Thời tiết oi bức ngột ngạt, đề phòng bệnh

11:05, 15/05/2020

Các tỉnh- thành khu vực phía Nam, trong đó có Vĩnh Long đang bước vào những ngày nắng nóng gay gắt nhất trong năm, khiến việc ra đường là nỗi ám ảnh của nhiều người. Nắng nóng hầm hập, oi bức, ngột ngạt rất khó chịu.

Các tỉnh- thành khu vực phía Nam, trong đó có Vĩnh Long đang bước vào những ngày nắng nóng gay gắt nhất trong năm, khiến việc ra đường là nỗi ám ảnh của nhiều người. Nắng nóng hầm hập, oi bức, ngột ngạt rất khó chịu.

Nguy cơ bị đột quỵ thường xảy ra khi nhiệt độ ngoài trời dao động từ 320C trở lên. Bệnh nhân bị cao huyết áp đang được khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Triều An- Loan Trâm.
Nguy cơ bị đột quỵ thường xảy ra khi nhiệt độ ngoài trời dao động từ 320C trở lên. Bệnh nhân bị cao huyết áp đang được khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Triều An- Loan Trâm.

Người lớn và trẻ em đều dễ bệnh

Tình trạng nắng nóng kéo dài suốt nửa tháng qua tại Vĩnh Long khiến cho số trẻ nhập viện gia tăng. Tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, số bệnh nhi đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng hơn 30% so các tuần trước với các bệnh lý về da, đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Trong số đó, chủ yếu là các bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa, nhiễm khuẩn hô hấp. Nguyên nhân của tình trạng này là do các loại vi khuẩn, vi rút, nấm mốc,… gây bệnh thường phát triển mạnh mẽ hơn trong điều kiện nắng nóng và độ ẩm cao.

Chị Huỳnh Thị Thu Ngọc (xã Quới An- Vũng Liêm)- mẹ bé Gia Khiêm (3 tuổi) đang điều trị viêm phổi tại Khoa Nhi cho biết: “Vừa bước vào đợt nắng nóng thì bé bị ho, sốt 3 ngày ở nhà không thấy đỡ, vợ chồng tui vội đưa bé vô bệnh viện, xét nghiệm thì biết con bị viêm phổi. Hôm nay khỏe nhiều rồi!” Ở phòng kế bên, bé Minh Tâm (4 tuổi, ở TP Vĩnh Long) đang nằm viện điều trị bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Mẹ bé- chị Lê Vân Trang- cho biết: “Nghỉ học vì dịch bệnh ở nhà chơi vui khỏe re, vậy mà hổm rày nắng nóng quá, tôi cũng chủ quan cho con ăn hàng ở ngoài Quảng trường. Khi con ói, đi phân lỏng 5- 6 lần, tôi hoảng quá ẵm cháu đi bệnh viện liền”.

Không chỉ có trẻ nhỏ, người lớn cũng bị ảnh hưởng bởi nắng nóng kéo dài, đặc biệt là những người cao tuổi hoặc có bệnh tim, tăng huyết áp. Chú Nguyễn Văn Tài (65 tuổi, xã Phú Đức- Long Hồ) bị viêm gan B, huyết áp cao nên trời nóng như hiện nay thì huyết áp của chú còn cao hơn. Chú cho biết: “Nóng phừng phừng đầu óc, tới máu cũng… lên theo. Bác sĩ nói những người già và bị bệnh mãn tính giống như tui dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lắm”.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Diên- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, thời tiết oi bức, nắng nóng hầm hập khiến cho nhiều người cảm thấy bứt rứt, khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Chẳng hạn, mọi người có cảm giác mất sức, ăn không ngon, ngủ kém, nhịp tim và huyết áp tăng lên… Về tâm lý, dễ căng thẳng sinh cáu gắt, bực tức, không điều khiển được tâm lý, hành vi.

Ngay cả người vốn khỏe mạnh cũng đến khám với các chứng đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi do stress, rối loạn cảm xúc, trầm cảm. Người có tiền sử tâm thần thì nhập viện với các triệu chứng tâm thần như nói năng lảm nhảm, đập phá, kích động.

“Nhiệt độ tăng cao khiến mọi người đều mệt mỏi, mất sức, căng thẳng, dễ nổi nóng. Người tâm thần vốn đã yếu thần kinh, càng dễ bị kích động hơn”- bác sĩ Phạm Văn Diên giải thích.

Giữ sức khỏe mùa nóng

Theo các bác sĩ da liễu, vào những tháng nắng nóng tia cực tím nhiều hơn, mức độ tiếp xúc với tia cực tím cũng nhiều.

Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng, kết hợp với độ ẩm cao còn làm các tuyến dầu tăng hoạt động, gây tăng tiết bã nhờn và gây mụn trứng cá. Ngoài ra, nhiều trường hợp da bong tróc, ửng đỏ đến điều trị, một số trường hợp bị ngứa rát.

Các bệnh về đường tiêu hóa do uống nhiều nước đá, ăn uống hàng rong không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Những người phải làm việc trong môi trường nắng nóng liên tục có thể bị say nắng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Diên cho rằng, nắng nóng có thể gây mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Do vậy, trong những ngày nắng nóng, hầu hết những người phải đi ngoài trời nắng nhiều hoặc người có tiền sử huyết áp cao, tim mạch, thiếu máu não,… không chỉ đề phòng sốc nhiệt mà còn phải trang bị bảo hộ như (khẩu trang sát khuẩn, áo chống nắng, kín râm, nón, dù) để hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng của tia cực tím (hay còn gọi là tia UV). Cùng với đó, việc phòng các bệnh mùa nắng nóng bằng các biện pháp cho trẻ em là điều cần thiết;…

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Huỳnh Cẩm Huy- Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Triều An- Loan Trâm (TP Vĩnh Long), việc chăm sóc trẻ nhỏ ở gia đình rất quan trọng. Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần cho trẻ bú đủ, uống đủ nước vì mùa nóng tiết mồ hôi nhiều nên cần phải bù lượng nước mất. Phòng ngủ cần thoáng mát dễ ngủ, vì ngủ không được cũng bệnh, tốt nhất là máy lạnh 27 độ, không nên quạt trực tiếp vào bé suốt đêm.

Khi đi từ ngoài vào phòng máy lạnh phải giữ ấm thời gian đầu. Trẻ đổ mồ hôi nhiều, đừng cho trẻ tắm ngay vì khi đó sẽ tác động đến cơ thể bé và dễ đưa đến tình trạng rối loạn niêm mạc mũi; dẫn đến hiện tượng nhảy mũi. Nhiễm khuẩn từ bên ngoài vào dễ đưa đến tình trạng viêm đường hô hấp nhiều hơn mà cụ thể là viêm phổi.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh