Khoanh vùng, dập sớm những ổ dịch nhỏ, không để bùng phát

Cập nhật, 22:43, Thứ Hai, 06/04/2020 (GMT+7)

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu cho rằng Việt Nam phải phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch sớm những "đốm lửa nhỏ," không để bùng phát, mới có thể thành công.

Các y, bác sỹ thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm từng người trong khu cách ly. (Ảnh: Thanh Vũ-Tuấn Quang/TTXVN)
Các y, bác sỹ thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm từng người trong khu cách ly. (Ảnh: Thanh Vũ-Tuấn Quang/TTXVN)

Bên lề cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam (PHEOC), đã trả lời các phóng viên báo chí một số nội dung liên quan đến việc cách ly xã hội; giải đáp về phương pháp xét nghiệm nhanh...

- Ông có thể đánh giá một số nét về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện nay?

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu: Dịch COVID-19 đến nay chưa bùng phát rộng ở Việt Nam là do nước ta đã, đang làm tốt việc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, trong đó có việc cách ly 14 ngày đối với khách nhập cảnh.

Nếu nói rằng giai đoạn đầu chỉ là giai đoạn làm chậm lại quá trình phát triển chứ không quyết định việc bùng phát dịch COVID-19 cũng có thể khẳng định Việt Nam đã làm tốt nên quá trình này chậm lại.

Bởi, ở một số nước chỉ trong một vài tuần, số bệnh nhân đã tăng lên hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn ca, như tại Hoa Kỳ, Italy.

Bên cạnh đó, việc dập dịch ở các ổ dịch được thực hiện tương đối tốt, như tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (Thành phố Hồ Chí Minh).

Phải nói rằng Việt Nam đã làm quyết liệt từ sớm. Hiện, Bộ Y tế đang chỉ đạo phải xét nghiệm được tất cả các ca sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ ở tất cả các phòng khám. Đồng thời, tiến tới cả những yếu tố sốt, ho có triệu chứng sốt, ho nhẹ, chỉ ở nhà gọi điện khám cũng cần được xét nghiệm.

Trong giai đoạn hiện nay không thể chủ quan, lơi là và phải làm quyết liệt hơn việc cách ly xã hội (giãn cách xã hội, giữ khoảng cách, hạn chế giao tiếp).

Giãn cách xã hội chẳng qua là việc không cho người mắc COVID-19 tiếp xúc với người khỏe mạnh và ngược lại cũng không để cho người khỏe mạnh đến chỗ lây nhiễm. Người này không lây cho người kia, gia đình này không lây cho gia đình khác...

Như vậy, hết 14 ngày, những người bị mắc bệnh nhẹ (không có triệu chứng gì) sẽ tự khỏi, không lây lan ra cộng đồng, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: "tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, khu phố nào ở khu phố đó, nhà nào ở nhà đó" ít nhất trong vòng 15 ngày để tránh lây nhiễm - như thế là thành công.

Tất nhiên, sau đó căn cứ vào tình hình thực tế sau 15 ngày, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ có quyết định phương án tiếp theo.

Giai đoạn này phải hết sức quyết liệt, bởi nếu không làm quyết liệt, toàn bộ công sức của giai đoạn 1 sẽ đổ xuống sông, xuống biển.

- Ngày thứ 5 thực hiện biện pháp cách ly xã hội, đã có số ca bệnh ít đi so với trước. Theo ông, điều này có thể hiện đây là biện pháp hiệu quả không, thưa ông?

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu: Hiện mới có 5 ngày nên chưa thể khẳng định được, bởi thời gian ủ bệnh của COVID-19 là 14 ngày, có một số trường hợp là sau 14 ngày nên nếu muốn đánh giá được hiệu quả phải chờ sau 14 ngày.

Thời gian qua, số người mắc chủ yếu ở nước ta là những trường hợp nhập cảnh đến/về Việt Nam; kể cả những ca trong khu cách ly cũng là lây từ các ca nhập cảnh hoặc phát hiện từ cộng đồng chủ yếu liên quan đến các ổ dịch (ví dụ: Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sinh...).

Hiện giờ là lúc phải tìm, phát hiện các ca trong cộng đồng. Nhưng có thể nói đây là biện pháp hiệu quả, khả quan bởi đến nay dịch COVID-19 chưa bùng phát trong cộng đồng.

- Ông có thể cho biết một vài thông tin liên quan đến việc xét nghiệm nhanh?

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu: Xét nghiệm nhanh chỉ phát hiện kháng thể, phát hiện những người mắc bệnh đã khỏi, không xác định người đang hiện mắc bệnh.

Đối với những người đã từng mắc bệnh, phải đến 5-7 ngày mới có kháng thể. Muốn xác định những người đang mắc COVID-19 cần thông qua xét nghiệm bằng máy (PCR). Xét nghiệm nhanh chỉ là đánh giá sàng lọc nên độ chính xác không cao.

- Một số ý kiến người dân lo lắng rằng giai đoạn này dịch bệnh đã trở nên nguy hiểm hơn giai đoạn 1. Theo ông ý kiến này có chính xác không?

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu: Không thể so sánh các giai đoạn. Bởi giai đoạn 1 dịch bùng phát có rất nhiều người chết nên nếu nói dịch không nguy hiểm là không đúng.

Theo nhìn nhận, những ca mắc bệnh nặng là những trường hợp người cao tuổi và người có bệnh nền. Nếu để bùng phát dịch bệnh, số ca mắc nhiều sẽ dẫn đến hệ thống y tế bị đánh sụp, vì không có đủ phương tiện, nhân lực, máy thở cũng như đồ bảo hộ.

Ổ dịch nhỏ có thể ví như "đốm lửa nhỏ," nếu ta khoanh vùng vào sẽ giải quyết tốt. Việt Nam phải phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch sớm những "đốm lửa nhỏ," không để bùng phát, mới có thể thành công.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

Theo Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)