Hệ lụy khi người trẻ hút thuốc lá

03:05, 29/05/2020

Tác hại của khói thuốc lá, thuốc lá thụ động, thuốc lá điện tử diễn biến phức tạp và gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của người hút và những người xung quanh. Song, mặc cho những cảnh báo, tỷ lệ người hút thuốc lá ngày một trẻ hóa ở nước ta.

Tác hại của khói thuốc lá, thuốc lá thụ động, thuốc lá điện tử diễn biến phức tạp và gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của người hút và những người xung quanh. Song, mặc cho những cảnh báo, tỷ lệ người hút thuốc lá ngày một trẻ hóa ở nước ta.

Dù biết khói thuốc tàn phá sức khỏe, song ở các quán cà phê, nhiều người trong đó có bạn trẻ vẫn thản nhiên hút thuốc lá.
Dù biết khói thuốc tàn phá sức khỏe, song ở các quán cà phê, nhiều người trong đó có bạn trẻ vẫn thản nhiên hút thuốc lá.

Khói thuốc tàn phá sức khỏe

Ai cũng sợ ung thư, đột quỵ, song nhiều người vẫn quá điềm nhiên với khói thuốc lá- thủ phạm chứa gần 70 chất gây ung thư và hàng ngàn chất độc khác gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến đột quỵ.

Giờ đây, những tác hại của thuốc lá luôn được xác định rõ ràng bằng những xét nghiệm cận lâm sàng tại các phòng khám, bệnh viện. Khi hút thuốc lá, người ta thấy sảng khoái bao nhiêu, thì khi đứng trước bằng chứng bệnh tật từ nó, người bệnh thất thần, lo sợ bấy nhiêu.

Cuối tháng 7/2019, trên tài khoản facebook của mình, N.Đ.T. (Đồng Nai) có chia sẻ về hình ảnh mình phải nằm viện và thực hiện phẫu thuật 3 lần trong vòng 10 ngày, cảm giác như “chết đi, sống lại”.

T. cho biết, năm nay 23 tuổi nhưng em có thâm niên hút thuốc lá 6 năm với số lượng 1 bao thuốc/ngày. Do hút thuốc vô tội vạ nên thân hình em gầy gò, ốm yếu, đặc biệt T. thường xuyên bị tức ngực, khó thở khiến em không thể tập trung làm được bất kỳ công việc gì. Lúc đó T. vào viện khám và được bác sĩ chẩn đoán bị trào khí, tràn dịch màng phổi mức độ khá nghiêm trọng, phải dùng bình lọc,…

Trong những ngày đau đớn vô cùng, T. đã “ngấm” những nguy hại mà thuốc lá gây ra. Vì vậy, thanh niên này dùng chính hình ảnh của mình để kêu gọi mọi người từ bỏ thuốc lá. Sau thời gian điều trị, sức khỏe của T. hiện tại đã ổn định hơn.

Thanh niên C. 23 tuổi ở Cần Thơ bị nhồi máu cơ tim tối cấp cũng được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ cứu sống kịp thời. Được biết, C. có thói quen hút thuốc lá từ nhiều năm nay, mỗi ngày hút 1 gói. Dù từ trước đến nay, C. không có yếu tố nguy cơ tim mạch nhưng thói quen này, các bác sĩ nhận định nó có thể là nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc bệnh tim nguy kịch.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong- Phó Giám đốc chuyên môn, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BVĐK Trung ương Cần Thơ, nhồi máu cơ tim xảy ra ở tuổi 45 được đánh giá là trẻ, còn nếu dưới 35 tuổi mắc bệnh là rất trẻ. Tình trạng này gây những cơn đau thắt ngực và sau đó là hoại tử cơ tim dẫn đến suy tim hoặc đột tử. Có nhiều nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi như: stress, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá nhiều năm. Trong đó, nguyên nhân chính là chế độ sinh hoạt không khoa học, thiếu lành mạnh gây hình thành các mảng xơ vữa nhanh chóng và dẫn đến nhồi máu cơ tim ở người trẻ. Nhưng họ thường chủ quan không nghĩ mình mắc phải căn bệnh này nên càng dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Bạn trẻ tránh xa khói thuốc

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các quán nước vỉa hè, quán cà phê trên địa bàn TP Vĩnh Long, các bạn trẻ, thậm chí học sinh còn mặc đồng phục công khai hút thuốc lá, phì phèo nhả khói một cách thành thục. Rất nhiều người lớn ngồi kế bên nhưng không ai có ý định ngăn cản.

Tại một quầy tạp hóa trên đường Lê Thái Tổ (Phường 2- TP Vĩnh Long), chúng tôi thấy một bé trai 8 tuổi mua gói thuốc lá. Bé hồn nhiên: “Con mua thuốc lá cho ba hút hoài hà. Ba con ghiền thuốc nặng lắm, ba chở 2 anh em con đi học cũng hút thuốc. Từ khi dịch COVID-19, bị buộc đeo khẩu trang khi chạy xe nên đỡ hít khói thuốc của ba đó. Bác hàng xóm bị đột quỵ cũng nhờ con mua thuốc dùm nữa”. Một điều hết sức bất ngờ là người bán không hề biết quy định cấm bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên. Khi chúng tôi hỏi, chị chủ cửa hàng tạp hóa vô tư phân trần: “Nó đưa tiền thì tôi bán thôi! Mà nó còn nhỏ chắc mua thuốc cho cha hoặc cho anh nó thôi chứ nó hút làm sao được”?

Theo các nghiên cứu, độ tuổi bắt đầu hút thuốc của thanh niên Việt Nam là khá trẻ, 56% người hút thuốc lá bắt đầu hút trước tuổi 20, tỷ lệ học sinh nam hút thuốc trước 10 tuổi là 17%. Theo các chuyên gia, giá thuốc lá thấp ở Việt Nam cũng là một nguyên nhân khiến học sinh dễ tiếp cận với thuốc lá. Việc mua và sử dụng thuốc lá dễ dàng và không bị cấm đoán là nguyên nhân chính khiến các em học sinh dễ dàng tiếp cận với thuốc lá.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Minh Thanh- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long- cho biết, tác hại của việc hút thuốc lá ở độ tuổi vị thành niên lại cao hơn người lớn rất nhiều vì thời gian hút càng dài, lượng nicotin trong thuốc lá dự trữ trong cơ thể càng cao. Bên cạnh đó, ở độ tuổi này, cơ thể các em đang phát triển, khả năng chống đỡ tác nhân gây bệnh còn yếu nên nguy cơ gây bệnh cao hơn.

Năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá” nhằm thông tin tới cộng đồng tác hại của việc nghiện nicotine có trong các sản phẩm thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và cả cộng đồng.

Qua đó, WHO kêu gọi các quốc gia thực hiện những chính sách mạnh mẽ để bảo vệ giới trẻ trước nguy cơ sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điếu truyền thống cũng như các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Theo Bộ Y tế, sau nhiều năm phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam có giảm từ trên 53% nam giới trưởng thành xuống còn trên 45%, ở nữ giới giảm từ 2% xuống còn 1,1%.

Song, điều đáng lo ngại là tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lại tăng, đặc biệt trong giới trẻ...

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh