Với ưu điểm là tiện lợi, giá thành rẻ, những chiếc khẩu trang y tế dùng một lần chính là lựa chọn hàng đầu của người dân.
Với ưu điểm là tiện lợi, giá thành rẻ, những chiếc khẩu trang y tế dùng một lần chính là lựa chọn hàng đầu của người dân.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và có lẽ cả đến khi dịch qua đi, những chiếc khẩu trang sẽ là vật bất ly thân với hầu hết mọi người mỗi khi ra đường.
Những chiếc khẩu trang vứt bừa bãi ngoài đường vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa là nguy cơ lây lan bệnh. |
Với ưu điểm là tiện lợi, giá thành rẻ, những chiếc khẩu trang y tế dùng một lần chính là lựa chọn hàng đầu của người dân. Tuy nhiên, chính vì dùng một lần rồi bỏ đi nên chúng là một trong những mối lo lớn cho môi trường tự nhiên.
Đeo khẩu trang khi ra đường vẫn đang là quy định bắt buộc nhằm phòng chống dịch Covid-19. Có thể dễ dàng quan sát hiện nay, phần lớn người dân tại TPHCM đã chấp hành rất tốt việc đeo khẩu trang và đa phần trong số đó chọn khẩu trang y tế vì những sự tiện dụng và giá thành rẻ. Tuy nhiên, việc mỗi khẩu trang y tế chỉ dùng một lần rồi bỏ đi lại dẫn đến những vấn đề nan giải.
Lý do là bởi hiện tại chỉ có ở các cơ sở y tế mới phân loại và xử lý khẩu trang y tế theo quy chuẩn. Còn lại, đa số mọi người sau khi dùng xong thường bỏ lẫn khẩu trang y tế vào rác thải sinh hoạt thông thường.
Không chỉ vậy, chúng ta còn rất dễ bắt gặp khẩu trang y tế nằm “lăn lóc” khắp nơi, không chỉ trong các bãi rác tập trung mà trên cả vỉa hè, lòng đường, những khu vực đông người đi lại, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Khi đến bệnh viện, các cơ sở y tế thì nên đeo khẩu trang y tế, còn bình thường có thể đeo khẩu trang vải để hạn chế lượng rác thải ra môi trường. |
Theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, khẩu trang y tế chính là một mối lo lớn của mẹ thiên nhiên bởi có thành phần nhựa nên rất khó phân huỷ:
"Khẩu trang y tế dùng một lớp vải nhựa, không dệt nên khi vứt ra môi trường sẽ làm gia tăng khối lượng nhựa trong môi trường. Thật ra nếu mình thu gom rồi đốt thì không vấn đề gì. Còn nếu cứ thế mà vứt ra môi trường thì có thể đến vài trăm năm chúng mới phân hủy."
Tiến sĩ - Bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM phân tích: đeo khẩu trang chỉ là một trong những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, nó không phải "lá chắn vạn năng" để ngăn chặn mọi virus, vi khuẩn.
Bên cạnh đeo khẩu trang, người dân có thể bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng các biện pháp khác như thường xuyên sát khuẩn tay, không khạc nhổ nơi công cộng, hạn chế đưa tay lên mắt mũi miệng,...
Đồng quan điểm với Phó Giáo sư - Tiến sỹ Phùng Chí Sỹ, bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, khi dùng một lần và bỏ đi, nếu không được xử lý đúng quy trình, chính những chiếc khẩu trang y tế thải bỏ này sẽ là tác nhân gây nên ô nhiễm môi trường và là nơi phát sinh nguồn bệnh vì các loại vi khuẩn, nấm vẫn tiếp tục bám trong từng lớp sợi của khẩu trang.
Chính vì vậy, người dân không nên lạm dụng khẩu trang y tế mà có thể sử dụng khẩu trang vải trong cuộc sống thường ngày. Như vậy, vừa bảo vệ được sức khỏe bản thân, vừa làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường tự nhiên cũng như hạn chế mất cân bằng cung - cầu trong thị trường khẩu trang y tế.
"Nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng vốn thấp hơn so với ở trong môi trường y tế. Do đó, nếu mình đi ngoài đường, hoặc có việc đến nơi công cộng bình thường thì có thể đeo khẩu trang vải, sau đó về giặt, phơi nắng cho nó sạch sẽ trở lại.
Chừng nào mình vào bệnh viện hay đến môi trường y tế, tiếp xúc với nhiều người bệnh thì mới nên đeo khẩu trang y tế.", bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn cho biết thêm.
Không chỉ riêng khẩu trang y tế, những rác thải khác cũng nên phân loại rõ ràng để dễ thu gom và xử lý. |
Việc người dân chủ động mang khẩu trang để bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng là đúng. Tuy nhiên, mọi người cũng cần tập làm quen với lối sống xanh để bảo vệ môi trường bởi hành tinh chúng ta đang sống đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi ô nhiễm rác thải nhựa.
Đã hơn một năm nay, bạn Trần Thái Trinh, 25 tuổi, ngụ Quận 5, TPHCM đã tập làm quen với lối sống xanh để góp phần vào bảo vệ môi trường tự nhiên.
Trong đợt dịch Covid-19, do phần lớn thời gian đều ở nhà hoặc cơ quan, thỉnh thoảng mới ra công viên nên Thái Trinh chọn sử dụng khẩu trang vải thay cho khẩu trang y tế.
Mỗi ngày, cô dùng từ 2-3 chiếc khẩu trang vải, dùng xong thì mang giặt, phơi khô dưới nắng rồi ủi lại bằng bàn là khử khuẩn trước khi cho vào túi có khoá kéo để khẩu trang không bị bám bẩn. Mặc dù có hơi bất tiện nhưng với cô, đây chính là lựa chọn cho một lối sống tích cực.
"Mình nghĩ là sau dịch Covid-19 thì mọi người sẽ sử dụng khẩu trang nhiều hơn, nhất là khẩu trang y tế. Không chỉ 1 cái, mà có thể lên đến 3, 4 cái mỗi ngày. 3, 4 cái đấy mà nhân lên với số dân của TPHCM, của Việt Nam hay của cả thế giới thì lượng khẩu trang y tế thải ra môi trường tự nhiên hằng ngày sẽ rất nhiều. Do đó, nếu mình hạn chế được chừng nào thì mình hạn chế.", bạn Thái Trinh chia sẻ.
Rõ ràng, đeo khẩu trang để phòng bệnh là việc làm cần thiết trước mắt nhưng song song đó, chúng ta cũng nên chung tay vào việc giảm thiểu số lượng khẩu trang y tế sử dụng một lần thải trực tiếp ra môi trường, góp phần giữ gìn và bảo vệ một môi trường xanh cho chính chúng ta và cho cả thế hệ tương lai./.
Theo Hà Anh/VOV-TPHCM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin