và khi có thai hay gặp các biến chứng, tai biến sản khoa. Sau 40 tuổi, khả năng mang thai càng khó hơn và các bất thường, dị tật ở thai nhi cũng tăng lên.
Trên thực tế, tại Khoa Sản- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long ghi nhận nhiều trường hợp thai phụ lớn tuổi và tỷ lệ gặp các vấn đề khi mang thai, sinh con ở những thai phụ này cao hơn nhiều so với những trường hợp sinh con ở độ tuổi dưới 35.
Thai phụ còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ như biến chứng tiểu đường, tăng huyết áp, tiền sản giật, băng huyết sau sinh;... Với phụ nữ dưới 20 tuổi, ngoài vấn đề khung xương chậu hẹp thì yếu tố tâm lý, tài chính chưa sẵn sàng cũng là nguyên nhân khiến quá trình mang thai và sinh nở gặp khó khăn.
Ở nam giới, mặc dù tinh trùng được tái tạo liên tục nhưng khả năng sinh sản cũng suy giảm theo độ tuổi.
Lượng tinh dịch, số lượng tinh trùng và khả năng vận động của tinh trùng, khả năng quan hệ tình dục cũng bị ảnh hưởng khi tuổi càng cao, đặc biệt với những người thường xuyên chịu áp lực công việc cao hay sử dụng chất kích thích. Ngoài ra, nếu nam giới sinh con ở độ tuổi trên 45 thì thai nhi có nguy cơ bị sẩy và các bất thường liên quan đến di truyền ở trẻ sinh ra rất cao.
TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng cho rằng, khi có ý định kết hôn và sinh con, các bạn trẻ nên đi khám sức khỏe trước hôn nhân. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng, giúp những bạn trẻ chuẩn bị kết hôn có thể bước vào đời sống vợ chồng một cách tự tin với lối sống tình dục an toàn, sẵn sàng chào đón một em bé khỏe mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Quyết định có hiệu lực từ ngày 28/4/2020. Trong quyết định này có đề cập đến việc khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi nhằm nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo vững chắc mức sinh thay thế, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin