Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 2/3 số ca tử vong do ung thư phổi trên toàn cầu. Hút thuốc thụ động tại nơi làm việc, tại nhà, trong môi trường khép kín... cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi cho người không hút thuốc, nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc.
Bỏ thuốc lá giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi: Người bỏ thuốc lá sau 10 năm nguy cơ bị ung thư phổi giảm xuống khoảng một nửa so với người hút thuốc.
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh COPD- một tình trạng tích tụ chất nhầy và mủ trong phổi người hút thuốc lá dẫn đến ho, đau ngực và khó thở.
Nguy cơ mắc bệnh COPD đặc biệt cao ở những người hút thuốc từ khi còn trẻ, vì các chất độc trong khói thuốc lá làm suy giảm sự phát triển của phổi.
Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, góp phần gây tàn phế và tử vong cho cả người hút thuốc lá và người hút thuốc lá thụ động.
Bỏ thuốc lá là phương pháp hiệu quả nhất để làm chậm tiến triển của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và cải thiện các triệu chứng hen suyễn.
Những bệnh nhân mắc bệnh COPD đang điều trị tại Khoa Phổi (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long) phần lớn cũng do có thời gian dài hút thuốc lá.
Ông L.V.H. (Phường 4- TP Vĩnh Long) hút thuốc lá từ khi còn là thanh niên, vui hút, buồn cũng hút, coi đó là thứ không thể thiếu trong cuộc sống, có ngày cao điểm, ông đốt hơn 2 gói.
Do chủ quan nên tới khi phát hiện mắc bệnh COPD thì việc chữa trị với ông đã rất khó khăn. Nằm trong phòng bệnh, đi đứng phải hỗ trợ ghế đẩy, ông lo lắng: “Tui bị ho ra máu, vô bệnh viện cầm được máu rồi. Bác sĩ nói do hút thuốc lá nhiều ảnh hưởng về tim mạch rối loạn dây thần kinh và ho ra máu cho nên tui khuyên ai hút thì cố gắng bỏ thuốc đi. Sức khỏe giờ quý lắm!”
Theo bác sĩ Phạm Văn Hoàng- Trưởng Khoa Bệnh phổi (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh), hút thuốc lá, thuốc lào đưa đến hạn chế về thông khí đường thở và lâu ngày dẫn đến bệnh COPD và bệnh này gây tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 3 sau tim mạch, ung thư và mức độ tàn phá cơ thể rất nghiêm trọng.
Trên thực tế bệnh nhân điều trị tại khoa cho thấy, đa số trong tình trạng hạn chế thông khí đường thở, đặc biệt COPD chiếm 50%, trong đó nhiều người có tiền sử hút thuốc lá.
Biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe phổi là không hút thuốc và giảm tối đa việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Bởi, khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí tới 5 giờ đồng hồ, kể cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Khói thuốc lá làm ô nhiễm không khí, đặc biệt trong môi trường khép kín, tại các khu vực trong nhà. Với hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư, sự ô nhiễm các chất độc hại trong khói thuốc là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, các bệnh hô hấp mạn tính và giảm chức năng phổi cho những người sống và làm việc tại các nơi này. |
MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin